Người 'bụi đời' cưu mang trẻ tật nguyền

15/01/2015 09:43 GMT+7

Từ một người lang thang, anh Tạ Duy Sáu (36 tuổi, ngụ xóm 7, xã Thọ Thành, H.Yên Thành, Nghệ An) đã trở thành ông chủ cơ sở bảo trợ xã hội, cưu mang hàng chục mảnh đời bất hạnh.

Từ một người lang thang, anh Tạ Duy Sáu (36 tuổi, ngụ xóm 7, xã Thọ Thành, H.Yên Thành, Nghệ An) đã trở thành ông chủ cơ sở bảo trợ xã hội, cưu mang hàng chục mảnh đời bất hạnh.

Không chỉ cưu mang trẻ bất hạnh, cơ sở của anh Ngọc đã tạo việc làm cho nhiều người tàn tật tại địa phương
Không chỉ cưu mang trẻ bất hạnh, cơ sở của anh Ngọc đã tạo việc làm cho nhiều người tàn tật tại địa phương - Ảnh: Phan Ngọc
Chúng tôi tới thăm khi anh Sáu đang cho các cháu ăn. “Các cháu nhỏ đều có hoàn cảnh thương tâm, đa số bị dị tật. Chúng tôi cố gắng chăm sóc, dạy bảo thật tốt với mong muốn các cháu có được cuộc sống tốt hơn”- Anh Sáu chia sẻ.
Nhìn bát cháo đang cầm trên tay, giọng anh Sáu ngậm ngùi: “Cũng chính bát cháo này năm xưa đã cứu mạng sống tôi, rồi thôi thúc tôi tìm đến với những mảnh đời bất hạnh”. Anh kể, năm đó, hoàn cảnh nhà anh Sáu quá khó khăn, chị gái và anh trai lần lượt bị bệnh hiểm nghèo rồi mất. Anh Sáu phải bỏ học, tìm vào TP.HCM mưu sinh. Khi tới đây, không một xu dính túi, anh phải nhịn đói suốt 2 ngày liền, lại không có chỗ dừng chân mà phải lang thang khắp nơi, khiến anh gục ngã ngay trên đường. Tỉnh dậy, anh mới biết đã được hai bố con người mù hát rong cứu sống. Sau đó, anh phải làm đủ thứ nghề, từ bán báo, bán vé số, làm mướn để mưu sinh… Nhiều lúc không có việc, anh phải đi xin ăn nhưng cũng không xong vì bị đám bụi đời đánh cho thừa sống thiếu chết...
Bát cháo năm xưa đã giúp anh cảm nhận được tình người của những con người cùng cực và anh đã nung nấu một giấc mơ kiếm thật nhiều tiền để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Anh gặp và cưới chị Lê Thị Lương, người phụ nữ cũng có cuộc đời cơ cực, kiếm sống bằng nghề bán báo dạo. Chị Lương hiểu và ủng hộ chồng, quyết tâm xây dựng một trung tâm từ thiện.
Năm 2001, hai vợ chồng về quê, gom tất cả số tiền tích góp sau nhiều năm lăn lộn ở TP.HCM, vay mượn thêm anh em, bạn bè và thế chấp ngôi nhà của gia đình để xây dựng trung tâm dạy nghề cho trẻ khuyết tật. “Lúc đó nhiều người cho là hai vợ chồng tui bị điên, thân mình còn lo chưa xong còn thừa sức đi lo chuyện xã hội. Nhưng anh ấy nhà tôi vẫn rất quyết tâm và bỏ ngoài tai những lời nói ra nói vào”, chị Lương kể.
Ít năm sau, khi được UBND H.Yên Thành quyết định cho thành lập Cơ sở bảo trợ xã hội Hiền Lương, anh Sáu quyết định sửa sang lại nơi ăn chốn ngủ, mua sắm thêm các thiết bị cần thiết để có thể cưu mang được nhiều trẻ em bất hạnh. Mọi việc hoàn tất, “ông chủ” Tạ Duy Sáu đi khắp các ga tàu, bến xe, bệnh viện… xin nhận trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, đến các gia đình có trẻ tật nguyền nhưng không có khả năng nuôi dưỡng, xin đem về chăm sóc, nuôi dưỡng.
Đến nay, cơ sở xã hội Hiền Lương đã nhận cưu mang 50 trẻ bất hạnh. Trong đó, những em có khả năng đi học, anh Sáu đều tạo điện cho theo học tại các trường trên địa bàn. 20 em bị bại não, không có khả năng tiếp nhận kiến thức, anh nhờ người chăm sóc ngay tại cơ sở. Nhiều người cảm động trước tấm lòng của vợ chồng anh Sáu đã tình nguyện đến phụ giúp anh chăm sóc cho các cháu nhỏ, không lấy tiền công nhưng anh không đồng ý. “Họ cũng không khá giả gì, lại còn gia đình nữa nên mỗi tháng tôi vẫn cố gắng trả tiền công cho họ. Chí ít là để họ có thêm một chút tiền lo cho gia đình, như thế mới yên tâm giúp các em được”, anh Sáu nói.
Ngoài việc chăm sóc, anh Sáu còn dạy nghề cho các cháu, vừa tạo thu nhập, vừa giúp các cháu cảm nhận được sự hữu ích của mình trong cuộc đời. Dù cơ sở còn gặp nhiều khó khăn nhưng các cháu nhỏ đang hạnh phúc với mái ấm của đời mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.