Người buôn bán ở vỉa hè Sài Gòn trải lòng với chính quyền

13/05/2016 13:32 GMT+7

TPHCM, đặc biệt là khu vực trung tâm vừa lập lại trật tự lòng lề đường, trong đó có việc buôn bán trên vỉa hè khiến nhiều người dân còn lắm băn khoăn.

Lắm nỗi niềm...
Tại buổi nói chuyện về “Sinh kế vỉa hè bền vững” ngày 12.5 ở trường đại học Tôn Đức Thắng (dành cho những người kinh doanh trên vỉa hè) bà Phùng Thị Hợi - bán hàng ở vỉa hè đường Nguyễn Thị Minh Khai chia sẻ, cuộc sống của bà chỉ biết bám vào vỉa hè để tìm kế sinh nhai, dựa vào việc sửa xe, vá xe… để nuôi 2 con học đại học. Thời gian gần đây bà liên tục bị xử lý tịch thu hàng hoá, trong khi mỗi tháng bà phải trả tiền vay vốn ở bên ngoài với lãi cao.
Tuy nhiên bà không thể bỏ việc được vì không biết làm gì hơn. Chỉ cần bà dừng bán một ngày thì những đứa con không thể đến trường.
Tương tự, chị Salykho (người Chăm, ngụ H.Bình Chánh) tha phương đến thành phố kiếm sống nhưng phải đối mặt với trở ngại lớn nhất của cộng đồng Chăm là không biết chữ, không hiểu rõ về luật pháp, do đó không thể xin việc làm ở các cơ quan xí nghiệp ngoài lao động chân tay.
Trước đây, cộng đồng Chăm buôn bán ở chợ Phú Lạc (QL 50). Từ khi chợ mới được xây dựng lại, bị thụt vào bên trong nên nhiều tiểu thương buôn bán ế ẩm đều "chết dần", phải dạt ra bên ngoài buôn bán lấn chiếm. Mỗi lần bán đều bị đô thị bắt, họ bị mất vốn hoàn toàn, để có tiền tái lập họ phải mượn của “xã hội đen” với lãi cao. Cứ như thế người bán hàng rong bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc sống không thoát ra được.
Anh Lê Anh Đức (ngụ Q.6), bán trà sữa ở vỉa hè trăn trở, người kinh doanh trên vỉa hè đa phần là nghèo khó, chọn vỉa hè để buôn bán là biện pháp đơn giản nhất. Liệu tương lai kinh doanh trên đường phố có phải là một ngành để người khác đầu tu vào hay vẫn mãi chắp vá như vậy. Nếu trở thành một ngành thì việc giải quyết thoát nghèo sẽ khả thi.
... nhưng vẫn phải dứt điểm
Đồng tình với anh Lê Anh Đức, bà Huỳnh Thị Ngọc Tuyết, Viện khoa học Xã hội Nam bộ cho rằng có nhiều vấn đề về quy hoạch và quản lý đô thị ở nước ta, vỉa hè là không gian công cộng có thể kinh doanh và buôn bán trên đó vì đa phần người dân hoặc khách du lịch đều rất thích thức ăn đường phố.
Nếu chúng ta chịu khó lấy kinh nghiệm từ Thái Lan, tạo thành bản sắc buôn bán vỉa hè riêng thì đây là một ngành kinh doanh hấp dẫn. Mô hình của Q.1 đang triển khai rất khả quan nhưng cần hoàn thiện hơn nữa. 
Về phía UBND Q.1, ông Phạm Văn Hoàng (Chuyên viên Phòng kinh tế) cho biết, thống kê tại Q.1 hiện có khoảng 500 hộ buôn bán vỉa hè, là những người có hộ khẩu tại đây. Trước mắt mô hình này sẽ giải quyết thí điểm cho những hộ đó, còn những người đẩy xe đến hoặc ở nơi khác thì chưa.
Hiện tại người bán hàng rong cần sự hỗ trợ nhiều Người bán hàng rong cần được hỗ trợ bài bản
Việc tổ chức sắp xếp cho những người lấn chiếm vỉa hè vào khu vực thí điểm là để đảm bảo an sinh xã hội, chăm sóc tốt cho những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận. Kiểm soát và kéo giản tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, xây dựng hình ảnh văn minh cho thành phố.
Để thực hiện tốt chương trình này, các hộ phải đáp ứng được tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh ANTTP, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm bán, niêm yết giá cả, đảm bảo an ninh trật tự, quy trình thời gian để tránh ảnh hưởng đến khu vực xung quanh.
Thời gian dự kiến sẽ là buổi sáng từ 6 - 8 giờ, buổi trưa từ 11 - 13 giờ mỗi ngày. Sau thời gian thí điểm một tháng sẽ tiến hành điều chỉnh thêm. Tuy nhiên tất cả vẫn đang là kế hoạch, phải chờ ý kiến từ UBND TP.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.