Lòng tốt của ông Sáu Thượng đã thật sự đánh thức lương tri những con người từng xem thường lẽ phải và đánh mất đi niềm tin yêu cuộc sống.
Mở quán cơm chay miễn phí…
Đúng là không quá khó để gặp được người đàn ông mà nhiều tay anh chị trong giới giang hồ rất nể trọng, thường gọi bằng bố này. Khi tôi đến đường Hoàng Sa gần khu vực cầu Lê Văn Sỹ, rẽ vào con hẻm nhỏ của xóm chùa Miên, khu phố 3, P.7, Q.3 (TP.HCM) hỏi ông Sáu Thượng thì dường như ai cũng biết, ngay cả những người chạy xe ôm, bán vé số dạo, trẻ đánh giày… ở các khu vực lân cận cũng đều nắm rất rõ địa chỉ nhà ông, xem ông như vị ân nhân đặc biệt.
|
Không giàu có sung túc gì nhưng tâm niệm ông thì luôn hướng đến người nghèo. Ông cho tiền người khác dễ như trở bàn tay còn riêng bản thân ông thì luôn chi tiêu dè xẻn, chừng mực. Ông bảo sức ông ăn một ngày được 3 trái chuối “nhưng nín nhịn 2 trái để dành cho những người khác có sức ăn mà lại không có của”. Từ lối nghĩ suy đó, ông Sáu Thượng chủ trương mở quán cơm chay Thiện Tâm nằm sát bên chùa Miên nhằm phục vụ miễn phí bà con nghèo ở khu vực cầu Lê Văn Sỹ vào trưa thứ ba, năm, bảy hằng tuần suốt 5 năm nay.
|
Những ngày đầu mới mở quán, thực khách chỉ vài ba chục người. Tiếng lành sớm vang xa, lượng khách ngày càng đông đúc. Hiện bình quân mỗi bữa quán phục vụ từ 400 - 500 suất cơm chay miễn phí.
Lòng tốt của ông Sáu Thượng được nhiều người cảm phục. Một doanh nhân nghe tiếng đã đến tặng cho ông số tiền 5 tỉ đồng để duy trì quán cơm chay miễn phí và cưu mang người nghèo. “Người nghèo đến mức nào thì cũng phải biết tự lo làm lụng kiếm sống, không thể cứ mãi ỉ lại vào lòng tốt người khác được. Mình giúp là để cho họ bớt cơ cực và cảm nhận được tình cảm sẻ chia và sự quan tâm của cộng đồng để rồi tự nỗ lực mà vươn lên”, ông Sáu Thượng nói lý do vì sao khi có thêm số tiền lớn như thế nhưng quán không tăng tần suất ăn miễn phí liên tục 7 ngày trong tuần mà vẫn duy trì lịch phục vụ như lâu nay.
Đến cảm hóa đại ca giang hồ
Hiếm có người nào làm việc thiện theo cách đặc biệt như ông Sáu Thượng. Ông không chỉ hướng đến những người bình thường hằng ngày cật lực mưu sinh nhưng vẫn không thoát được nghèo mà lòng tốt của ông còn thể hiện với những đại ca giang hồ từng một thời tung hoành ngang dọc.
Trong số những tình nguyện phục vụ ở quán cơm chay Thiện Tâm có V. Ngày người thanh niên có biệt danh “V. chùa Miên” này bỗng dưng xuất hiện ở quán kê dọn bàn ghế, bưng cơm, xếp xe cộ… thì ai biết cũng đều rất ngạc nhiên. Nhớ lại một thời nông nổi, V. tự nhận là “không ghê gớm lắm nhưng thuộc thành phần quậy”. Vì có “số má” và uy tín trong giới giang hồ, V. từng đứng ra giảng hòa nhiều vụ ân oán có thể mất mạng như chơi. “Con chim bay mãi cũng mỏi cánh”, một hôm V. quyết dừng bước giang hồ. Trong 2 ngày hoàn lương thì ngày đầu V. bị chém, ngày hôm sau tiếp tục bị đâm xuyên đùi vì “tội bất ngờ tự động gác kiếm”. Không bà con thân thuộc gì nhưng chính ông Sáu Thượng đã ra tay cưu mang, tận tình lo giúp đỡ điều trị. V. bảo rằng lúc đó mà không có bác Sáu thương giúp thì chắc cũng tiêu đời rồi. V. giờ đã có bạn gái. Khi được dẫn về nhà giới thiệu thì bố mẹ bạn gái bỏ qua mọi chuyện trước đây và “đồng ý cho hai đứa đến với nhau”.
Ở quán cơm chay Thiện Tâm, tôi còn được nghe kể nhiều về chuyện “đại ca của lòng tốt” mà ông Sáu Thượng thể hiện với những tay giang hồ. Khi có “thành phần bất hảo” đến quán ăn cơm, ông Sáu Thượng không bao giờ tỏ vẻ ái ngại mà chủ động hỏi thăm hoàn cảnh để có cách giúp đỡ. Ông lấy những tấm gương vượt khó thường đến quán ăn cơm chay, như chú Dũng (53 tuổi) bị cụt 1 tay, 1 chân vẫn cố đi xe lắc bán vé số, tối nào cũng ngủ tạm vỉa hè vì không nơi nương tựa; hay như cháu Thủy Chung dù bị yếu tứ chi, đi lại rất khó khăn vẫn ngày ngày miệt mài đi bán dạo card điện thoại để nuôi cha mắc bệnh tâm thần hoang tưởng… để chia sẻ cho các đại ca giang hồ.
Ông vẫn luôn nhớ những cái tên: Sang, Thức, Thành, Tin… vốn là những tay giang hồ có máu “chơi hàng nóng” mà ông từng mua cho xe máy để làm phương tiện mưu sinh lúc hoàn lương. Cứ mỗi lần cho xe, ông Sáu Thượng còn cho thêm mỗi người vài triệu đồng gọi là tiền làm vốn và không quên “dằn mặt”: “Nếu mà bán đi xe máy thì mang đến tôi mua lại giá gấp đôi để cho người khác. Tôi chỉ gặp lại anh khi anh thành công, nếu còn ngựa quen đường cũ thì đừng có bén mảng gì nữa. Có đến thì cũng không được phép bước vào nhà”.
Tấm lòng của ông Sáu Thượng đã đánh thức nhiều tay anh chị. Ông bảo: “Tụi nó giờ biết sống hơn, chí thú làm ăn, đứa thì làm nghề cắt tóc, đứa thì chạy xe ôm. Cuộc sống có đứa vẫn còn vất vả nhưng điều quan trọng nhất là hòa nhập sống lương thiện với mọi người. Thỉnh thoảng nghe tụi nó gọi điện hỏi thăm tui thấy cũng an lòng”.
Ông Sáu Thượng năm nay đã 73 tuổi, sức khỏe không được tốt lắm vì mắc bệnh cao huyết áp. Nhiều người bất hạnh mong ông sống đại thọ để có cơm chay ăn miễn phí, đỡ đần phần nào cho cuộc sống mưu sinh còn lắm nhọc nhằn. Tôi cũng mong ước nguyện đó của họ sẽ thành hiện thực.
Đình Phú
Bình luận (0)