Người cận vệ cuối cùng của Bác Hồ và trăn trở trước lúc ra đi

14/06/2022 11:11 GMT+7

Cụ Tạ Quang Chiến là người cận vệ cuối cùng của Bác đã ra đi trong niềm tiếc thương vô hạn của thế hệ trẻ, bởi sinh thời cụ đã có những năm tháng gắn bó với lực lượng thanh niên xung phong và công tác Đoàn.

Người cận vệ cuối cùng của Bác

Cụ Tạ Quang Chiến là 1 trong 8 cận vệ của Bác Hồ được đặt tên là Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi, đã qua đời ngày 11.6, hưởng thọ 98 tuổi.

Đây là người cận vệ cuối cùng của Bác đã ra đi trong niềm tiếc thương của con cháu, cán bộ Đoàn các thời kỳ và thế hệ trẻ hôm nay. Đặc biệt cụ đã để lại sự ngưỡng mộ sâu sắc của những người thanh niên xung phong (TNXP), bởi sinh thời cụ luôn trăn trở về những hy sinh mất mát của lực lượng này.

Ông Vũ Trọng Kim (trái) trong một lần đến thăm cụ Tạ Quang Chiến tại nhà riêng

nvcc

Trong cuốn sách TNXP Việt Nam anh hùng của Hội Cựu TNXP Việt Nam, có ghi lại nhiều thông tin về cụ Tạ Quang Chiến và những năm tháng lịch sử cụ gắn bó với lực lượng TNXP.

Cụ tên thật là Nguyễn Hữu Văn, sinh năm 1925 tại Thanh Hóa, thường trú tại phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Cụ tham gia hoạt động cách mang trước Cách mạng tháng Tám 1945, được tuyển vào đội tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu, đơn vị vũ trang đặc biệt trực thuộc Thành uỷ Hà Nội.

Tháng 10.1945, T.Ư Đảng quyết định tăng cường lực lượng bảo vệ Bác. Qua ông Trần Quang Huy, Bí thư Thành uỷ Hà Nội giới thiệu, ông Nguyễn Lương Bằng đã chọn Nguyễn Hữu Văn vào tổ giúp việc và bảo vệ Bác Hồ.

Trong suốt chặng đường trường kỳ kháng chiến, cụ cùng 7 người khác, gồm: Võ Chương, Vũ Long Chuẩn, Nguyễn Văn Lý, Văn Lâm, Ngọc Hà, Nguyễn Quang Chí, Trần Đình làm nhiệm vụ bảo vệ Bác.

Nói là cận vệ Bác nhưng thực tế cả 8 người đều làm tất cả các công việc Bác giao như cảnh vệ, công tác văn phòng, thư ký liên lạc và hậu cần với tinh thần một người thạo nhiều việc. 8 người sau đó vinh dự được Bác đặt tên là Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi...

Cụ Tạ Quang Chiến (phải) khi còn sống vẫn rất minh mẫn kể lại những năm tháng tham gia lực lượng TNXP với ông Vũ Trọng Kim

nvcc

Đầu năm 1954, Đoàn TNXP T.Ư (Đoàn XP) được thành lập, cụ Tạ Quang Chiến làm Đội trưởng Đội 36, làm nhiệm vụ phục vụ An toàn khu, nơi T.Ư Đảng, Chính phủ làm việc. Từ tháng 11.1966 đến tháng 5.1967, cụ giữ chức vụ Bí thư T.Ư Đoàn và là Trưởng Ban chỉ đạo TNXP TƯ.

Đội trưởng TNXP

Kể về bối cảnh ra đời của lực lượng TNXP có ghi lại dấu ấn của cụ Chiến, ông Vũ Trọng Kim, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam, cho biết sau thất bại liên tiếp ở Biên giới năm 1950, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào năm 1951, 1952, 1953, thực dân Pháp đề ra “Kế hoạch Na Va” hòng ngăn chặn bước tiến của ta. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đang ở giai đoạn “cầm cự” chuyển sang “tổng phản công”.

Ngày 25.3.1953, Bác Hồ trực tiếp giao nhiệm vụ cho ông Vũ Kỳ, thư ký của Bác và ông Tạ Quang Chiến, cán bộ bảo vệ của Bác chuẩn bị xây dựng Đoàn TNXP T.Ư theo mô hình mới, được tổ chức chặt chẽ hơn, dài ngày hơn, là nơi rèn luyện đào tạo cán bộ, là trường học thực tiễn cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên.

Ngày 26.3.1953, Đại đội 261, đơn vị đầu tiên của Đội TNXP kiểu mẫu được thành lập, do ông Vũ Kỳ làm Chỉ huy trưởng. Nhiệm vụ ban đầu của Đội là bảo đảm giao thông, xây dựng kho tàng ở Lạng Sơn, Bắc Cạn, Tuyên Quang và phục vụ tại An toàn khu (ATK).

Như vậy trong năm 1953, cùng làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông có 3 lực lượng là Đoàn TNXP công tác T.Ư do T.Ư Đoàn thành lập, Đội TNXP kiểu mẫu và Đội chủ lực giao thông của ngành giao thông công chính.

Trước tình hình đó, Bác Hồ chỉ thị phải thống nhất lại. Đến tháng 1.1954, hai Đội TNXP công tác T.Ư và Đội TNXP kiểu mẫu sáp nhập lại có tên mới là Đoàn TNXP T.Ư với mật danh là “Đoàn XP”, do ông Vũ Kỳ làm Đoàn trưởng; ông Vũ Song, Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông được điều về làm Đoàn phó.

“Đoàn XP” có các đội là: Đội 34, 40 đóng tại địa bàn Sơn La, Lai Châu; Đội 36 do ông Tạ Quang Chiến làm Đội trưởng vụ phục vụ An toàn khu (ATK), nơi T.Ư Đảng, Chính phủ làm việc... Nhiệm vụ của Đoàn XP là “Xung phong trong mọi công việc, phục vụ cho đến kháng chiến thành công”.

Trăn trở về sự hy sinh của đồng đội

Do có những năm tháng gắn bó với lực lượng TNXP nên lúc còn sống cụ luôn trăn trở với những hy sinh mất mát của lực lượng này. Ông Vũ Trọng Kim là người đã thường xuyên đến thăm hỏi cụ vào những dịp kỷ niệm ngày truyền thống lực lượng TNXP hay dịp lễ, tết.

Ông Vũ Trong Kim (bìa phải) và con trai cụ Tạ Quang Chiến (bìa trái)

nvcc

Chia sẻ về những lần đến thăm cụ, ông Kim cho biết: “Mặc dù tuổi cao nhưng cụ vẫn rất minh mẫn và nhớ từng chi tiết lúc còn là TNXP. Chỉ có tai cụ hơi nặng, nên mỗi lần cần hỏi gì chúng tôi thường ghi ra giấy đưa cho cụ đọc, rồi cụ kể lại bằng lời. Trong những lần trò chuyện đó, cụ luôn trăn trở về những chế độ chính sách cho những người tham gia lực lượng TNXP, vì có nhiều người còn chưa được công nhận là liệt sĩ”, ông Kim xúc động chia sẻ.

Ông Kim cho biết cụ trăm trở nhất là 43 chiến sĩ TNXP đã hy sinh khi làm đường trên mặt trận Điện Biên Phủ, nhưng chưa được công nhận là liệt sĩ. “Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đoàn TNXP T.Ư được huy động 18.200 TNXP, biên chế thành 40 đại đội tham gia chiến dịch lịch sử này. Đội TNXP 34, 40 sau khi kết thúc nhiệm vụ phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ và hoàn thành khai thông con đường Mộc Châu đi Pa Háng đã được giao nhiệm vụ tham gia xây dựng tuyến đường chiến lược này. Để hoàn thành tuyến đường trên 100 cán bộ, đội viên TNXP đã hy sinh do sập hầm, ta luy sạt lở, lật bè mảng qua thác ghềnh, có đơn vị mất cả tiểu đội" ông Kim chia sẻ.

Tuy nhiên, theo ông Kim, hiện còn 43 cán bộ đội viên TNXP của Đội 34, 40 chưa được công nhận là liệt sĩ, nên cụ Chiến rất đau đáu với câu chuyện này.

Ông Kim cũng cho biết, cụ Chiến cũng rất quan tâm hỏi han về khu tưởng niệm liệt sĩ TNXP ngã ba Cò Nòi (H.Mai Sơn, tỉnh Sơn La), nơi là cửa tử, túi bom, khi diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong khi làm nhiệm vụ, hàng trăm TNXP đã hy sinh tại “Ngã ba bất tử” này.

“Các đây hơn 2 tháng cụ vẫn rất tỉnh táo hỏi han về tình hình xây dựng nâng cấp khu tưởng niệm này. Nhưng sau đó cụ chuyển biến nặng rồi hôn mê. Các đây hơn 1 tuần tôi có ghé thăm thì cụ đã yếu lắm rồi. Nhận được tin cụ ra đi chúng tôi vô cùng thương tiếc và luôn khắc ghi những gì cụ còn trăn trở để thực hiện cho xứng đáng với những gì thế hệ trước đã phấn đấu hy sinh cho Tổ quốc”, ông Kim xúc động nói.

Cụ Tạ Quang Chiến có 12 năm làm cận vệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ năm 1960, cụ làm Vụ trưởng vụ Nghiên cứu Lịch sử Đảng, Bí thư T.Ư Đoàn thanh niên… Từ năm 1981 đến năm 1992, cụ làm Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao. Cụ cũng là Đại biểu Quốc hội khóa VII (1981 - 1987). Cụ được tặng huân chương Độc lập hạng nhất; huân chương chống Mỹ hạng nhất; huy hiệu 75 tuổi Đảng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.