Tưởng ra trạm y tế thì không khám gì!
Ghi nhận thực tế, tại bàn khám sàng lọc, bác sĩ của trạm y tế vừa hỏi bệnh theo bảng câu hỏi có sẵn, vừa đánh dấu vào ô "có" hoặc "không".
Phóng viên hỏi bác sĩ vì sao không để người cao tuổi tự đọc và đánh vào? Bác sĩ này cho biết có nhiều người không thấy chữ, hoặc không biết đánh như thế nào nên làm thay luôn, thậm chí kêu ký tên nhưng các cụ cũng khó ký được. Sau 10 phút hỏi bệnh, bác sĩ hướng dẫn người bệnh đi vào phòng lấy máu và siêu âm.
Tới lượt bà Phạm Thị Nhàn (73 tuổi, ngụ Q.11), bác sĩ hỏi bà có tập thể dục không? Bà trả lời: "Sáng có ra hít thở 1 xíu thôi". Bác sĩ hỏi tiếp bà có ăn rau, ăn canh nhiều không? Bà bảo chỉ ăn rau, không ăn canh, nhưng uống nước nhiều. Bà cũng cho biết, mình cao 1,55 m và nặng 42 - 43 kg. Bác sĩ nói nhìn cụ chắc phải nặng hơn, bà nói lâu rồi không có cân. Tuy nhiên, khi lên bàn cân, bà Nhàn nặng đến 50 kg. Bà Nhàn còn nói với bác sĩ, nhiều lúc giữa đêm đang ngủ giật mình dậy chóng mặt, thấy nhà quay quay như muốn đè mình, rồi có lúc bà nôn ói, phải nhờ bác sĩ quen đến nhà thăm khám, việc này đã xảy ra 4 - 5 lần. Lần này, lúc đo huyết áp, bác sĩ thông báo huyết áp bà quá cao (160/90 mmHg).
Chia sẻ với phóng viên Thanh Niên, bà Nhàn kể bản thân bị thấp khớp, huyết áp cao, đau bao tử và đã mười mấy năm rồi không đi khám tổng quát lại vì lo tốn tiền, chỉ uống thuốc huyết áp từ năm 2003. Cách đây 5 tháng, bà bị tai nạn gãy chân bó bột nên không đi bán vé số được nữa.
"Tôi định không đi khám sức khỏe vì có nhiều thông tin đồn rằng lên trạm y tế chỉ hỏi bệnh chứ không khám gì, ngồi chật chội, đi lại tốn công vô ích, ở nhà thoải mái hơn. Nhưng hôm nay, tôi đi vì tổ dân phố đã gọi lần thứ 2 rồi, nếu không đi thì được gọi lần 3 - 4 nữa. Nhưng không ngờ, tôi lên trạm y tế lại được khám kỹ, xét nghiệm, siêu âm, rất hữu ích. Hôm nay, tôi về sẽ kể lại cho bà con lối xóm biết, vì có nhiều người cũng nghĩ như tôi không muốn đi do không có thông tin rõ ràng", bà Nhàn chia sẻ.
Vợ chồng ông Hiếu, bà Thảo (cùng 63 tuổi) cũng được P.14, Q.11 gửi giấy mời đi khám sức khỏe. Bà Thảo nói mình bị hen suyễn, đã khám thường xuyên ở bệnh viện quận, còn ông Hiếu thì khỏe. Vợ chồng bà vẫn đi tầm soát sức khỏe thường xuyên nhưng lần này vẫn lên trạm y tế để bổ sung hồ sơ sức khỏe.
Còn bà Phương (70 tuổi, ngụ P.14, Q.11) trình bày với bác sĩ về việc bà bị huyết áp, tiểu đường, khớp, giãn tĩnh mạch nhưng thích ăn mặn và ngọt. Siêu âm lần này kết quả cho thấy bà còn bị gan nhiễm mỡ độ 1, bị sỏi túi mật. Bà chia sẻ với bác sĩ dạo này đi lại khó khăn, một xíu đã mệt. Ngoài việc khuyên bà Phương uống thuốc huyết áp, tiểu đường đúng, đầy đủ, bác sĩ còn căn dặn bà cần uống nước nhiều, bớt ăn dầu mỡ và hạn chế ăn mặn, bớt ăn ngọt…
Sau thí điểm, tiến tới triển khai quanh năm
Tính đến ngày 25.8 đã có khoảng 300 người cao tuổi ngụ P.14, Q.11 đến trạm y tế khám sức khỏe (tổng số người cao tuổi tại P.14, Q.11 là 1.970 người).
Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Mai, Phó phụ trách Trạm y tế P.14, trạm y tế khám và siêu âm theo khung giờ đã mời nên không có tình trạng ùn ứ. Qua khám sức khỏe cho thấy đái tháo đường và bệnh tim mạch là 2 bệnh mà người cao tuổi mắc nhiều nhất. Có nhiều cụ đã siêu âm, xét nghiệm ở bệnh viện rồi nhưng vẫn đến trạm y tế để nhập hồ sơ sức khỏe.
Còn theo đại diện Trạm y tế P.2 (Q.Tân Bình), trạm y tế đã gửi thư mời 500 người cao tuổi đến khám sức khỏe, nhưng chỉ có 220 người đến. Số người không đến khám được lý giải do đã khám ở bệnh viện trước đó rồi và mới lãnh thuốc. Số người cao tuổi đến trạm y tế khám lần này đa số do đã lâu chưa đi khám, chưa kiểm tra sức khỏe. Cũng theo vị này, có 2 bệnh chính được phát hiện nhiều là tăng huyết áp và đái tháo đường với tỷ lệ chiếm đến 50%, nhưng họ đã đến khám và uống thuốc tại một số bệnh viện. Số người trước đó chưa biết bệnh chỉ đếm trên đầu ngón tay.
"Người cao tuổi đến khám tại trạm y tế được hỏi nhiều hơn khi đi bệnh viện. Họ được tư vấn và dặn dò nhiều hơn, nên yên tâm", vị này nói và cho biết thêm trong đợt thí điểm khám sức khỏe này, người cao tuổi đến khám bao nhiêu thì báo cáo bấy nhiêu. Dự kiến, năm 2024 sẽ xây dựng kế hoạch triển khai quanh năm. Theo đó, trạm y tế khám cuốn chiếu hết khu phố này đến khu phố khác và đưa vào hồ sơ sức khỏe để quản lý.
Đã khám được 9.573 người cao tuổi
Trong kế hoạch triển khai thí điểm khám sức khỏe phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi trên địa bàn TP.HCM, có 49 phường, xã, thị trấn thuộc 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức triển khai trong tháng 8.2023. Tính đến ngày 29.8, các địa phương đã khám được 9.573 người cao tuổi và nhập 3.589 kết quả lên phần mềm trực tuyến (chiếm tỷ lệ 37,5%). Sở Y tế TP.HCM cho biết, một số quận, huyện nhập liệu lên phần mềm trực tuyến đạt 100% như Q.7, Q.8, Q.12, Q.Bình Tân, Q.Tân Bình, Q.Tân Phú, H.Hóc Môn, H.Nhà Bè, H.Bình Chánh. Bên cạnh đó, một số quận, huyện có tỷ lệ dưới 50% như Q.1, Q.5, Q.6, Q.Bình Thạnh, Q.Gò Vấp và H.Củ Chi.
Sở Y tế TP.HCM yêu cầu giám đốc trung tâm y tế quận, huyện, TP.Thủ Đức chỉ đạo các bộ phận liên quan nhập kết quả khám sức khỏe người cao tuổi lên phần mềm trực tuyến ngay sau khi có kết quả và khẩn trương nhập bổ sung kết quả của những trường hợp còn thiếu lên phần mềm, gửi báo cáo kết quả khám sức khỏe thí điểm người cao tuổi về Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) trước ngày 10.9. Việc này nhằm có cơ sở dữ liệu về tình trạng sức khỏe người cao tuổi để xây dựng các giải pháp can thiệp phù hợp.
Sau khi hoàn tất đợt khám sức khỏe cho người cao tuổi tại 49 phường, xã, thị trấn, Sở Y tế TP.HCM cùng các trung tâm y tế tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm nhằm xây dựng kế hoạch hoạt động và dự toán kinh phí cho việc khám sức khỏe toàn bộ người cao tuổi (không phân biệt thường trú hay tạm trú) vào năm 2024 một cách hiệu quả, phù hợp.
Tích hợp kết quả vào hồ sơ sức khỏe điện tử
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết kết quả khám sức khỏe này sẽ được trích xuất và nhập vào hồ sơ sức khỏe điện tử sau này. Sở Y tế cùng với HCDC và các trung tâm y tế, trạm y tế đã thực hiện khám sức khỏe sẽ họp rút kinh nghiệm về khâu tổ chức trong tháng 9.2023. Từ đó hoàn chỉnh kế hoạch cho năm 2024, trong đó mỗi người cao tuổi trên địa bàn TP.HCM đều được khám sức khỏe định kỳ 1 lần/năm.
"Kết quả khám sức khỏe được tích hợp và cập nhật vào hồ sơ sức khỏe điện tử, giúp người dân tự quản lý thông tin sức khỏe cá nhân. Qua đó cũng cung cấp đầy đủ thông tin cho các cơ sở khám chữa bệnh khi người dân đến khám. Cũng từ dữ liệu này, TP.HCM xác định được mô hình sức khỏe và bệnh tật ở TP.HCM để chủ động can thiệp sớm giúp tăng hiệu quả, giảm chi phí điều trị, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân", TS-BS Vĩnh Châu thông tin.
Bình luận (0)