Người cao tuổi tại TP.HCM mắc nhiều nhất là bệnh tăng huyết áp, tiểu đường

12/09/2023 18:42 GMT+7

Người cao tuổi đang sinh sống tại TP.HCM mắc nhiều nhất là bệnh tăng huyết áp, kế đến là tiểu đường, hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư...

Chiều 12.9, Sở Y tế TP.HCM thông tin về kết quả thí điểm khám sức khỏe cho người cao tuổi trên địa bàn TP.HCM.

Theo đó, tính đến thời điểm hiện nay, đã có 13.773 người trong tổng số 20.079 người cao tuổi thuộc 49 phường, xã đã được khám sức khỏe và tầm soát bệnh thí điểm. Trong đó, có 61,41% người có độ tuổi từ 60 - 69 tuổi; từ 70 - 79 tuổi chiếm 29,46%; từ 80 tuổi trở lên chiếm 9,13%; nam chiếm 37,3% và nữ chiếm 62,7%.

Đã nhận diện được các loại bệnh trên người cao tuổi tại TP.HCM - Ảnh 1.

Khám sức khỏe cho người cao tuổi tại TP.HCM

DUY TÍNH

Về kết quả khám sức khỏe, có 7.199 người cao tuổi bị cao huyết áp, chiếm tỷ lệ 52,27%. Trong đó, số người có tiền sử cao huyết áp là 6.174 người (44,83%) và mới được phát hiện qua quá trình khám sức khỏe là 1.025 người (7,44%).

Có 2.070 người cao tuổi có tiền sử tiểu đường, chiếm tỷ lệ 15,03%. Số người có chỉ số đường huyết cao mới được phát hiện qua quá trình khám sức khỏe là 2.060 người (14,96%), những người này sẽ tiếp tục được xét nghiệm máu lần 2 lúc đói để chẩn đoán xác định bệnh tiểu đường.

Có 367 người cao tuổi bị hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (tỷ lệ 2,66%). Có 170 người cao tuổi có tiền sử ghi nhận mắc bệnh ung thư (1,23%). Qua khám sàng lọc phát hiện 360 người (2,61%) có dấu hiệu nghi ngờ ung thư và được giới thiệu bệnh viện tuyến trên để chẩn đoán xác định.

Đã nhận diện được các loại bệnh trên người cao tuổi tại TP.HCM - Ảnh 2.

Lấy máu xét nghiệm cho người cao tuổi tại TP.HCM

DUY TÍNH

Ngoài ra, qua khám sức khỏe còn phát hiện có 420 người cao tuổi (3,05%) có dấu hiệu trầm cảm từ nhẹ đến nặng. Có 295 người (2,14%) có dấu hiệu lo âu từ nhẹ đến nặng. Về các dấu hiệu suy yếu thể lực, ghi nhận có 2.277 người có dấu hiệu tiền suy yếu (16,53%); 69 người (0,50%) có dấu hiệu suy yếu; 2.727 người (19,80%) có nguy cơ té ngã.

Bên cạnh đó, ghi nhận 231 người cao tuổi (1,68%) phụ thuộc vào các hoạt động sống cơ bản hằng ngày (tắm, mặc quần áo, ăn uống, vệ sinh, tiêu tiểu, di chuyển); 874 người (6,35%) phụ thuộc vào các hoạt động sinh hoạt hằng ngày (khả năng sử dụng điện thoại, mua sắm, chuẩn bị thức ăn, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ...).

Theo lãnh đạo ngành y tế, nhận diện được sức khỏe của người cao tuổi đang sinh sống trên địa bàn TP.HCM mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe của ngành y tế TP.HCM. Muốn vậy, công tác khám sức khỏe, tầm soát bệnh không lây cho người cao tuổi phải được triển khai theo cách làm thống nhất trong toàn ngành, từ nội dung, phương thức triển khai cho đến công tác chuyển đổi số toàn bộ quy trình khám sức khỏe.

Để hiện thực hóa mong muốn trên, Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cùng các chuyên gia trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người cao tuổi xây dựng kế hoạch và thống nhất các nội dung khám sức khỏe và tầm soát các bệnh mạn tính không lây cho nhóm đối tượng ưu tiên này. Hướng tới mục tiêu là tất cả người cao tuổi đều được khám sức khỏe 1 lần/năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.