Suốt một tháng, ông Thiều Sĩ Nghĩa (50 tuổi) điều khiển mô tô 155cc cùng cậu con trai Sĩ Dương (17 tuổi) đi phượt xuyên Việt từ Bình Dương ra các tỉnh miền Trung, miền Bắc rồi vòng ngược lại với hơn 6.000 km đã đi qua.
Vì con…
Mua chiếc mô tô nặng gần 150 kg hồi đầu năm, ông Nghĩa dành cả tháng để tập làm quen với con "chiến mã", ấp ủ kế hoạch chở con trai đi xuyên Việt từ đó.
"Sang năm con tập trung thi đại học, không có nhiều thời gian để đi. Hơn nữa, thấy con trầm tính, ngại giao tiếp, tôi muốn cho con đi một chuyến để trải nghiệm, mở mang tầm mắt", người thầy dạy cấp 2 cho biết.
Sĩ Dương vừa học xong lớp 11 ở trường THPT chuyên Quang Trung, tỉnh Bình Phước. Đi học xa, cứ 2 tuần em mới về nhà một lần. Vì thế, hai ba con ít khi trò chuyện và dành thời gian cho nhau. Vì thế, khi nghe ba nói sẽ chở mình đi xuyên Việt, cậu bé đồng ý ngay.
Chuyến đi bắt đầu từ ngày 4.6, ngay sau khi Dương vừa bước vào kỳ nghỉ hè. Trước đó, ông Nghĩa đã chuẩn bị hành trang, từ những vật dung sinh hoạt cá nhân cho đến bộ đồ nghề sửa xe…
"Lần đầu đi xuyên Việt, tôi phải lên các hội nhóm để tham khảo các tuyến đường, địa điểm nghỉ chân, tham quan du lịch…", ông nói.
4 giờ ngày 4.6, hai cha con thức dậy, lên đường lúc trời còn chưa sáng.
Là dân thể thao, đạp xe hàng chục km mỗi ngày nhưng ngày đầu phóng mô tô chặng đường hơn 500km từ Bình Dương ra Nha Trang, ông Nghĩa không tránh khỏi cảm giác đau lưng, ê mông.
"Sở dĩ phải đi 1 chặng dài như thế đó là những ngày đầu còn khỏe. Tôi có kế hoạch dừng chân tại quê hương Thanh Hóa để thăm bà con và dưỡng sức cho hành trình chinh phục Tây Bắc với những cung đường hiểm trở, khó khăn hơn", ông Nghĩa nói.
2 ba con đã gặp mưa ngay hôm đầu tiên nhưng Sĩ Dương vẫn thấy rất vui vì lần đầu tiên được thấy tận mắt những cánh quạt điện gió khi nghỉ chân ở Tuy Phong, Bình Thuận.
Mỗi ngày, họ xuất phát từ sáng sớm, chạy một mạch đến gần trưa thì nghỉ ăn cơm. Buổi chiều, ông Nghĩa thường tìm một quán cà phê võng ven đường để chợp mắt. Cố gắng tính toán đường đi để đến điểm mục điêu đặt ra kịp trời tối để có thời gian khám phá thành phố về đêm.
Đúng như suy nghĩ của ông Nghĩa, những khúc cua tay áo nguy hiểm hay những đoạn đường 1 bên là vực sâu, bên còn lại là núi đá lởm chởm ở Tây Bắc nhiều lần khiến 2 ba con hồi hộp.
"Ba nhấp lên số 1, văn đều ga, cố gắng tập trung, chạy xe một cách cẩn trọng", Sĩ Dương kể lại.
Tuy nhiên, khi vượt qua những khó khăn, hai bố con cũng được thiên nhiên nơi đây "đền đáp" bằng những khung cảnh hùng vĩ, đẹp mắt. "Những cảnh đẹp của đất nước thật sự nằm ngoài sự tưởng tượng của em", Sĩ Dương khoe.
Anh Ngô Song Tử, một thành viên trong nhóm phượt đã theo dõi hành trình của 2 ba con ông Nghĩa chia sẻ: "Khi một đứa trẻ được đi, tâm hồn của nó như cái cây được tưới nước. Trở về, chắc em ấy sẽ có nhiều động lực học tập lắm. Em ấy cũng sẽ thấy mọi thứ rất thân rất gần, thứ mà mình gọi là tình yêu quê hương được bén rễ trong tâm hồn".
"Sau này ba già, con sẽ chở ba đi!"
Đi từ Nam ra Bắc, ăn không biết bao nhiêu món lạ nhưng cậu bé ấn tượng nhất là món cơm lam ở đèo Đá Trắng, Hòa Bình và bún chả ở Thủ Đô.
Hễ đến một điểm nào đó mình đã từng đi qua thời trẻ, những ký ức lại ùa về trong ông Nghĩa. Người đàn ông kể cho con trai nghe về chuyến đi năm xưa của mình. Suốt một tháng bên nhau, ông và cậu con trai trở nên gắn bó, chia sẻ được với nhau nhiều điều hơn trước đây.
Dương cảm nhận, ba là người có nhiều sự hiểu biết, trước một điều gì đó ba luôn có kiến thức để chia sẻ. Đây là điều khiến cậu bé bất ngờ nhất.
Tham quan những di tích lịch sử ở Điện Biên hay đi qua con đường hạnh phúc ghi công lao mở đường ở Hà Giang, ông Nghĩa nói với con trai về ý nghĩa của hòa bình.
Hay, địa hình dốc đá hiểm trở, thời tiết lạnh mùa đông gây khó khăn, đặc biệt là trẻ em đi học... ông Nghĩa chia sẻ để con biết mình may mắn hơn nhiều người, từ đó cố gắng phấn đấu cho tương lai.
Là giáo viên dạy môn lịch sử, ông Nghĩa tương đối nắm các địa điểm, địa danh này, tuy nhiên cũng chỉ qua sách vở, tài liệu. Việc tận mắt chứng kiến những điều đó lại càng khiến người cha thêm nhiều xúc động.
Hành trình không khiến hai ba con mất sức hay mệt mỏi, đổi lại, Sĩ Dương tăng cân. Chia sẻ hành trình của mình trên trang cá nhân, ông Nghĩa đùa vui rằng sau chuyến này, 2 bố con đều thành công trở thành "một người thợ ngồi" vì đã cùng nhau trên yên xe đi 1 vòng Việt Nam.
Ông Nghĩa cũng nhận ra, cậu con trai ít nói của tháng trước giờ đã hoạt ngôn, tự tin giao tiếp hơn rất nhiều trên suốt hành trình.
Về đến nhà hôm 4.7, điều ông Nghĩa tự hào nhất là đã đưa con trai đi được nhiều nơi, giúp con có thêm nhiều hiểu biết. "Đây có lẽ cũng là chuyến xuyên Viêt duy nhất trong đời mình nên cảm thấy rất trân trọng, may mắn vì có con đồng hành. Nếu những ai đang có ý định làm một chuyến thì hãy lên đường ngay", ông Nghĩa nhắn nhủ.
Tròn 1 tháng kề vai sát cánh, cùng vượt qua những cái nắng, những trận mưa hay những hôm mỏi lưng rã rời, Sĩ Dương cảm thấy thương ba nhiều hơn bao giờ hết. Tuy cậu bé vẫn tiếc chưa thể ghé thăm nhiều điểm hơn, nhưng lần đi này là động lực để em có thể thực hiện một chuyến xuyên Việt trong tương lai. "Lần tới, em sẽ để ba ngồi sau lưng mình", cậu bé 17 tuổi nói.
Bình luận (0)