6 tháng sống tại lán
Vào TP.HCM nhận công trình từ tháng 5.2021, dịch Covid-19 khiến 4 người thợ hồ là ông Nguyễn Khắc Bính (57 tuổi), ông Lê Duy Kỳ (47 tuổi), ông Trần Đăng Gấm (50 tuổi) và con trai 18 tuổi của ông Gấm bị kẹt lại. Để tiết kiệm tiền thuê nhà, 4 người không thuê phòng trọ mà dựng lán ăn ngủ tại công trình.
Ông Bính vào TP.HCM làm thợ hồ được 10 năm. Những người còn lại theo ông vào đây với hy vọng đồng lương khá khẩm hơn để gửi về nhà cho vợ con.
4 thợ hồ sống tại lán 6 tháng |
lê hồng hạnh |
“Ở quê, lương có khi bị nợ cả năm mới thanh toán một lần, có khi bị quỵt thì coi như mất trắng luôn. Đi Sài Gòn dù xa xôi nhưng ngày công cao hơn, lại được thanh toán theo tuần, không lo bị lừa”, ông Kỳ tâm sự.
4 thợ hồ từng ăn mì tôm 2 tuần đã được tiêm vắc xin Covid-19 |
Lán được 4 thợ hồ tự dựng lên bằng vài tấm ván, miếng bạt để che mưa che nắng. Không gian nhỏ hẹp và thấp khiến lán nóng hầm hập khi thời tiết nắng nóng, khi mưa lớn thì tốc mái. Nhiều đêm, cả 4 người phải thức trắng canh gió lớn để buộc lại dây.
Mọi sinh hoạt đều sử dụng vòi nước tại công trình |
lê hồng hạnh |
Cắn răng chịu đựng vì nghĩ rằng vài ba bữa thì hết dịch nhưng dịch Covid-19 kéo dài, giãn cách xã hội liên tục khiến cuộc sống tại lán đã khó khăn về lương thực nay còn khó khăn hơn.
Công trình ẩm ướt, ăn ngủ sinh hoạt tại công trình khiến nhiều vấn đề phát sinh như ô nhiễm nước thải sinh hoạt, muỗi sản sinh từ những vũng nước mưa. Ban ngày nếu ngồi tại lán, cả 4 người cũng phải ngồi trong mùng để tránh muỗi. Tấm màn trắng xỉn màu, đã cũ nên nhiều chỗ rách phải khâu lại, cứ khâu chỗ này lại rách chỗ kia.
Ban ngày ở lán cũng phải để màn vì muỗi |
lê hồng hạnh |
Sài Gòn bước vào mùa mưa, thời tiết thay đổi liên tục. Lán xập xệ, ẩm mốc khiến sức khỏe bị ảnh hưởng, 4 người liên tục hỏi thăm khắp nơi xem đã có xe để về quê chưa. Sau ngày 1.10, thấy nhiều người có thể chạy xe máy về, 4 người quyết định vay mượn và gom góp hết tất cả số tiền có được để mua 2 chiếc xe máy cũ, thực hiện hành trình chắc không có lần thứ hai trong đời…
Tình hình Covid-19 tại TP.HCM sau 2 tuần thực hiện Chỉ thị 18 có chuyển biến tích cực |
“Mong những người khác cũng về nhà bình an”
4 giờ sáng 4.10, các thợ hồ gói ghém vài bộ quần áo lên đường còn lại tất cả đồ dùng như quạt, bếp,... đều được ông Bính xếp lại để 1 góc trong lán. Hai chiếc xe máy được nhóm thợ hồ mua với giá 7 triệu đồng, còn lại 500.000 đồng dắt túi làm lộ phí về quê. Chạy xe ròng rã 5 ngày 4 đêm men theo QL 14, hòa vào dòng người hồi hương, 4 người chạy liên tục, ai mệt thì đổi tay lái, ăn cơm ngủ nghỉ ven đường.
4 người quyết định về quê vì không thể trụ lại được nữa |
lê hồng hạnh |
“Xăng, cơm đều là người ta phát dọc đường, đoạn nào cũng có nên cũng đỡ nhiều lắm. Buổi tối thì ghé vào những khu nhà bỏ hoang để ngủ. Hôm qua chốt ở Gia Lai là 4.000 người, qua chốt ở đèo Hải Vân là 5.000 người. Mình đàn ông con trai còn đỡ, có xe có cả phụ nữ trẻ em, rồi phụ nữ mang thai, người già thấy mà thương lắm”, ông Gấm kể lại.
Chuyến đi kéo dài 5 ngày nhưng 2 ngày trời mưa lớn, người ướt sũng. Không dám nghỉ ngơi, 4 người mua tạm 4 cái áo mưa tiện lợi tiếp tục di chuyển. Vì xe cũ, dọc đường 2 lần bị hỏng, may mắn, con trai ông Gấm biết sửa xe nên hành trình lại được tiếp tục.
21 giờ ngày 8.10, nhóm ông Bính đến Thanh Hóa, sau đó được chính quyền cho phép về cách ly tại nhà ở huyện Nông Cống. Sau 6 tháng sống tại lán, lần đầu được ăn bát cháo gà vợ nấu, ông Gấm không khỏi xúc động.
Chuyến về quê của 4 người thợ hồ kéo dài 5 ngày 4 đêm |
nvcc |
Ông Gấm tâm sự Sài Gòn là vùng đất mang lại thu nhập để ông nuôi gia đình, cũng là nơi ông nhận được tình cảm của người dưng giúp ông sống tốt qua mùa dịch. Nhưng giây phút bước chân vào nhà, ông mới thật sự nhẹ nhõm, bình yên.
Ngủ một mạch 2 ngày liền, ông Gấm bày tỏ: “Về được nhà là mừng lắm rồi, năm nay coi như nghỉ ngơi, năm sau lại tiếp tục, mong những người khác đang đi trên đường cũng về nhà an toàn”.
Bình luận (0)