Người cha và 93 đứa con

18/03/2018 09:02 GMT+7

Không vợ con, nhưng một mình ông nuôi 93 trẻ mồ côi, cơ nhỡ. Hơn 10 năm nay, ngôi nhà ông luôn rộn rã tiếng cười đùa của trẻ thơ...

Không khó để hỏi đường đến nhà người đàn ông nhân hậu Đinh Minh Nhật (57 tuổi, ở xã Ia Hlốp, H.Chư Sê, Gia Lai). Ngôi nhà đang được ông Nhật thuê người sửa và mở rộng hơn để những đứa trẻ có thêm chỗ ngủ. Thấy khách, người đàn ông nhỏ thó nở nụ cười đôn hậu, bỏ vội chiếc xe rùa chở cát xuống rồi ra đón. Đám trẻ thấy người lạ đến nhà cũng lễ phép ra chào.
Bắt đầu việc “nhặt” những đứa trẻ bất hạnh về nuôi đến nay đứa con lớn nhất cũng đã đôi mươi. “Khi nhìn những đứa trẻ bị vứt bỏ đang ở giữa ranh giới sống chết, tôi không đành lòng. Và bây giờ, gia tài của tôi chính là 93 đứa con này đây”, ông Nhật nhìn bầy nhỏ với ánh mắt trìu mến.
Giành trẻ từ tay tử thần
Tôi chỉ ước không còn đứa trẻ nào bị bỏ rơi, mất cha, mẹ nữa. Thực sự bây giờ tôi đã có tuổi rồi, không còn sức để nhận nuôi các con được nữa. Chỉ mong rằng những cặp đôi yêu nhau hãy có trách nhiệm hơn với giọt máu của mình
Ông Đinh Minh Nhật
Hơn 10 năm trước trong một lần vào làng của đồng bào Jarai (H.Chư Prông), ông chứng kiến cảnh dân làng chuẩn bị chôn sống một bé gái còn đỏ hỏn. Bé mới sinh được hai ngày thì mẹ qua đời, theo phong tục, đứa bé bất hạnh cũng phải chôn theo. Bị sốc bởi những quan niệm lạc hậu đó, ông xông vào giành lại đứa trẻ.
Dân làng không đồng ý vì cho rằng đứa bé này mang lại điều xui xẻo, nếu nó không bị chôn sống cả làng sẽ bị Giàng (trời, thần) phạt.
Sau hồi lâu giải thích và nộp phạt một con heo 50 kg để người dân cúng Giàng, ông Nhật cũng đưa được đứa trẻ về nhà nuôi nấng. Đứa trẻ bất hạnh ngày nào giờ đã là cô bé 11 tuổi hồn nhiên vui sống.
“Tôi đặt tên cho cháu là Hồng Phúc với mong muốn cháu được may mắn và quên đi nỗi bất hạnh của mình. Hy vọng lớn lên cháu sẽ biết thương yêu giúp đỡ người khác”, ông Nhật tâm sự.
Không chỉ riêng Phúc, ở mái ấm tình thương này có nhiều mảnh đời mà nghĩ lại ông vẫn không kềm được nước mắt. Đặc biệt là trường hợp của đứa con tật nguyền Đinh Thúi.
Trong một lần đi lang thang ở các buôn làng, ông Nhật bắt gặp một bé trai bị bỏ rơi, nằm trong tấm chăn mỏng nhàu nát, cơ thể đã tím tái. Kiểm tra sơ, ông rụng rời tay chân khi thằng bé không có... hậu môn. Ngay lập tức ông Nhật vội vàng ôm đứa trẻ xuống TP.HCM cấp cứu.
Đến bệnh viện, người cha già như chết lặng khi bác sĩ xác định bé mắc hội chứng Down. Đã vậy, nhiều người còn xì xầm: “Ăn ở không có đức nên con cháu mới không có hậu môn”.
Thương đứa trẻ tật nguyền, ông Nhật vay mượn tiền khắp nơi để phẫu thuật tạo hậu môn giả cho Thúi. Những đêm ở bệnh viện, Thúi đau đớn và thèm sữa mẹ nên khóc mãi làm ông Nhật chẳng thể chợp mắt. Những đêm như thế nước mắt của người đàn ông cứ lặng lẽ lăn dài trên khuôn mặt đã dày đặc vết chân chim.
Sau khi gặp Phúc và Thúi, ông Nhật cứ mãi tự dằn vặt. Từ đó, hễ nghe tin các em nhỏ có bố mẹ qua đời, bị bỏ rơi, lang thang cơ nhỡ, ông đều tìm đến và đưa về nuôi nấng. Nhiều người đi nương rẫy, đi công tác... hễ thấy trẻ bị bỏ rơi cũng “lượm” đưa về cho ông Nhật. Năm này qua năm khác, số con nuôi của ông cứ đông dần lên đến con số 93.
Ông Nhật vừa phải làm cha vừa phải làm mẹ chăm sóc những đứa trẻ mồ côi

“Không đủ sức nữa rồi”
Nhắc đến các con của mình, ông Nhật không giấu được nỗi xúc động. Ông nhớ có những đêm các con bệnh, thèm hơi ấm của người mẹ. Chẳng biết làm thế nào ông Nhật đành ôm con trong lòng và ru chúng vào giấc ngủ. Đến khi con ngủ say cũng là lúc ông mệt rã rời nhưng không dám cựa quậy, chỉ biết tựa lưng vào tường mà chợp mắt.
Sau những giờ bọn nhỏ học trên lớp, về nhà ông đọc cho chúng nghe những mẩu chuyện về gia đình, mở những bài hát về tình cảm cha mẹ, con cái. Qua đó, ông muốn chúng biết trân trọng tình cảm gia đình hơn và phần nào nguôi ngoai nỗi đau mất cha mẹ.
Để khuyến khích các con học tập tốt, ông Nhật ra điều kiện nếu đứa nào có giấy khen sẽ được thưởng 500.000 đồng. Năm học vừa qua, 23 con đạt được thành tích cao khiến ông vừa vui vừa lo khi nghĩ về phần thưởng đã hứa. “Lỡ hứa rồi thì phải thực hiện, nhưng số phần thưởng lớn quá mà tôi lại chưa xoay đâu ra tiền nên vẫn đang mắc nợ các con. Sau bao năm được thấy các con lớn lên, học hành chăm chỉ và đạt thành tích cao, tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Chỉ cần chúng nó nhận thức được cuộc sống, yêu thương mọi người tôi đã mãn nguyện lắm rồi”, ông Nhật xúc động nói.
Nói về người “cha” của mình, em Siu H’Sêu (lớp 8) cho hay từ nhỏ em đã được cha Nhật đùm bọc và nuôi dưỡng nên đối với em đây là gia đình thứ 2 của mình.
“Em vào đây sống với cha từ nhỏ, em tủi thân khi thấy bạn bè có bố mẹ bên cạnh, nhiều đêm ngủ nhớ bố mẹ ruột em cũng khóc. Nhưng bù lại em thấy hạnh phúc vì có nhiều anh chị em, được cha Nhật quan tâm”, em Sêu rưng rưng nước mắt nói.
Có đến 93 người con, nhưng chưa bao giờ ông gọi nhầm hay quên tên các con vì mỗi đứa là một kỷ niệm và cũng là một dấu ấn với cuộc đời ông.
“Tôi đã nuôi nấng hàng chục đứa con, hơn ai hết tôi biết rõ nỗi khổ tâm của chúng. Tôi chỉ ước không còn đứa trẻ nào bị bỏ rơi, mất cha, mẹ nữa. Thực sự bây giờ tôi đã có tuổi rồi, không còn sức để nhận nuôi các con được nữa. Chỉ mong rằng những cặp đôi yêu nhau hãy có trách nhiệm hơn với giọt máu của mình”, ông Nhật tâm sự.
6 tạ gạo/tháng để nuôi trẻ
Hằng ngày ông đi làm thuê làm mướn ở khắp nơi, ai thuê gì làm nấy, toàn bộ tiền dành dụm được đem về nuôi tụi nhỏ. Cạnh đó, ông cũng tận dụng khu vườn trồng 600 gốc tiêu cùng 600 gốc cà phê để kiếm thêm. Theo ông Nhật, mỗi tháng lũ trẻ ăn hết 6 tạ gạo, hàng chục ký mắm muối. Bữa ăn sáng cho lũ trẻ thường là thùng mì tôm mua nợ từ quán gần nhà.
“Việc ông Nhật nhận nuôi hàng chục trẻ em mồ côi, cơ nhỡ rất đáng hoan nghênh. Chính quyền xã cũng tạo điều kiện kêu gọi các đoàn từ thiện. Cơ sở của ông Nhật cũng nhận được khá nhiều sự giúp đỡ từ các chùa, đoàn từ thiện, nhà hảo tâm. Nhưng hiện nay số trẻ đang quá lớn nên mọi thứ còn chật vật, mong rằng sẽ có thêm nhiều sự giúp đỡ để hỗ trợ cho các cháu có cuộc sống đảm bảo”, ông Lê Sĩ Quý, Chủ tịch UBND xã Ia Hlốp, cho biết.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.