Người Chăm có đặt tên cho những đền tháp của mình không?

27/06/2021 11:00 GMT+7

Người Chăm xưa đã để lại trên dải đất miền Trung và Tây Nguyên hàng loạt công trình kiến trúc kỳ vĩ và đầy bí ẩn.

Đó là những đền tháp bằng gạch, có tuổi thọ từ vài trăm năm đến hơn ngàn năm. Ngày nay hầu hết chúng được gọi bằng những cái tên do người Việt (hoặc người Pháp) đặt. Vậy, người Chăm xưa khi xây dựng những đền tháp kỳ vĩ này, họ có từng đặt cho chúng những cái tên riêng?

Những cụm tháp Chăm ở Ninh Thuận – Bình Thuận

Ninh Thuận và Bình Thuận là đất xứ Panduranga xưa của Champa, nay là nơi người Chăm sống tập trung đông đảo nhất trên cả nước. Ở khu vực 2 tỉnh này còn lại một số tháp/cụm tháp Chăm: tháp Po Klaung Garai, tháp Po Rome, tháp Hòa Lai, tháp Po Dam, tháp Po Sha Inư.
Ngoài cụm tháp Hòa Lai ở ngoại vi phía Bắc thành phố Phan Rang vốn bị người Chăm coi là “tháp Khmer” vì những lý do chưa rõ ràng, các cụm tháp còn lại đều đang được cộng đồng Chăm sở tại lui tới cúng tế hằng năm.

Cụm tháp Bánh Ít, Bình Định

ẢNH: NAM HOA

Theo dòng biến đổi của lịch sử, từ sau năm 1471 người Chăm rút về Panduranga, và giai đoạn này ghi dấu một sự biến đổi lớn về tín ngưỡng của họ. Từ ảnh hưởng sâu sắc của Hindu giáo giai đoạn trước đó, giờ đây tín ngưỡng bản địa của họ lại chiếm phần chủ đạo, bên cạnh đó là sự xuất hiện và xâm nhập của Hồi giáo trong cư dân Chăm.
Những vị vua, những anh hùng dân tộc của họ được thần hóa theo tín ngưỡng bản đại của người Chăm, chứ không còn là kiểu thần hóa dưới một dạng thức của thần Shiva như giai đoạn trước. Điều đó dẫn đến việc những ngôi đền tháp xưa thờ các vị thần Hindu giáo, nay đã trở thành đền thờ những vị vua – anh hùng dân tộc của họ.
Điển hình là cụm tháp Po Rome xây dựng ở thế kỷ XVII để thờ vị vua – thần Po Rome, và những cụm tháp được xây dựng từ thời trước cũng được chuyển sang thờ phụng những vị vua hoặc anh hùng dân tộc của người Chăm: tháp Po Klaung Garai thờ vị thần (vua) cùng tên, tháp Po Dam thờ vị vua cùng tên, tháp Po Sha Inu trên đồi Phú Hài chuyển sang thờ phụng công chúa Po Sha Inu.
Việc các cụm tháp ở Panduranga thờ phụng những vị thần bản địa của người Chăm, và được gọi tên theo vị thần cụ thể đó, vì vậy cũng là điều hợp lý và dễ hiểu.

Tháp Chăm ở Tây Nguyên

Một trường hợp đặc biệt: tháp Yang Prong ở Ea Súp, Đăk Lăk – đây là đền tháp duy nhất hiện còn lại trên đất Tây Nguyên – ở giữa một cánh rừng, gần nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa (Êđê, M’Nông…). Cái tên Yang Prong theo tiếng dân tộc bản địa, có nghĩa là “vị thần lớn”.
Những dân tộc thiểu số bản địa ở đây, trước kia có thể đều là thần dân của vương quốc Champa, bia ký được tìm thấy tại khu vực này bởi nhà nghiên cứu phương Tây là ông Oden’hal vào năm 1904 có ghi lại rằng, ngôi tháp được vua Jaya Simhavarman III (sử Việt gọi ông là Chế Mân) cho xây dựng và dâng cúng đất đai, nô lệ cùng những con voi cho thần Jaya Simhalingesvara.

Tháp Yang Prong, Đăk Lăk

ẢNH: SƯU TẦM

Vị thần được thờ phụng tại ngôi tháp trên là sự ghép giữa thần (Shiva) với vua (Simhavarman) được thể hiện dưới dạng Mukhalinga (chiếc linga có chạm khắc một hoặc nhiều khuôn mặt người), vật thờ trong tháp.
Theo sách Tháp cổ Champa của PGS.TS Ngô Văn Doanh, một trong những tên hiệu của thần Shiva dưới hình tượng Mukhalinga, là Mahadeva – nghĩa là vị thần lớn. Vì vậy có lẽ cái tên Yang Prong mà người bản địa gọi ngôi tháp, có lẽ chính là nhắc đến tên hiệu của thần Shiva.

Những cụm tháp Chăm từ Nha Trang trở lên phía Bắc

Tất cả những di tích tháp/cụm tháp còn lại từ Nha Trang trở lên phía Bắc (Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế) hiện đều mang những cái tên Việt hoặc cả một số tên do người Pháp đặt (một số tháp ở Bình Định).
Một số chúng được đặt tên dựa theo đặc điểm hình dạng, như: tháp Cánh Tiên, tháp Bánh Ít, tháp Đôi; còn lại đa số chúng được gọi tên theo địa danh nơi tọa lạc, như tháp Nhạn (trên núi Nhạn, Tuy Hòa), tháp Bình Lâm, tháp Phú Lốc tháp Dương Long, tháp Thủ Thiện (Bình Định), tháp Chiên Đàn, tháp Chương Mỹ, tháp Bằng An, khu tháp Mỹ Sơn (Quảng Nam), tháp Mỹ Khánh, tháp Liễu Cốc (Thừa Thiên – Huế).

Tháp Bà – Po Nagar, Khánh Hòa

ẢNH: NAM HOA

Trong số đó duy có cụm tháp ở Nha Trang – tháp Bà Po Nagar – được người Việt tiếp quản và biến thành nơi thờ phụng của mình, được gọi bằng một cái tên kép Việt – Chăm.
Một số tháp/cụm tháp nói trên còn tìm được các bia ký của người Chăm xưa (bia ký Bằng An, bia ký Chiên Đàn và các bia ký Mỹ Sơn, …) nhưng không có nội dung nào nói đến tên tháp.

Khu đền tháp Mỹ Sơn, Quảng Nam

ẢNH: NAM HOA

Rất có thể rằng ngày xưa, khi cho xây dựng các ngôi đền thờ (tháp) này, những vị vua Champa cổ cũng không đặt tên cho chúng, họ chỉ nói đến việc xây (những) ngôi đền tháp để thờ vị thần nào mà thôi. Và số lượng các vị thần được các vị vua Champa xưa xây tháp thờ phụng cũng rất ít, chỉ có thần Shiva và một số đền tháp thờ thần Visnu (tháp Khương Mỹ).
Vì vậy có lẽ những ngôi đền tháp Chăm ở khu vực Trung và Bắc của vương quốc Champa cổ, không được họ đặt tên riêng. Những cái tên các cụm tháp Chăm ở khu vực này hiện nay đều do cư dân Việt đặt, khi họ chuyển đến sinh sống, sau khi người Chăm rút về phía Nam.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.