Kwok Ka-wing - Chủ tịch Hiệp hội Nhân viên Tài chính Hồng Kông cho biết ông đang lo ngại về mức độ kiểm soát người dùng của các công ty Big Tech. Ông khẳng định: "Sau khi nhìn thấy danh sách khai báo dữ liệu cá nhân từ WhatsApp, tôi đã quyết định chuyển sang Signal để bảo vệ quyền riêng tư của mình".
Kwok là một trong số những nhà hoạt động xã hội, học giả và người nổi tiếng ở Hồng Kông kêu gọi mọi người bỏ WhatsApp. Ứng dụng này được gần 80% dân số Hồng Kông sử dụng. Sau cuộc biểu tình chống chính phủ năm 2019, cư dân Hồng Kông bắt đầu quan tâm hơn đến vấn đề quyền riêng tư. Những người tham gia biểu tình đã chuyển sang các ứng dụng nhắn tin ẩn danh để tránh sự theo dõi của cảnh sát.
|
Cơ quan về quyền riêng tư ở Hồng Kông cũng đã đề nghị WhatsApp lùi thời hạn và "cung cấp các giải pháp thay thế" để những người không đồng ý với chính sách mới có thể tiếp tục sử dụng dịch vụ.
Tuy nhiên, WhatsApp vẫn ăn nên làm ra ở Ấn Độ, thu hút khoảng 400 triệu người dùng tại đây. Sanchit Vir Gogia - giám đốc điều hành của Greyhound Research lý giải hiện tượng này như sau: "WhatsApp đã cam kết với thị trường Ấn Độ và thiết lập hệ sinh thái người dùng rất lớn, vậy nên ứng dụng có thể phát triển mạnh ở quốc gia này. Từ quan điểm đó, có thể thấy cả Signal và Telegram đều không đưa ra cam kết rõ ràng với Ấn Độ".
Thật vậy, WhatsApp thường được các doanh nghiệp ở châu Á sử dụng để giao tiếp với khách hàng. WhatsApp Business ra mắt vào đầu năm 2018 nhắm vào hai thị trường lớn nhất là Ấn Độ và Brazil.
|
Neha Bhatnagar - nhân viên truyền thông làm việc ở Ấn Độ đã thử tải xuống Signal và nhận thấy chỉ có 100 trên tổng số 1.050 người bạn của mình có mặt trên Signal. Thế nên cô quyết định trở lại WhatsApp: "Tại sao tôi phải chuyển ứng dụng? Dữ liệu trên điện thoại và laptop đã bị xâm phạm hoặc rò rỉ trên mọi ứng dụng mà bạn truy cập. Làm gì có thứ gọi là quyền riêng tư".
Theo Sanchit Vir Gogia, mỗi người sẽ có quan điểm khác nhau về quyền riêng tư: "Những gì riêng tư với bạn chưa chắc sẽ riêng tư với tôi". Ông lưu ý người Ấn Độ không quá nhạy cảm về quyền riêng tư như các quốc gia châu Á khác.
Ở Singapore, người dân đã ưa chuộng các ứng dụng nhắn tin như Telegram trước khi WhatsApp công bố điều khoản mới, nhưng lượng người dùng WhatsApp vẫn rất đông đảo. Theo báo cáo năm ngoái của DataReportal, 81% người dùng internet từ 16 - 64 tuổi tại đảo quốc sư tử đã sử dụng WhatsApp.
|
Su Lian Jye - chuyên gia phân tích của ABI Research cho biết ông chưa thấy người Singapore có động thái "di cư" từ WhatsApp sang các ứng dụng khác. Ông giải thích: "Tôi nghĩ WhatsApp phổ biến ở Singapore là do sức mạnh thương hiệu, tính năng dễ sử dụng và đơn giản. Ở phương Tây, quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu là mối quan tâm chính. Họ tích cực tìm kiếm những công cụ và giải pháp ưu tiên vấn đề riêng tư và bảo mật".
Nhìn chung, nhiều nhân viên văn phòng ở các thành phố lớn ý thức được tầm quan trọng của quyền riêng tư và định bỏ WhatsApp nhưng không thành công. Cố vấn tài chính Justin Kan đã thử Telegram và Signal, cuối cùng vẫn phải quay lại WhatsApp vì còn nhiều liên hệ khác trên nền tảng này.
Fiona Wong - nhân viên thiết kế đồ họa ở Hồng Kông ban đầu cũng hăng hái kêu gọi bạn bè dùng Signal, nhưng cô thừa nhận mình không thể thoát khỏi các nền tảng thuộc sở hữu của Facebook chỉ trong một thời gian ngắn. Dù vậy, Wong vẫn lạc quan: "Việc nhiều người bỏ WhatsApp sẽ giúp các công ty coi trọng quyền riêng tư có thể cạnh tranh với Facebook và Instagram, cung cấp cho người dùng nhiều lựa chọn hơn".
Hiện tại, châu Âu là khu vực duy nhất trên thế giới không áp dụng các điều khoản mới của WhatsApp. Theo luật bảo mật của Liên minh châu Âu, chính quyền có thể phạt các hãng công nghệ 4% doanh thu hằng năm nếu họ xâm phạm quyền riêng tư của người dùng.
Bình luận (0)