Hà Lệ Diễm từ từ ghi lại khung cảnh cô thiếu nữ Mông tên Di nhìn chằm chằm vào người bạn nam - người đã kéo Di và mong muốn Di về làm vợ. Câu chuyện bạn bè giữa cô cậu học trò người Mông này đã trở thành lựa chọn khốc liệt. Di không muốn bị kéo vợ vào lúc đó, Di còn muốn đi học. Rồi Di giơ bàn tay rất nhanh che hoàn toàn ống kính máy quay. Cú xòe tay che ống kính này là hình ảnh cuối cùng trong trailer Những đứa trẻ trong sương. Diễm đã theo chân Di trong nhiều năm, ghi lại những ngày tháng vô tư của em, khoảnh khắc đối diện với phong tục kéo vợ của dân tộc mình. Bộ phim vừa lọt vào danh sách rút gọn cho phim tài liệu tại Oscar 2023.
Là một đạo diễn phim tài liệu, dường như phải vô hình để nhân vật quên đi sự có mặt của mình ở đó, để họ sống đúng con người của họ. Làm sao Diễm có thể vô hình như thế?
Thực ra tôi không vô hình đâu, mọi người hoàn toàn hiểu được sự có mặt của tôi ở đấy. Cách của chúng tôi là làm phim cùng với nhân vật. Năm 2017, tôi có ý tưởng làm phim về Di, quay từ khi còn nhỏ Di ngây thơ thế nào, lớn lên thay đổi thế nào. Tới 2018, tôi bắt đầu giải thích cho Di là tôi muốn làm phim về cái gì.
Mọi người xem trailer Những đứa trẻ trong sương sẽ thấy những cảnh Di chạy chơi trên đồi với bạn. Bọn trẻ hứng chí tự biên tự diễn lại cảnh cuộc sống người Mông thế nào trong việc yêu, cưới, kết hôn, rồi hai bên gia đình thông gia nội ngoại giúp nhau đi làm. Những cảnh đó tôi thấy thích quá nên quay lại và cho Di cùng các bạn xem lại hết. Đến 2018 tôi mới giải thích cho Di là tôi bắt đầu có ý làm phim về tuổi thơ và sự biến mất của những tuổi thơ ấy. Di nói với tôi là em cũng không biết em lớn lên như thế nào, nhưng liệu chị có thể mang được em của bây giờ về em của tuổi thơ không. Lúc đó Di nói tiếng Việt còn chưa sõi, nhưng con bé nói được câu ấy, tôi nghe… hết hồn vì không nghĩ một đứa trẻ 13 tuổi có thể có những suy nghĩ già dặn như vậy.
Lúc quay, tôi chỉ biết đi theo Di và bố mẹ Di, cũng chưa hình dung được phim sẽ có cấu trúc thế nào. Nhiều lần quay cảnh Di chơi ném bùn, thì bọn trẻ ném cả bùn vào tôi và máy quay của tôi. Những khi Di không muốn tôi quay nữa thì Di giơ tay chặn luôn hoặc nói từ chối.
Tức là mọi người chấp nhận Diễm với chiếc máy quay ở đó.
Mọi người đều ý thức là tôi ở đấy thì máy quay ở đấy. Có lúc bố mẹ Di rủ tôi đi đám ma ở trong làng, tôi nghĩ đám ma thì chắc cũng giống dưới xuôi này, chắc là buồn lắm. Tôi không mang máy quay đi. Xong đến thì người nhà buồn khóc nhưng bên ngoài lại rất đông vui, mọi người nói chuyện ăn uống vui vẻ, các cô chú người nhà của người mất hỏi sao không mang máy quay đến, hôm nay không quay phim à. Tôi nói không, hôm nay chỉ đến uống rượu với mọi người thôi, mọi người bảo thế cũng được, nhưng thích thì cứ mang máy quay đến, không sao cả.
Phim của Diễm, ngoài câu chuyện tuổi thơ của Di, còn liên quan đến một phong tục mà nhiều người gọi là cướp vợ. Bản thân từ “cướp” đó cũng là cách nhìn của người ngoài, đánh giá phong tục này với hàm ý không tốt.
Người Mông gọi phong tục đó là kéo vợ, như trong trường hợp của Di đúng là kéo. Có những việc khi mình nhìn mình nghĩ là cái này xấu, cái kia tốt. Nhưng khi lên Sa Pa ở với mọi người, ở lâu rồi thì thấy nó không phải là đen, không phải là trắng mà cuộc sống nhiều sắc thái phức tạp hơn thế.
Về kéo vợ, có nhóm bảo điều đó phạm luật vì các bạn ấy chưa thành niên, nhưng có những nghiên cứu nhân học lại cho rằng phong tục đó giúp ổn định đời sống, chưa kể còn giúp giảm thách cưới. Còn Diễm, trong hành trình làm phim, bạn thấy thế nào?
Lúc đầu lên Sa Pa, tôi không để ý việc kéo vợ. Nhưng khi ở với nhà Di hơn 1 năm, tôi chơi thêm với chị họ của Di. Họ kể về việc đã trải qua chuyện đó vài năm rồi, nghĩ lại vẫn còn thấy sợ. Có bạn 4 giờ sáng nhà trai đã đứng trước cửa, con bé phải leo đồi trốn đi. Có những bạn bị nhà trai xông thẳng vào nhà kéo vì là người quen. Bố bạn ấy muốn con gái được đi học nên lập tức gọi cho thầy cô giáo, công an đến nhà trai đòi bạn ấy về. Mặc dù bố giúp thế mà bạn ấy vẫn sợ. Khi nghe những chuyện đó thì tôi bắt đầu sợ theo. Nhưng Di không để ý những chuyện đó.
Bố Di cũng kể việc kéo vợ mang lại công bằng cho những người đàn ông nghèo không có tiền lấy vợ. Nếu hai người yêu nhau thì thách cưới khá cao, gần như mức cao nhất. Nếu hai bên gia đình thỏa thuận thì ở mức vừa vừa. Còn kéo vợ thì tiền cưới thấp nên nhiều người vẫn thích kéo. Nhiều cặp yêu nhau lại kéo giả vờ. Nhưng cũng có kiểu một số ít mới gặp nhau ngoài chợ thấy à con bé này xinh xinh là kéo luôn. Cái đấy ngay cả trong người Mông họ cũng không bằng lòng.
Tức là trong cộng đồng người Mông cũng tranh cãi về kéo vợ?
Họ tranh cãi nhiều lắm. Có khi đến làng, tôi gặp một cô đã ngoài 50 rồi mà vẫn hấp dẫn. Cô ấy tự hào kể hồi trẻ tao rất xinh, được 6-7 người đến kéo 6-7 lần nhưng tao không đồng ý ai hết. Cô lấy chồng vì yêu, chồng chiều chuộng. Còn người khác lại đau khổ, cuộc đời không khác gì địa ngục. Có trường hợp lấy nhau về rồi cả vợ lẫn chồng hành hạ, giày vò lẫn nhau. Những ông chồng, những đứa con khi đó đều đau khổ. Nhưng hai bên thông gia thường đi làm giúp nhau việc đồng áng như một liên minh. Việc đồng áng trên đó nặng lắm, không có người giúp là không làm được đâu.
Khi Diễm muốn quay Di lớn lên thế nào, Diễm có nghĩ mình sẽ can thiệp vào đời sống của Di không, sẽ khiến nó khác đi không?
Từ 2019 khi Di lớn hơn rồi, từ khi bị kéo Di cũng hỏi em có nên lấy chồng không. Di hỏi rất nhiều thì tôi quyết định nói thẳng ý kiến của mình là Di phải quay lại đi học. Vì nếu lấy chồng sớm thì nhiều cơ hội như đi học, hay đi ra thế giới bên ngoài cũng sẽ không được nhiều với con bé.
Lớp 11, Di nhận được một học bổng của Úc do hai năm liền là học sinh khá và hạnh kiểm tốt, lại vượt qua vòng phỏng vấn khá khó nhằn của họ nữa, họ sẽ tài trợ hết chi phí nếu Di đỗ đại học ở VN. Đợt Di được học bổng, bố Di gọi điện cho tôi, vừa nói vừa khóc bảo bố cũng không nghĩ là nó làm được thế, bố tự hào lắm.
Có vẻ như Diễm bị hút vào các câu chuyện phát triển, về phụ nữ, về trẻ em…
Lúc mới đầu làm phim Con đi trường học về một chị nhiễm HIV đưa con đi học, tôi nhận ra tôi sẽ làm phim về những điều trong đời sống mà tôi cảm động. Tôi biết hoàn cảnh của chị ấy rồi, nhưng tôi chỉ bị cảm động cái khoảnh khắc trời rất lạnh mà chị đi đôi dép tổ ong, chân tím tái vì lạnh. Chị xắn quần lội qua suối ngập qua gối lạnh lắm mà ngày nào cũng lội như thế. Một đôi dép tổ ong, đôi chân tím tái như thế mà chị ấy đưa con đi học ngày 40 cây số, đưa đi đưa lại 4 lần. Tôi thương lắm. Tôi làm phim về mọi người thôi chứ tôi không nghĩ nhiều là phải làm phim đòi bình đẳng cho phụ nữ.
Nghe “đòi quyền bình đẳng” cũng nhiều vấn đề không đơn giản phải không?
Mọi người cứ nói đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ, nhưng tôi đi đến những vùng mọi người theo mẫu hệ, thì có những người đàn ông khi ly hôn họ khổ kinh khủng vì bị về nhà mẹ đẻ ở, không được chia tài sản gì. Nếu bình đẳng cũng phải bình đẳng cho cả những người đàn ông chứ, họ cũng cần thấu hiểu mà. Có khi họ hỏi tôi là phụ nữ đi làm phim có khổ hơn đàn ông không, người phụ nữ đi quay phim thích quá chứ, mọi người cũng thấy dễ chia sẻ hơn chứ.
Khoảng 10 năm gần đây các nữ đạo diễn phim tài liệu Việt có nhiều tác phẩm xuất sắc. Có lý do gì không, có phải phụ nữ có thiên hướng làm tài liệu tốt hơn không?
Các bạn nước ngoài cũng hỏi tôi như vậy. Tôi nói ở VN làm phim tài liệu toàn đạo diễn nữ. Các bạn rất ngạc nhiên. Có thể là do trong xã hội người Việt mọi người kỳ vọng đàn ông nhiều hơn. Mà phim tài liệu nhiều khi hên xui lắm. Mình theo quay nhân vật, có thể làm ra một phim hay, cũng có thể là phim dở. Nhiều khi quay vài năm họ không có thay đổi gì cả thì phải chịu thôi. Do phụ nữ không có áp lực phải trở thành cái gì trong xã hội nên cứ làm phim mà không sốt ruột.
Với nữa là các bạn nam thường muốn làm phải ra một cái gì đấy, phải to, phải thành công. Còn như tôi chỉ thích làm mấy cái nhỏ nhỏ thôi. Những nhân vật của tôi bình thường chả ai để ý đến họ cả. Hoặc quay Di như ngày trước là một cô bé bình thường, có phải câu chuyện lớn lao truyền cảm hứng đâu.
Nhưng bây giờ khi phim đã vào danh sách rút gọn của Oscar, câu chuyện bắt đầu truyền cảm hứng rồi.
Phim tài liệu chả khác gì nghề thủ công, hỏng phải làm đi làm lại. Mọi người thấy tôi thành công thì nghĩ tôi giỏi luôn từ khi mới bắt đầu. Nhưng tôi không phải như thế. Tôi chiếu cho họ xem phim 9 phút đầu tay, mọi người bảo cảm thấy được an ủi vì phim tôi làm… dở quá. Khi tôi học làm phim phong cách trực tiếp của Varan Việt Nam năm 2016, những học viên xuất sắc là người khác, không phải tôi. Tôi chỉ là cứng đầu lì lợm thôi, tôi làm đi làm lại nhiều lần.
Nên tôi nghĩ câu chuyện của tôi cũng sẽ giúp mọi người tự tin hơn vào công việc mà mọi người đang làm, đang theo đuổi. Kinh nghiệm của tôi cũng sẽ giúp được nhiều bạn trẻ đang bắt đầu làm phim.
Những đứa trẻ trong sương chỉ là một phim đầu tiên của tôi, tôi còn rất nhiều ý tưởng và dự định đang thực hiện nên cũng sẽ còn rất nhiều thử thách sắp tới. Tôi cũng không vội vàng gì cả, cứ từ từ mà làm thôi.