Người chạy xe tay ga, mặc đồ đẹp không được lấy đồ từ thiện ?

21/04/2020 16:32 GMT+7

Những ngày qua, trên mạng xã hội chia sẻ hình ảnh, video một số cá nhân đến cây ' ATM gạo ' nhưng không nhận được gạo với những lý do: mặc đồ đẹp, chạy xe tay ga… đã nhận nhiều ý kiến trái chiều từ người trẻ.

"Thuộc về ý thức mỗi cá nhân"

Có mặt tại cây “ATM gạo" trên đường Bạch Đằng, Q.Tân Bình, TP.HCM vào một buổi trưa 20.4, Theo quan sát, chúng tôi nhìn thấy nhiều người đi xe tay ga, mặc đồ đẹp... vẫn đứng xếp hàng chờ lấy gạo. Chị Nguyễn Thị Mỹ Thúy, 33 tuổi, quản lý cây “ATM gạo" này cho biết, ai cũng có thể lấy gạo miễn xếp hàng ngay ngắn, cách xa nhau 2 m, không chen lấn.

“Ở đây mình không phân biệt ai hết, quy định là mỗi người chỉ lấy được một lần trong ngày, muốn lấy nữa phải qua hôm sau. Cũng có trường hợp người đi xe SH, mặc đồ đẹp đến lấy gạo rồi hỏi thăm này nọ, hôm sau họ đến với tư cách là một mạnh thường quân. Cũng có một số thành phần 'tham' lấy gạo khi chưa thật sự cần, vấn đề này thuộc về ý thức của mỗi cá nhân mà thôi”, chị Mỹ Thúy chia sẻ.

Tương tự, anh Hồ.T.Long, 31 tuổi, làm truyền thông tại số 123 Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM. Anh T.Long cho biết tại máy “ATM gạo” của cơ quan mình chỉ có câu khẩu hiệu "Nếu khó khăn bạn hãy lấy một phần - Nếu bạn ổn hãy nhường phần người khác" bất cứ ai khi đứng xếp hàng thì cũng sẽ nhận được quà. Còn khó khăn hay không thì phải tùy vào lòng tự trọng của họ. Chứ bên mình không có chủ trương là xem mặt tặng quà.

“Nếu chỉ thông qua quần áo và hình dáng bên ngoài của một người nào đó mà phán xét người ta giàu nghèo thì vô lý. Chẳng lẻ người nghèo là không được mặc đồ sạch sẽ, tươm tất, không được đi xe hiệu? Biết đâu đó là một anh giám đốc công ty bị ảnh hưởng dịch Covid-19 mà sa cơ lỡ vận”, anh T.Long chia sẻ.
Nguyễn Thụy Xuân Trinh, 23 tuổi, công tác tại Đoàn Thanh niên Q.10, TP.HCM, cho rằng mỗi người cần phải có ý thức, nêu cao tinh thần “nhường cơm sẻ áo”. Nếu chúng ta không qua khó khăn, thì nên nhường phần quà đó cho những người thật sự cần.
“Bởi một phần quà đối với người khá giả không là gì, nhưng với những người hoàn cảnh khó khăn là rất lớn, nhất là trong mùa dịch Covid-19. Hãy hành động một cách có ý thức, góp phần chung tay đẩy lùi dịch”, Xuân Trinh chia sẻ.

"Cần khéo léo tìm hiểu thực tế"

Anh Võ Phi Thành Đạt, 22 tuổi, công tác tại Đoàn thanh niên Học viện Cán bộ TP.HCM, cho biết xét cho cùng bởi ảnh hưởng của dịch bệnh nhiều người mất việc làm, trong đó có công nhân, nhân viên... khiến họ mất thu nhập, “nghèo tạm thời”, từ đó chúng ta càng khó đánh giá chính xác một người qua cách ăn mặc hay phương tiện đi lại.
Tương tự, Nguyễn Ngọc Thanh Huy, 22 tuổi, sinh viên ngành công tác xã hội, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết việc nhiều người cảm thấy khó chịu với những người mặc đồ đẹp, chạy xe sang đi lấy đồ từ thiện là điều không quá khó hiểu, vì họ quen nhìn trang phục, vẻ ngoài để đánh giá. Nhưng rõ ràng quan điểm này không phải lúc nào cũng đúng.

Là người đồng hành trong việc kêu gọi lắp đặt “ATM gạo” ở nhiều nơi giúp người dân khó khăn vượt qua đại dịch Covid-19, anh Phạm Thanh Tuấn, giáo viên Trường THCS-THPT Diên Hồng, TP.HCM, cho biết với những trường hợp cần lưu ý, chúng ta cần khéo léo tìm hiểu để xử lý linh động hơn. Như ghi chú những trường hợp chạy xe sang, mặc đồ hiệu đi lấy quà tự thiện, có thể vẫn cho họ nhận quà nhưng để ý, theo dõi..., sau đó đưa ra các hướng giải quyết tiếp theo.

Họ đến có nghĩa họ cần

Phạm Thị Thúy, giảng viên bộ môn nhà nước và xã hội, Học viện Hành chính Quốc Gia, TP.HCM, cho biết những người lái xe sang hay mặc đồ xịn đi lấy đồ từ thiện là có thật vì trong mùa dịch bệnh này bất kỳ ai cũng có thể phá sản....“Thuyền càng lớn sóng càng to”, người có mức sống bình thường có khi lại sống tốt, còn những người làm ăn mua bán có khi trắng tay ở giai đoạn này...

“Đừng nhìn bên ngoài mà đánh giá con người, đã làm từ thiện thì đừng phân biệt họ đã là ai, họ đến có nghĩa họ cần... Người có tâm từ thiện là cho đi vô điều kiện. Trong giai đoạn dịch Covid-19 này, nên tạo tinh thần đoàn kết nhiều hơn, muốn chống dịch bệnh tốt thì chính chúng ta hãy tạo năng lượng tích cực cho nhau bằng việc lan tỏa những điều tốt, hãy bao dung với những con người có điều không hay, không đẹp", cô Phạm Thị Thúy chia sẻ.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.