Hội thảo về cập nhật khoa học kỹ thuật và công nghệ mới trong khám chữa bệnh được Câu lạc bộ Giám đốc các bệnh viện phía bắc tổ chức chiều nay 15.3, tại Quảng Ninh.
Tại hội nghị, PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội vận động hiến tạng Việt Nam, cho hay ghép mô, tạng là phương pháp điều trị hiệu quả cho người bệnh bị hỏng mô, tạng không hồi phục. Cho đến nay, kỹ thuật này ngày càng phát triển không ngừng và được ghi nhận là một trong những thành tựu quan trọng nhất của y học thế giới, là một trong 10 phát minh về khoa học kỹ thuật làm thay đổi cuộc sống của nhân loại trong thế kỷ 20.
Theo bà Tiến, nguồn mô tạng từ người chết tim ở nước ta rất nhiều. 20 năm qua, nhiều nước trên thế giới phát triển nhanh nguồn hiến mô tạng từ những người này. Tuy nhiên, luật Hiến ghép mô, bộ phận cơ thể người năm 2006 của Việt Nam chưa đề cập vấn đề hiến tạng từ người chết tim (chết tim là ngưng tuần hoàn).
Bên cạnh mô tạng từ người cho chết não thì người chết tim hiến mô tạng là một nguồn quan trọng để khắc phục tình trạng khan hiếm tạng hiện nay. Do đó, tới đây, Bộ Y tế sẽ đề xuất quy định này và các bệnh viện cần có hội đồng đánh giá chết tim, ngoài hội đồng đánh giá chết não.
Thông tin về năng lực ghép mô, tạng tại Việt Nam, PGS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, cho hay tại Việt Nam, 32 năm kể từ ca ghép tạng đầu tiên, hiện có hơn 8.300 ca đã được ghép mô, tạng. Nhưng số ca ghép đã thực hiện còn rất ít ỏi so với thực tế ước có hàng trăm ngàn ca chờ ghép tạng (gan, thận, tim…).
Trong nước có 25 đơn vị thực hiện ghép tạng nhưng 3 năm gần đây chỉ có 4 bệnh viện duy trì ghép tạng thường xuyên, với số lượng trên 100 ca ghép/năm. Các đơn vị còn lại rất ít hoặc không ghép, nguyên nhân chính do không có tạng hiến.
Ông Hệ cho biết, cùng với nguồn tạng từ người cho chết não, tại nhiều nước trên thế giới còn lấy ghép tạng từ người chết tim, thậm chí có quốc gia, tỷ lệ ghép tạng từ người cho chết tim nhiều hơn người cho chết não.
Cũng theo Giám đốc trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, khi tim không đập nữa, ngừng tim, giới y khoa có nhiều cách để giúp cho những quả thận, những lá phổi, lá gan và những tạng khác vẫn sống và vẫn có thể ghép được cho người khác. Trong khoảng mấy tiếng đồng hồ sau khi tim ngừng hoạt động thì vẫn có thể hiến tạng.
Lưu ý thêm về sự cần thiết của nguồn tạng hiến từ người chết tim và tính pháp lý, các đại biểu cho rằng cần phải bổ sung những tiêu chuẩn để xác định chết tim, chết tuần hoàn để luật hóa. Việc ngừng tim, việc chẩn đoán tử vong rất quan trọng, do đó, cần có hội đồng chẩn đoán người chết tim. Nếu không có quy định này thì chuyên ngành ghép tạng vẫn gặp khó khăn do rất hạn chế nguồn tạng hiến để thực hiện các ca ghép.
Bình luận (0)