ĐAM MÊ
Đó là người đàn ông tóc như nghệ sĩ, khi gặp chúng tôi ông đang cặm cụi bên khung xe đạp màu đen. "Thằng bạn nhờ chế xe này lại cho đứa con cho vừa tầm người", ông Chí cười giải thích. Tranh thủ khi lũ trẻ nghỉ trưa (vợ ông Chí trông giữ, dạy cho nhóm trẻ học tại nhà), ông Chí lại lấy hàng ra "chế tạo". Xung quanh là ốc vít, đinh, vòng xe bằng gỗ, nhông gỗ, xích xe đạp cũ, mô tơ từ thời xa lắc đến đống gỗ đủ kích thước.
Là con út thứ 11 trong gia đình nhà nghèo, ông bôn ba làm đủ nghề để sống, từ làm rẫy, đến quét gạo rơi rớt, lớn lên thì sửa xe đạp, xe máy, máy móc… Vất vả vậy nhưng chẳng hiểu sao, đam mê tái chế đồ chơi cho trẻ con như có sẵn từ trong máu. "Hồi 12, 13 tuổi, tôi làm nhà tranh, vách đất cho chuồn chuồn ở. Lớn lên tí thì làm lồng chim. Sau thấy chim bị nhốt tội quá nên không làm nữa", ông nói.
Hơn 10 năm nay, khi con cái lớn dần, sinh nhai tạm ổn, ông Chí chăm chú nghề tái chế đồ chơi cho trẻ. Ông lấy ra 2 cỗ máy bảo đó là động cơ đốt ngoài do ông chế ra cho lũ trẻ hàng xóm, học sinh cần là đến xem, thấy thực tế động cơ này trực quan ra sao. Ông không nhớ mình học đến lớp mấy, chỉ muốn làm cái gì thì cứ mày mò, nghiên cứu làm. Ông còn khởi động một cỗ máy nhỏ, có khung làm từ cây gỗ nhỏ, dây kẽm, gần 10 hòn bi thủy tinh tròn… và giới thiệu mô hình thu nhỏ hoạt động của một nhà máy. Cỗ máy khi khởi động lên, tất cả cơ quan đều hoạt động đều, có cả cửa ra dành cho các sản phẩm thừa.
Trong phòng ông còn có cả xe đạp gỗ, bánh sau là 6 chân bước đều khi hoạt động. Chưa kể chiếc xe đạp một bánh, có cả phanh, còi. Độc đáo hơn là chiếc xe đạp 4 bánh dành cho hai người. "Chiều chiều, vợ chồng tôi đạp xuống biển Mỹ Khê dạo mát, rất thuận tiện", ông nói.
BÀN TAY TÀI HOA
Nói về xe đạp, ông Chí cho hay mình có hàng chục chiếc xe tái chế từ cổ đến kim. Nhiều khách đến đây thấy hay hay, nhiều người hỏi mua nhưng ông Chí không bán. Điển hình như xe đạp bằng gỗ, một trường đại học hỏi mua nhưng ông không bán.
"Sản phẩm tái chế làm ra, chủ yếu cho trẻ con chơi, áp dụng trong việc học, nhất là môn vật lý, nên tôi không bán sản phẩm nào. Chỉ ai đó, cần mình sửa giúp, tái chế giúp đồ vật gì thì mình giúp thôi", ông Chí tâm sự.
Trò chuyện, nhìn cách ông Chí làm, mới hay đây là đôi tay tài hoa. Ngoài những sản phẩm tái chế, ông còn làm tranh gạo rất đẹp treo trên tường nhà. Sát bên còn có 3 bức tranh gạo "Phúc - Lộc - Thọ" và hàng chục tranh gạo khác, khiến ai cũng có một ấn tượng thật đẹp. Lũ trẻ học trong nhà thấy ông mày mò bên những tác phẩm tái chế thì mỗi lần ra chơi, thường say mê ngắm nghía. Thi thoảng, yêu cầu ông làm cái này, cái kia. Ông bảo, những khi rảnh, ông còn giúp học sinh viết chữ đẹp. Mùa hè, hai vợ chồng không chỉ dạy chữ cho trẻ mà còn luyện viết chữ đẹp cho cả người lớn. Tất cả như sự đam mê của người biết cho đi, sống thanh thản giữa đời này. "Lúc trước mưu sinh, giờ hơi ổn thì tuổi lớn mất rồi. Ước gì có thật nhiều kinh phí, tôi sẽ làm ra thật nhiều sản phẩm, để phục vụ cho các trẻ em, các học sinh", ông Chí nói.
Cô Lê Thị Thu Toàn, Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Dũng, cho biết những mô hình tái chế của ông Đỗ Văn Chí thật sự rất hay. Những mô hình này hỗ trợ nhiều cho học sinh về các môn học tự nhiên. "Anh Chí rất dễ chịu, tính tình hiền lành nên các em sang nhà chơi đều được tạo điều kiện hết sức để xem những sáng tạo này. Đây là điều rất bổ ích đối với học sinh trong quá trình học và thực tiễn", cô Toàn cho biết.
Bình luận (0)