Người có nồng độ cồn, xe sẽ không hoạt động

23/07/2020 08:30 GMT+7

Sau 2 tháng nghiên cứu, anh Nguyễn Đình Phụng (32 tuổi), giáo viên Trường THCS Lý Tự Trọng, Q.Gò Vấp (TP.HCM), đã sáng tạo sản phẩm 'Khóa thông minh trên xe máy' ( ảnh ), xe sẽ không hoạt động khi người điều khiển có nồng độ cồn.

Sản phẩm đã đoạt giải nhì cuộc thi “Ứng dụng công nghệ số trong tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông”, do Cục Công tác phía nam (Bộ Khoa học - Công nghệ) và Trung tâm phát triển khoa học, công nghệ trẻ TP.HCM vừa tổ chức.
Chia sẻ về ý tưởng làm chiếc khóa thông minh này, anh Nguyễn Đình Phụng nói: “Nguyên nhân chính của nhiều vụ tai nạn giao thông theo mình tìm hiểu đa phần là do những người đã dùng rượu bia gây ra bởi không làm chủ được tay lái. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có biện pháp mạnh, hiệu quả để giảm thiểu tối đa tình trạng này. Mình nghĩ cách làm khóa không cho xe máy hoạt động khi người điều khiển phương tiện đã uống rượu bia sẽ đảm bảo an toàn hơn. Khi tham gia giao thông, việc đầu tiên ai cũng cần làm là mở khóa xe để khởi động máy nên mình đã nghĩ tới chiếc khóa xe thông minh này”.
Sản phẩm là một hộp nhỏ với kích thước 7 x 10 cm (bằng hộp thuốc lá) được dán bằng keo bên tay phải dưới chân kính chiếu hậu của xe máy.
“Sản phẩm gồm một màn hình hiển thị nồng độ cồn, một loa, một cảm biến nồng độ cồn, một mạch điện chính arduino nano. Nguyên lý hoạt động giống khóa chống trộm, hệ thống điện cảm biến được nối vào sau khóa chính xe máy, vì vậy khi bật máy xe lên hộp khóa sẽ sáng và đưa ra yêu cầu thổi hơi vào màn hình cảm biến. Khi thổi vào, trên màn hình cảm biến sẽ thông báo nồng độ cồn cho người dùng, nếu phát hiện bạn đã dùng rượu bia thì cảm biến sẽ tự động ngắt nguồn điện và bạn không thể nào làm cho xe nổ máy được, đồng thời phát ra tiếng kêu rất khó chịu và lập tức đưa ra dòng chữ cảnh báo trên màn hình là bạn không nên lái xe vào lúc này”, anh Phụng nói về chức năng và nguyên lý hoạt động của sản phẩm.
Anh Phụng cho biết khóa còn có chức năng thông báo cho người thân biết để đến tận nơi đưa bạn về nhà an toàn thông qua việc sử dụng mạch điện esp8266 kết nối trực tiếp với điện thoại người thân. “Hướng phát triển tiếp theo của mình là sẽ gắn thêm thiết bị định vị GPS tích hợp trong hộp khóa để trong trường hợp xe không nổ máy được mà người sử dụng dắt bộ thì người thân cũng theo dõi được quãng đường đi của người say. Hoặc nếu người đó ngủ trên đường mà xe bị mất trộm thì cũng biết được xe nằm ở vị trí nào”, anh Phụng chia sẻ.
Anh Đoàn Kim Thành, Giám đốc Trung tâm phát triển khoa học công nghệ trẻ TP.HCM, đánh giá: “Đây là sản phẩm sáng tạo mang tính thời sự rất cao trong việc tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông cho người dân”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.