Thanh tra Sở không thể yêu cầu công dân xét nghiệm ADN
Luật pháp quy định như thế nào về vấn đề này?
Chiều 1.3, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã làm việc cùng chị Trang sau khi tiếp nhận được đơn kiến nghị giúp đỡ chị được thử ADN, tìm kiếm bố mẹ đẻ sau vụ việc chị bị trao nhầm ngày 10.10.1974 tại nhà hộ sinh quận Ba Đình.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Trọng Hiếu, Phó chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, cho biết khi tiếp nhận đơn kiến nghị của chị Trang, đơn vị đã rất thấu hiểu, chia sẻ vì vấn đề tìm kiếm bố mẹ đẻ, tìm người cùng huyết thống là vấn đề rất hệ trọng của mỗi công dân và nguyện vọng của chị Tạ Thị Thu Trang là rất chính đáng.
Tại buổi làm việc, ông Hiếu cho biết theo quy định, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội không có chức năng yêu cầu công dân đi xét nghiệm ADN. Đơn vị này đề nghị chị Trang gửi đơn đến các cơ quan chức năng khác có đủ thẩm quyền để được giải đáp các thắc mắc. Các cơ quan chức năng này đã được quy định cụ thể tại Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
Về phía Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, đơn vị sẽ làm tất cả những gì trong thẩm quyền, chức năng quyền hạn của mình. Đơn vị sẽ làm việc với Trung tâm Y tế Q.Ba Đình (đơn vị quản lý nhà hộ sinh ngõ Hàng Bún) rà soát, xác minh thông tin. Đồng thời, đơn vị sẽ đồng hành, nỗ lực và cố gắng hỗ trợ một cách tối đa về những nội dung trong đơn của chị Tạ Thị Thu Trang và tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng khi có yêu cầu.
Chị Tạ Thị Thu Trang cảm ơn Phó chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã sớm tiếp nhận đơn kiến nghị và gặp gỡ trực tiếp, giải đáp các thông tin cho chị rất cặn kẽ.
"Tôi đã rất đau khổ vì không biết nguồn cội của mình là ai, không biết đấng sinh thành của mình là ai, nhiều lúc tôi tuyệt vọng, muốn bỏ, không tìm kiếm nữa, nhưng vẫn đau đáu", chị Tạ Thị Thu Trang xúc động nói tại buổi làm việc với Thanh tra Sở Y tế Hà Nội.
Làm thế nào để được xét nghiệm ADN với người khác?
Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, luật sư Lê Trung Phát, Giám đốc hãng luật Lê Trung Phát, Đoàn luật sư TP.HCM theo dõi câu chuyện "trao nhầm con" khá hy hữu trên cho biết: "Căn cứ theo quy định tại Điều 90 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết. Vì trong trường hợp của chị Trang, người mẹ không đồng ý nhận là mẹ ruột, nên trường hợp này được xem là phát sinh tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con. Tranh chấp này thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo quy định tại Điều 101 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, Điều 28 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Do đó, chị có thể nộp đơn đến tòa án nhân dân cấp huyện nơi người mẹ cư trú để yêu cầu xác định mẹ con".
"Trong quá trình giải quyết, tòa án sẽ yêu cầu chị phải cung cấp tài liệu, mẫu ADN của người mẹ để trưng cầu giám định. Nếu chị vẫn không thể tự cung cấp ADN của người mẹ cho tòa án thì chị có quyền yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc thực hiện hành vi nhất định theo quy định tại Điều 111, 114, 127 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 để tòa án yêu cầu người mẹ cung cấp mẫu ADN để giám định ADN.
Vụ việc có thể thuận lợi hoặc không thuận lợi, tùy thuộc vào nhận thức của người mẹ. Nhưng về mặt luật pháp, thì trường hợp này, cho dù người mẹ không tự nguyện thực hiện, thì vẫn có cơ chế để thực hiện việc này", luật sư Lê Trung Phát, Giám đốc hãng luật Lê Trung Phát, Đoàn luật sư TP.HCM trao đổi.
Tuy nhiên, luật sư Lê Trung Phát cũng khuyên: "Trước khi thực hiện thủ tục pháp lý như đã tư vấn, tôi vẫn khuyên chị Trang gặp mẹ và những người thân để tác động mẹ đồng ý nhận chị là con mà không phải thực hiện các thủ tục pháp lý. Chỉ khi nào sự đồng thuận không có, thì mới tính đến việc tiến hành thủ tục pháp lý. Vì lúc đó sẽ tốn nhiều thời gian cho việc này, chúc chị thành công để sớm đoàn tụ mẹ con".
Bình luận (0)