Người con dành cuộc đời đi chuộc những căn nhà bí mật Sài Gòn

15/05/2018 09:33 GMT+7

Có những căn nhà ở TP.HCM mang đầy dấu ấn lịch sử của lực lượng Biệt động Sài Gòn, đang được con trai của chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai dành cuộc đời mình chuộc lại.

Suốt mấy chục năm qua, ông Trần Vũ Bình, Phó Chánh Văn phòng - Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan VKSND Tối cao tại TP.HCM, con trai của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (tức Năm Lai, Mai Hồng Quế, Năm U.SOM,…) vẫn miệt mài làm một công việc “lạ lùng”: chuộc lại các căn nhà mang vết tích của cha, của lực lượng Biệt động Sài Gòn “huyền thoại”.
VIDEO: Người con trai dành cả đời để đi chuộc những căn nhà bí mật ở TP.HCM
Căn hầm rộng trên tầng áp mái căn nhà từng là nơi trú ẩn của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn. 
Những căn hầm trong nhà không ai biết
Khoảng năm 1963 - 1968, dưới danh nghĩa nhà thầu khoán Phủ Đầu Rồng Mai Hồng Quế, ông Năm Lai đã xây dựng trên 20 căn nhà bình phong, có hầm trú ém quân và cất giấu hàng tấn vũ khí ở Sài Gòn.
Sau hơn 50 năm, đặc biệt từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 làm rúng động chính quyền Sài Gòn của Đội 5 Biệt động “xuất quỷ nhập thần”, các căn nhà đặc biệt này đã chịu nhiều sự tàn phá của địch, cũng như dần thay tên đổi chủ.
“Hầm trong hầm” cực kì độc đáo và bí mật.
“Có căn vẫn là nơi ở của các cộng sự ngày xưa của ba tôi, nhưng có căn đã đổi chủ và bị sửa sang nhiều. Rất may là ý tưởng này hình thành trong đầu mình từ sớm, để mình có ý thức tìm cách giữ lại, chứ không thể nào đùng một cái lấy được căn nhà nguyên vẹn sau mấy chục năm cả”, ông Bình chia sẻ.
Theo ông, một điều đặc biệt của các căn nhà ông thầu khoán Năm Lai xây dựng, đó là luôn luôn có 2 mặt tiền trở lên, nhằm mục đích cảnh giới và thoát thân khi “có động”. Bên cạnh đó là hệ thống hầm ngầm - nổi cực kì độc đáo và bí mật. 
Hầm ngầm dưới lòng đất thông lên đến nóc nhà để thoát thân khi “có động”.
Ông kể một câu chuyện thú vị về căn nhà 287/72 đường Phan Đình Phùng, nay là đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3) vừa chuộc được sau mười mấy năm ròng: “Trong thời gian tôi đến thuyết phục, cũng là lúc chủ nhà mới vì nợ nần nên vướng vào giang hồ. Tôi không chỉ phải làm việc với chủ nhà mà còn với cả những tay anh chị ấy. Mãi cho đến khi tôi xác định trong nhà có nhiều căn hầm và chỉ đúng từng vị trí khui nắp lên, họ mới sửng sốt và chấp nhận bàn giao”.
Hay như Hộp thư bí mật và hầm nổi dưới bình phong cơm tấm Đại Hàn số 113A Đặng Dung, phường Tân Định, Q.1. Dù đã tìm hiểu được ít nhiều về hệ thống ẩn náu bí mật, nhưng ngày khui hầm, chính ông cũng ngạc nhiên với những “phát minh” độc nhất của người lính biệt động: Chiếc cột nhà thực ra là vật ngụy trang cho 1 hộp thư chìm. Tầng áp mái là hầm nổi trú ẩn. Kẹp giữa tường 2 căn nhà là hộp thư nổi. Chiếc tủ gỗ ở góc phòng là một lối thoát hiểm.
Căn nhà của ông bà Dương Văn Ten - Đỗ Thị Tựa tại ấp Thái, xã Thái Mỹ, Củ Chi. Đây được xem là mắt xích quan trọng trong đường dây trung chuyển vũ khí từ căn cứ vào nội thành Sài Gòn.
Phải nhớ câu chuyện người ta đi đâu, ở đâu
Ông Bình cho biết, hành trình chuộc và phục dựng di tích không phải chuyện ngày một, ngày hai.

“Thứ nhất kinh phí mình không cho phép. Thứ hai, nhiều chủ nhà suốt hàng chục năm vẫn không cách nào thương lượng được. Thứ ba, phải cố gắng làm sao để họ giữ nguyên bản từng chiếc cột nhà, căn hầm, từng viên ngói, cánh cửa, vì tất cả đều mang dấu ấn của cha tôi, của Đội 5 Biệt động bấy giờ”, ông trải lòng.
Như căn nhà số 592B Võ Di Nguy, Q.Phú Nhuận (sau là 720 Võ Di Nguy, nay là 752A Nguyễn Kiệm), đã hơn chục năm qua ông Bình và mẹ đến thuyết phục nhưng không thành.
Đây là nơi bảo quản 2 chiếc xe ôtô EC-6045 và NCE-345 chở vũ khí và quân ta đi đánh Dinh Độc Lập năm 1968, cũng là nơi cứu thoát 2 đồng chí thuộc đơn vị tấn công Bộ Tổng Tham mưu ngụy đêm mồng 4 Tết Mậu Thân lúc bị địch phát hiện đuổi bắt. 
Chiến sĩ Biệt động Phan Văn Hôn (quân phục) và bà Dương Thị Phiên – giao liên trinh sát năm xưa (thứ hai từ phải sang) thăm lại căn nhà từng che chở nhiều người chỉ huy và các chiến sĩ Biệt động.
Nhưng dù thế nào, một trong những vấn đề con trai ông Năm Lai đặt lên hàng đầu, đó là câu chuyện “họ sẽ đi đâu, ở đâu”. Những căn nhà nhiều con cháu, ông Bình đều sắp xếp chu toàn cho từng người trong nhà, bằng những căn nhà mới cạnh bên hoặc gần đó. Ông lo lắng cả công việc ổn định, thậm chí mở tài khoản tiết kiệm cho các thành viên trong gia đình để ổn định cuộc sống.
“Bình phong cơm tấm Đại Hàn có đến gần chục con cháu, mình cũng phải lo cuộc sống mới cho từng người. Vậy mà đâu phải ai cũng đồng thuận, họ nghĩ mình mua bán kiếm lời hoặc xây dựng công trình, nên phải thuyết phục dần cho họ hiểu mục đích lịch sử. Dù sao cũng vậy, không thể vì bất cứ điều gì mà làm càn được, phải luôn nhớ câu chuyện người ta sẽ đi đâu, ở đâu”, ông Bình khẳng định.
Ông Vũ Bình và bà Hai Phiên ôn lại kỉ niệm những ngày máu lửa. Cạnh bên là chiếc tủ thờ từng là vật ngụy trang chở bom, súng cối vào Sài Gòn để bắn vào Tân Sơn Nhất cuối năm 1967.
Hành trình này xuất phát từ tình yêu thương với gia đình, với cha và những người lính kiên trung, khi ông Bình may mắn được sống cùng, được trực tiếp nghe những câu chuyện của họ.
Chiếc xe bò vận chuyển vũ khí năm xưa sắp được ông Bình phục dựng cùng căn nhà.
Không chỉ là các căn nhà, ông Bình còn dụng công tìm kiếm nhiều kỉ vật của cha và lực lượng Biệt động. Một trong số đó là chiếc xe mang biển số NCE - 345 của ông thầu khoán Năm Lai, được đặc cách đi lại tự do trong nội thành Sài Gòn. Chiếc xe từng chở vũ khí, chở Đội 5, chở cả lòng quyết tâm giải phóng dân tộc ấy lại… bị bán sắt vụn và phân tán ở nhiều nơi, cho đến khi được ông Bình kì công tìm kiếm và phục dựng.
Căn nhà này đã từng bị chính tay Mẹ Việt Nam anh hùng Đỗ Thị Tựa giật sập để cứu những lãnh đạo Biệt động. Bên dưới vẫn còn nguyên vẹn căn hầm từ chiếc giường ngủ ở góc phòng thông ra các con đường xung quanh.
Trên hành trình, ông Vũ Bình cùng mẹ cũng gặp lại rất nhiều cộng sự năm xưa của ông Năm Lai và giúp đỡ cho cuộc sống khó khăn của họ.
Di tích lịch sử Hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn là một căn nhà bình phong ông Bình chuộc và phục dựng trong 13 năm, vừa mở cửa tham quan.
Mong muốn của ông là hoàn thành việc phục dựng các di tích này và liên kết lại thành chuỗi, mở cửa 24/24 tham quan miễn phí, để mọi người thấy một lát cắt hào hùng của công cuộc cách mạng năm xưa.
Bên trong vẫn còn 3 căn hầm nguyên bản, 2 hộp thư bí mật cùng nhiều hiện vật chứng minh hoạt động của Biệt động Sài Gòn.
Hộp thư chìm nằm kín dưới chân cột nhà.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.