Bà Cầu ngồi trên chiếu xẩm trong lễ hội đường phố Hà Nội 2009 mừng đón Nữ hoàng Đan Mạch. Bà hát câu “tứ hải giao tình”, ngân nga. Bài ca dứt rồi mà phái đoàn nước bạn và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vẫn còn ngẩn ngơ ý muốn nghe tiếp. Bà kéo cây đàn nhị “í ò” một tiếng kèm theo câu: “Hết rồi”. Quan khách bật cười sảng khoái. Chất dân gian, trào phúng đã ăn vào máu của bà từ khi nào không biết. Dù đời bà, đời xẩm bao năm qua sao kể hết nỗi thăng trầm.
|
Bà tên thật là Hà Thị Năm, song mọi người gọi bà là Cầu theo tên của người con trai cả. Theo Hội Văn nghệ dân gian, bà Cầu sinh năm 1928, ở xã Yên Phong, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, trong một gia đình xẩm. Sau khi bố mất, năm 13 tuổi, bà Cầu và mẹ rong ruổi khắp đất Ninh Bình rồi gặp và đi hát cùng ông trùm xẩm Nguyễn Văn Mậu. Năm 16 tuổi, bà trở thành người vợ thứ 18 của ông. Năm bà 36 tuổi, ông mất. Những năm nghề xẩm bị cấm cách, bà Cầu chật vật tìm kế mưu sinh. Nhưng như chính xẩm, chất trào phúng cứ chảy mãi trong tim bà. Như xẩm, bà hát lên sự châm biếm cường điệu, chiều theo suy nghĩ thông tục mà gần gũi của dân gian.
Sự thông tục ấy, giọng châm biếm ấy của bà không chỉ từ giọng ca mà còn từ tiếng đàn. Cây đàn nhị cũng theo bà qua bao năm hết bị cấm rồi lại được hát, được tôn vinh, tình quyến luyến lắm. Có lần, người của viện nghiên cứu tới xin để đưa vào bảo tàng, bà cho. Nhưng rồi họ lại giữ làm của riêng, nên sau đó có người giúp bà đòi lại. Cũng có lúc bà đã cho học trò, rồi lại lấy về. Lúc cuối đời, bà muốn khi mình về với ông trùm xẩm thì cây đàn đó được để trên bàn thờ. Dù ở bên kia, lòng bà vẫn muốn ca lên những lời hát dân gian vẫn hằng chảy trong tim.
Bà Cầu ốm từ trước tết. Nhưng Tết Quý Tỵ vừa rồi, bà lại hồi người, nói chuyện được. Khi nghe thấy mấy đoạn Xẩm thập ân phát ra từ điện thoại, bà như bừng tỉnh. Ngâm nga câu hát. Vậy mà giờ người của xẩm ấy đã đi.
Trần Bích
>> Nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu qua đời
>> Người hát xẩm cuối cùng dừng bước giang hồ
Bình luận (0)