Giáo hội Công giáo dạy rằng, bí tích giải tội là dấu chỉ Chúa Giêsu thiết lập để tha tội ta đã phạm cùng giao hòa với Thiên Chúa và mọi người. Trước Lễ Phục sinh nhiều người đã suy xét bản thân trước khi đến nhà thờ xưng tội với linh mục.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, 17 giờ ngày 17.3, tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn (Q.1, TP.HCM), nhiều người đứng xếp hàng chờ đến lượt xưng tội. Vị linh mục ngồi tòa, tòa được làm bằng gỗ. Tòa có một vách ngăn ở giữa, che thêm tấm vải để vị linh mục chỉ nghe được tiếng giáo dân, không cần nhìn thấy mặt. Người này xưng xong sẽ đến người khác, thời gian xưng của mỗi người khác nhau. Ai nấy đều xếp hàng trật tự, trang nghiêm.
Chị Hoàng Oanh (27 tuổi, ở Q.Tân Phú) đến Q.1 có việc nên đã ghé nhà thờ Đức Bà Sài Gòn tham dự thánh lễ Chúa nhật. Chị cho biết, với người Công giáo một năm xưng tội bao nhiêu lần là tùy thuộc vào bản thân nhưng ít nhất phải xưng tội 2 lần là trước Lễ Phục sinh và Lễ Giáng sinh. Vì đây là hai lễ lớn của người Công giáo. Việc xưng tội có ý nghĩa dọn sạch tâm hồn hoàn toàn để sẵn sàng đón những dịp lễ lớn.
"Trong cuộc sống, khi mình làm gì sai nhưng chưa xưng tội sẽ cảm thấy không được thoải mái. Mình thường xưng những tội như nói dối, lỡ miệng nói tục chửi thề. Tội của mọi người xưng không giống nhau nhưng ai nấy đều thấy nhẹ nhõm khi xưng với linh mục", chị Oanh bày tỏ.
Đến nhà thờ giáo xứ Thị Nghè (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) từ rất sớm, chị Trần Thị Quỳnh Trâm (23 tuổi) quỳ gối hồi lâu để xét mình và xếp hàng đến tòa giải tội.
Thời gian qua, dù khá bận rộn với công việc nhưng chị vẫn thu xếp để đến nhà thờ dọn mình đón đại lễ. Là người Công giáo nên việc xưng tội đối với chị không chỉ là một nghi thức mà còn là cách thú nhận tội lỗi và dọn dẹp tâm hồn đón Chúa phục sinh.
"Lễ Phục sinh là một dịp quan trọng với người Công giáo. Vào thời gian này, các thành viên trong gia đình sẽ cùng đi xưng tội, cầu nguyện ở nhà thờ", chị Trâm chia sẻ.
Trước khi xưng tội, giáo dân xét mình thật kỹ để sẵn sàng đối diện và xin Thiên Chúa tha thứ. Ngoài ra, mọi người phải xưng hết những tội mình đã phạm và sẽ nhận được lời khuyên cũng như việc làm để đền tội từ các linh mục.
Bà Nguyễn Thị Thúy Liễu (65 tuổi) đến nhà thờ sớm hơn giờ thánh lễ để xưng tội. 3 ngày này, nhà thờ đã tổ chức những buổi tĩnh tâm, bà luôn tham dự. Nhiều giáo dân khác cũng đến theo lịch đã được thông báo trước từ cha quản xứ.
Đến nhà thờ để xưng tội vào buổi chiều, chị Lê Mai Tú Quyên (29 tuổi) cũng tham dự thánh lễ sau đó. Với chị, Lễ Phục Sinh là một cột mốc để đánh dấu sự kiện Chúa sống lại cứu nhân loại và là lúc nghiệm lại bản thân trong thời gian qua.
"Ngoài việc đi xưng tội để chuẩn bị cho Lễ Phục Sinh, tôi còn giữ chay mỗi thứ sáu hằng tuần. Tuy bận bịu công việc, gia đình nhưng tôi luôn cố gắng để giữ chay để bản thân thấy nhẹ lòng" chị Quyên chia sẻ.
Bình luận (0)