NSƯT Phương Hảo hẹn gặp tôi tại trường Trung cấp Xiếc và tạp kỹ VN, nơi bà đang gắn bó với công việc dạy học. Dù không còn biểu diễn từ hàng chục năm nay, nhưng bà vẫn không thể dứt được nghề. Bà bảo tôi: “Chỉ có cuối tuần cô mới về nhà, còn ngày thường đều ở trường. Đang huấn luyện bầy khỉ cho đoàn xiếc Lào. Chăm sóc, dạy dỗ bọn chúng bận như chăm con mọn”. Tôi ngạc nhiên vì sao người phụ nữ nhẹ nhàng như bà lại chọn công việc gắn bó với những con thú, có khi là thú dữ. “Lúc đầu tưởng sẽ trở thành diễn viên uốn dẻo, nhưng thầy giáo nói trông dáng cô cao, có uy, có oai, hợp với xiếc thú. Thời đó, sống trong kỷ luật sắt, có sợ cũng phải làm theo sự phân công của nhà trường thôi”, bà kể.
Sơ sẩy là trả giá bằng mạng sống
Bà bắt đầu việc học bằng cách làm quen với hai con sư tử và hai con báo: “Lúc đầu, mình phải cho bọn thú ăn hằng ngày, để chúng quen hơi, mùi, gương mặt mình. Phải gọi tên, trò chuyện để chúng nhận ra tiếng nói của mình. Tới chục ngày sau, khi hai bên đã thân thiện, chúng không tỏ thái độ dọa nạt thì mới bắt đầu vào chuồng. Hồi đó còn quá trẻ nên chả thấy sợ gì”.
Nhưng càng gắn bó với công việc, bà càng hiểu rõ mình phải đối phó với nhiều nguy hiểm, bất trắc có thể xảy đến, đặc biệt là khi tiếp xúc với thú dữ. Bị thú cắn là chuyện cơm bữa. Lần bà bị nặng nhất là khi con gấu cắn vào chân, máu chảy rất nhiều, mãi mới cầm được. Tay bà thường xuyên phải đeo găng bảo hộ. “Dạy thú vừa phải hiểu, gần gũi với chúng nhưng không được để chúng nhờn. Phải tỏ rõ cái uy của người huấn luyện, nói là chúng phải nghe”, bà chia sẻ.
Năm 1973, bà được Nhà nước cử sang Đức du học. Bà là nghệ sĩ VN đầu tiên và duy nhất cho tới tận bây giờ được cử đi học tại Đức về chăm sóc, huấn luyện thú. Kể từ lúc đó, bà gắn bó với đàn sư tử bốn con. Bà đã có hàng trăm buổi biểu diễn xiếc sư tử thành công tại Đức. Ba năm sau, bà cùng đàn sư tử trở về, tiếp tục phục vụ công chúng trong nước. Nhưng đó là thời điểm đầy căng thẳng, mệt mỏi với bà. Đàn sư tử đến giai đoạn dậy thì, chúng thay đổi tâm sinh lý, căng thẳng thần kinh, trở nên vô cùng hung hãn, ánh mắt như thể luôn muốn tấn công, cắn người đối diện. “Đã có lúc, vừa hạ rèm sân khấu là tôi quỵ xuống, toàn cơ thể nhũn ra”, bà rùng mình nhắc lại.
Trên sân khấu, có những thủ pháp để con thú rống lên, lao về phía người huấn luyện khiến khán giả sợ, nhưng kỳ thực đó chỉ là trò đùa. Còn khi chúng thực sự trở nên nguy hiểm thì khán giả không thể biết. “Có lúc cả bốn con cùng lao vào tôi. Mình mà lùi lại là bị chúng tấn công ngay. Lúc đó, tôi phải xử trí thật nhanh, chân đạp cái ghế bay về phía chúng, hai tay cầm hai roi quất mạnh”, bà kể.
Người huấn luyện thú dũng cảm không thôi chưa đủ, mà phải có sự mưu trí, phải có tố chất để tồn tại |
||
NSƯT Phương Hảo |
||
Những đêm diễn không được thấy khán giả
Đến giờ bà vẫn nhớ như in những ngày tháng gian khổ trong thời kỳ Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc. Cả đoàn xiếc phải đi sơ tán. Thú cũng phải đi theo người. Vì điều kiện khó khăn nên chỉ có ô tô chở thú dữ, nghệ sĩ phải tự phi ngựa, còn voi thì được dắt bộ. Hồi đó khó khăn, thiếu thốn, đang trên đường đi, voi đói quá chén hết luôn gói cơm nắm của huấn luyện viên. Ở nơi sơ tán, không chỉ đào hầm trú ẩn cho người mà còn phải đào hầm cho thú.
Chiến tranh ác liệt là thế nhưng những đêm biểu diễn cho bà con, bộ đội xem vẫn đều đặn. Sân khấu có khi được đặt ngay trên ụ pháo. Còi báo động vang lên, mọi người chạy hết xuống hầm. Hết báo động, lại lên biểu diễn như bình thường. Mỗi lần diễn xiếc thú thì cả đoàn cùng nhau dựng những tấm ghi sắt quây lại cho thú và người biểu diễn bên trong. “Ghi sắt nặng là thế mà dựng một chốc là xong. Có lẽ vào thời điểm ấy, tinh thần con người đã tạo nên sức mạnh ghê gớm”, bà nói.
Bà vẫn nhớ, vào những năm 70, có những chuyến biểu diễn rất đặc biệt. Cả đoàn chỉ nhận được tin chuẩn bị đi diễn là nhanh chóng lên đường. “Tối đó, chúng tôi biểu diễn ở Đồ Sơn (Hải Phòng). Ánh đèn trên sân khấu sáng rõ, còn ở dưới không thể nhìn thấy mặt khán giả. Chúng tôi không ai được hay biết gì. Có người nói bác Đồng (Thủ tướng Phạm Văn Đồng) cũng tới. Biểu diễn xong, chúng tôi được yêu cầu trở về luôn”, bà kể. Mãi về sau này, qua cuốn sách của người bạn là nhà văn Tư Đương, bà mới biết đêm đó, đoàn đã được biểu diễn cho các chiến sĩ chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ trên tàu không số.
Với bà, công việc tuy cực khổ, nguy hiểm nhưng những kỷ niệm vô giá như vậy là niềm hạnh phúc. Chia tay tôi, bà vội tới ngay chuồng khỉ, xem bọn chúng đang làm gì, có con nào đói, con nào bị ốm không… Bà đã giúp tôi hiểu, huấn luyện thú là phải biết chăm lo, yêu thương chúng như một người mẹ.
Minh Ngọc
Bình luận (0)