Hướng về vùng dịch Hải Dương
Tỉnh Hải Dương thực hiện cách ly xã hội từ 0 giờ ngày 16.2, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19, nhiều loại nông sản của bà con nông dân như: su hào, bắp cải, cà rốt... đến thời điểm thu hoạch nhưng bị dồn ứ, không thể bán hay xuất khẩu ra nước ngoài, khiến người nông dân rơi vào cảnh khó khăn.
Ngày 24.2, tại số 370 đường 2 tháng 9 (Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) nhiều người đi đường nối đuôi nhau dừng xe trước tấm băng rôn treo bên lề đường “Hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con vùng dịch”, họ cùng nhau mua nông sản giúp đỡ nông dân tỉnh Hải Dương. Đây là số nông sản được nhóm thiện nguyện kết nối với nông dân tỉnh Hải Dương vận chuyển về TP.Đà Nẵng và TP.HCM để tiêu thụ giúp bà con vùng dịch.
|
|
|
Anh Trần Đình Quốc Khương (ngụ Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) - trưởng nhóm thiện nguyện cho biết, với tinh thần tương thân tương ái, nhóm thiện nguyện tại TP.Đà Nẵng và TP.HCM đã lên kế hoạch kết nối với nhóm thiện nguyện tại tỉnh Hải Dương để cùng nhau vận chuyển nông sản tiêu thụ giúp bà con vùng dịch.
“Thời điểm Đà Nẵng, Quảng Nam bùng phát dịch Covid-19, người dân gặp rất nhiều khó khăn, thấu hiểu được tình cảnh đó chúng tôi đã kêu gọi nhau cùng hướng về vùng dịch Hải Dương. Được sự hỗ trợ của nhà xe, họ lấy giá thấp hơn bình thường để vận chuyển tổng 35 tấn nông sản gồm su hào, bắp cải từ Hải Dương vào TP.Đà Nẵng và TP.HCM tiêu thụ giúp bà con”, anh Khương nói.
|
Vừa cân su hào bán cho người đi đường, anh Khương vừa chia sẻ, việc thu gom nông sản được các tình nguyện viên đầu cầu Chí Linh (tỉnh Hải Dương) đến từng nhà để thu mua. Tập hợp nông sản xong, lực lượng chức năng sẽ kiểm dịch, sát khuẩn theo quy định sau đó chở về đầu cầu thiện nguyện TP.Hà Nội. Tiếp theo là chặng Hà Nội- Đà Nẵng - TP.HCM. "Tại TP.Đà Nẵng có 9 điểm tiêu thụ nông sản vùng dịch, mỗi địa điểm sẽ có 4 bạn tình nguyện viên đứng bán, mỗi kg su hào, bắp cải có giá bán 4.000- 5.000 đồng/kg. Để tiện cho việc tiêu thu nông sản, chúng tôi có kết hợp với các bạn shiper có tấm lòng giúp đỡ bà con vùng dịch, họ ship hàng với phạm vi 6km chỉ có giá 10 nghìn đồng. Tất cả chung tay vì bà con vùng dịch”, anh Khương nói.
Điều chỉnh khẩu phần ăn vì chuyện nghĩa tình
Giữa những cơn gió xuân se lạnh thổi man mác, cùng chồng trên đường đi chợ về, bà Hồ Thị Thu Hà (64 tuổi, trú Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) cho biết, mặc dù thức ăn đã mua và treo trên xe nhưng bắt gặp điểm bán nông sản tiêu thụ giúp bà con vùng dịch bệnh, bà Hà cùng chồng không suy nghĩ nhiều, dừng xe để mua nông sản. “Khó khăn mà bà con vùng dịch đang đối mặt mình đã trải qua dịch bệnh đều thấu hiểu, họ như anh em trong nhà mình, cùng nhau mua rau là hành động thiết thực nhất để giúp đỡ người dân”, bà Hà nói.
|
Bà Phan Thị Minh (61 tuổi, trú Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) cho biết, các con của bà thấy được thông tin chia sẻ trên mạng xã hội, mọi người hẹn nhau chiều ngày 24.2 sẽ đến nhiều địa điểm để mua nông sản giúp đỡ bà con vùng dịch. “Con gái tôi đã điện thoại về để hối thúc tôi đi mua nông sản. Trước đây gia đình ít ăn su hào nhưng không sao, chúng tôi sẽ thay đổi khẩu phần ăn để tiêu thu nhiều rau nhất có thể. Tinh thần người Việt Nam phải đoàn kết giữa lúc dịch bệnh, ăn uống là việc nhỏ”, bà Minh cười nói.
Trước hình ảnh người đi đường nối đuôi nhau dừng xe mua nông sản, tinh thần “lá lành đùm lá rách” của người Đà Nẵng lại một lần nữa được tỏa sáng. Đứng chờ vợ mua nông sản, ông Đinh Sỹ Thuần (trú Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) vui mừng cho biết, giữa lúc “giặc Covid-19” hoành hành thì tinh thần đoàn kết của người dân Việt Nam trở thành một sức mạnh, cả đất nước đồng lòng thì khó khăn nào cũng sẽ vượt qua. “Hồi năm ngoái, những chuyến xe chở đầy ắp hàng từ mọi miền hướng về Đà Nẵng, đồng hành cùng thành phố biển vượt qua những ngày đóng cửa, đó là tình cảm thiêng liêng. Giờ đây các bạn trẻ giúp đỡ lạ bà con mình ở khu vực có dịch, việc làm hết sức ý nghĩa”, ông Sỹ bày tỏ.
|
|
|
Theo anh Trần Đình Quốc Khương, anh và các tình nguyện viên đều có kinh nghiệm giải cứu hàng trăm tấn dưa cho bà con tỉnh Tây Nguyên hay đu đủ cho nông dân Quảng Nam, nên việc bán hàng chất lượng, giá thành phải chăng với mục địch vì bà con đã được người dân khắp nơi ủng hộ.
"Việc bán trực tiếp cho người đi đường cùng nhiều đơn đặt hàng online đã giúp nông sản nhập về tiêu thụ rất nhanh. Đến nay khó khăn gặp phải là việc vận chuyển nông sản từ Hải Dương đi các tỉnh, chúng tôi sẽ cố gắng để có thể tiêu thụ được nhiều nông sản nhất có thể…”, anh Khương nói.
Bình luận (0)