Trong số họ, có một ít may mắn được sang Nhật cùng chồng và các con, còn lại, đành mất phần lớn cuộc đời sống trong cảnh chờ đợi, nhớ thương.
Tôi biết đến câu chuyện của một gia đình Việt Nam - Nhật Bản từ một bài báo quốc tế. Người phụ nữ tên Phạm Thị Nguyệt, gốc Nam Định, định cư ở Thái Nguyên, lấy người đàn ông Nhật Bản tên Motoyama Kyuzou, tên Việt Nam là Hoàng Văn Hạc.
Họ có 5 người con. Năm 1960, ông Hạc trở về Nhật, được phép mang theo vợ con nhưng hoàn cảnh buộc phải để lại một người con trai cả tên Hoàng Xuân Nam ở lại trông bà ngoại (mẹ đẻ của bà Nguyệt). Gia đình chia ly đôi ngả. Chỉ đến năm 1995, ông Nam mới được lần đầu tiên trở về Nhật để gặp lại bố mẹ và các em ruột của mình sau 35 năm chia cách. Họ chỉ biết ôm nhau khóc, bất đồng ngôn ngữ đã trở thành bức tường quá lớn khiến anh em ruột không thể hiểu nhau tiếng nói.
Bài báo từ hãng thông tấn nước ngoài ấy không nhắc đến địa chỉ của những người còn ở lại Việt Nam, chỉ nhắc đến con gái ông Hoàng Xuân Nam tên Hoàng Thị Thanh Hoài đang làm việc tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản tại Hà Nội. Ơn trời, dù sao đó cũng là sợi chỉ đỏ mong manh cho tôi tìm ra những nhân vật trong câu chuyện của một thời.
tin liên quan
Những mối tình Việt - Nhật - Kỳ 4: Những cuộc hạnh ngộ đầy nước mắtTrong số những người phụ nữ Việt Nam lấy chồng Nhật Bản năm 1945, bà Phạm Thị Nguyệt (sinh năm 1928, quê gốc ở Nam Định, tản cư lên Thái Nguyên) may mắn hơn vì được sang Nhật cùng chồng và các con năm 1960.
Tôi tìm đến bệnh viện nằm bên hồ Trúc Bạch kia vào một buổi chiều, hỏi lễ tân cô gái tên Hoàng Thị Thanh Hoài. Nhiều người lắc đầu, nói rằng chị Hoài là nhân viên cố vấn, họ không có số liên lạc. Một cô gái khác chạy lại, hỏi tôi tìm Hoài có việc gì, tôi nói, mình đang... đi tìm người thân ở Thái Nguyên, cô gái đi ra ngoài một lát, sau đó đưa tôi mảnh giấy ghi 10 con số. Tôi hồi hộp bấm máy và chờ đợi. Thật bất ngờ, đầu dây bên kia là một tiếng reo.
Chị Hoài từng tiếp xúc với các phóng viên hãng thông tấn AP, Reuters, AFP, NHK, Asahi để chia sẻ câu chuyện của ông bà mình. Biết tôi là phóng viên báo Thanh Niên, chị mừng rỡ: Em là phóng viên tờ báo Việt Nam đầu tiên chị chia sẻ!
Chị Hoài dành cho chúng tôi một buổi sáng để ôn lại chuyện xưa. Những kỷ niệm ấu thơ về ông nội người Nhật, những lần ông về Việt Nam thăm con cháu, những bài dân ca Nhật ông thường hát cho các cháu nghe, câu ông thường nói với các cháu: “Dù thế nào, trong tim ông, Việt Nam luôn là quê hương”. Những xúc động nghẹn ngào được nói ra, trong đôi mắt long lanh của người phụ nữ 43 tuổi.
|
Từ nỗi đau khi chứng kiến bố mình và các cô chú ruột không hiểu tiếng nói của nhau, chị Hoài quyết tâm học tiếng Nhật và học rất giỏi. Chị tốt nghiệp loại khá giỏi Đại học Hà Nội khoa tiếng Nhật. Vượt qua mục tiêu ban đầu là kết nối các thành viên trong gia đình với nhau, tiếng Nhật cũng là cơ duyên để chị trở thành người đại diện của Tổ chức chống mù loà châu Á Nhật Bản tại Hà Nội và chuyên gia cố vấn cho Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản.
Từ cô gái nhân hậu Hoàng Thị Thanh Hoài, chúng tôi được kết nối với những số phận ngang trái khác, sau những cuộc hôn nhân năm 1945 cùng người Nhật.
Đó là hai chị em ruột bà Nguyễn Thị Hảo 93 tuổi, Nguyễn Thị Mỹ 82 tuổi cùng lấy chung một người chồng Nhật. Sau năm 1960, chỉ bà Hảo được về Nhật cùng chồng và 5 người con. Bà Mỹ và 2 con ở lại, nhớ thương chồng, chị và các cháu quay quắt.
|
Đó là bà Lương Thị Nhàn (tên thường gọi là Lộc), năm nay 93 tuổi, đang sinh sống ở khu tập thể Bộ Tài chính, Hà Nội, lấy chồng là ông Takazawa Tamiya, tên Việt Nam là ông Cao Thành Phương. Họ ly biệt năm 1954, lời ông nói với người vợ Việt Nam trước lúc ra đi là “Tôi phải về vì một tương lai Việt - Nhật”. Họ mất liên lạc cho đến vài chục năm sau. Năm 1992, tưởng chồng về Việt Nam định cư, bà khấp khởi mừng thầm thì đến năm 1993, ông Phương bị bạo bệnh rồi chết bên nước Nhật.
Điều gì ám ảnh tôi nhất sau những cuộc gặp gỡ những phụ nữ Việt Nam dũng cảm, hi sinh cả phần lớn cuộc đời để yêu thương, chờ đợi người chồng cách xa vạn dặm? Có lẽ là bài hát đợi chồng bằng tiếng Nhật sầu thảm mà bà Nguyễn Thị Xuân, 94 tuổi, đang sinh sống ở thôn Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội hát đợi chồng suốt 52 năm.
“Ngồi buồn em trông xa xa. Mong ngóng anh về cùng em. Một mình em đây cô đơn. Mong sao ngày mai có tin anh về…”.
tin liên quan
Những mối tình Việt - Nhật - Kỳ 3: Khúc ca đợi chồng“Ngồi buồn em trông xa xa. Mong ngóng anh về cùng em. Một mình em đây cô đơn. Mong sao ngày mai có tin anh về…”.
Chồng bà Xuân tên Nhật Bản là Shimizu Yoshiharu, tên Việt Nam là Nguyễn Văn Đức. Họ kết hôn năm 1945. Năm 1954, khi đang có 2 người con và mang thai người con thứ 3 trong bụng, chồng bà Xuân về nước không một lời giã biệt, ông chỉ nói: “Tôi đi lần này lâu nhất là 5 tháng, nếu không trở lại, Xuân cố lo cho các con, đừng để chúng thất học”. Và rồi, ông đi, biền biệt những 52 năm. Năm 2006, lần đầu ông trở lại Việt Nam khi đã ngồi trên xe lăn, bên cạnh là một người vợ Nhật.
“Tôi cảm phục bà Xuân. Bà ấy không khóc khi gặp lại ông Đức. Có lẽ bà chẳng còn nước mắt để khóc. Bà ấy vẫn đứng vững khi thấy ông trên xe lăn còn bên cạnh là người đàn bà khác. Bà nắm tay ông, hỏi ông có khoẻ không. Nếu tôi trong hoàn cảnh ấy, có lẽ tôi đã ngã gục”, chị Hoàng Thị Thanh Hoài nói với chúng tôi về bà Xuân, mắt rưng rưng.
Phụ nữ Việt Nam bao giờ cũng giàu đức hi sinh, lòng bao dung. Dù hôm qua, ngày mai, hay ngày hôm qua...
Bình luận (0)