Người dân bức xúc về khoảng lùi

07/06/2023 06:33 GMT+7

Quyết định số 56 về quy chế quản lý kiến trúc ban hành từ giữa năm 2022 tại TP.HCM khiến nhiều người bức xúc vì bị thiệt hại.

Xây mới, sửa nhà bị "mất đất"

Chị Hà, nhà ở P.Tam Bình (TP.Thủ Đức), có miếng đất diện tích 50,6 m2, trong đó chiều dài 10 m. Khi chị đi xin phép xây dựng, chính quyền yêu cầu phải lùi đằng sau 1 m và chừa phía trước 2,4 m, nên chiều dài căn nhà chỉ còn 6,6 m. Không những vậy, đất của chị chỉ được phép xây dựng 1 trệt 1 lầu, trong khi những miếng đất cạnh bên xây dựng được 1 trệt 3 lầu và được xây hết đất. "Gia đình tôi đã thuê thiết kế xong hết rồi, nhưng giờ phải đi thuê nhà ở, vì nếu xây nhà với chiều dài chỉ còn 6,6 m thì không thể bố trí được phòng ở cho 2 vợ chồng và 2 đứa con", chị Hà bức xúc.

Người dân bức xúc về khoảng lùi  - Ảnh 1.

Khu đất nhà chị Hà (ở giữa) “bỏ hoang” vì khoảng lùi và hệ số sử dụng đất quá thấp so với nhà hai bên đã xây trước đây

ĐÌNH SƠN

Anh Tân, nhà ở P.Phú Hữu (TP.Thủ Đức), cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi có miếng đất nằm ở một ngã ba đường thuộc khu dân cư, với chiều ngang 4 m, dài 15 m, đường trước mặt 8 m, bên hông là 7 m. Khi đi xin phép xây dựng, anh được yêu cầu phải lùi đằng trước 2,4 m, lùi sau 1 m và lùi cả bên hông. Đáng nói, khu vực này các hộ dân khác đều xây dựng hết đất, chỉ những căn mới xin phép xây dựng phải chừa vào như vậy. 

"Việc lùi vào sẽ làm xấu cả khu vực vì căn thò ra, căn thụt vào và không đủ diện tích sử dụng cho gia đình", anh Tân nói. Một điều khiến anh vô cùng bức xúc là hệ số sử dụng đất ở khu vực này rất thấp, không đủ chỗ ở cho gia đình 3 thế hệ nhà anh sinh sống. "TP.Thủ Đức là vùng ven, không phải trung tâm đông đúc gì mà cơ quan nhà nước ép hệ số sử dụng đất thấp. Điều này càng làm cho việc xây dựng thêm phức tạp, nhiều tiêu cực phát sinh từ đó. Mấy vấn đề này người dân kêu nhiều mà sao cơ quan nhà nước không tháo gỡ cho dân đỡ khổ?", anh Tân nói.

Tại H.Nhà Bè, anh Lê Đình An cho biết cũng mệt mỏi với những bất cập về khoảng lùi vô lý áp dụng cho khu dân cư người dân đã sinh sống ổn định. Thế nhưng khi có nhu cầu xin sửa chữa, xây dựng lại thì không thể làm được vì đất của anh phải lùi trước, lùi sau, nằm lọt thỏm ở giữa so với hai nhà liền kề đã xây dựng trước đó không phải lùi.

CHỈ NÊN ÁP DỤNG CHO KHU DÂN CƯ MỚI

Theo quy định tại Quyết định 56, đối với miếng đất có diện tích lớn hơn 50 m², trường hợp chiều sâu lớn hơn 16 m, công trình phải bố trí khoảng lùi so với ranh đất sau tối thiểu 2 m; chiều sâu từ 9 - 16 m phải bố trí khoảng lùi so với ranh sau đất tối thiểu 1 m; trường hợp chiều sâu dưới 9 m thì khuyến khích tạo khoảng trống phía sau nhà. Chưa kể ở những khu vực quy hoạch dân cư hiện hữu, hệ số sử dụng đất rất nhỏ, thậm chí có nơi chỉ có 1 - 1,2 lần. Điều này dẫn đến diện tích xây dựng còn lại quá nhỏ, chưa kể một số nơi khống chế chiều cao công trình lại càng làm khó cho người dân. Đặc biệt, một số trường hợp lô đất nằm ở góc bị lùi trước, lùi bên hông, lùi sau thì gần như không thể xây dựng được.

Trao đổi với Thanh Niên, bà Mai Thanh Nga, Phó phòng quản lý đô thị (TP.Thủ Đức), cho biết hiện nay việc áp dụng khoảng lùi ở TP.Thủ Đức rất khó khăn do sáp nhập từ 3 quận lại. Trước đây quy định khoảng lùi ở 3 nơi này khác nhau theo lộ giới, chỉ giới xây dựng, tiêu chuẩn nhà liên kế. Nhưng nay theo Quyết định 56 thống nhất theo một cách nên có độ "vênh", khiến người dân bức xúc. TP.Thủ Đức cũng đã họp và báo cáo với Sở Quy hoạch - Kiến trúc nhưng chưa được trả lời. Hiện lãnh đạo TP.Thủ Đức đã họp và thống nhất theo hướng cấp phép xây dựng đối với khu phố nào thì xem xét tổng thể để cấp phép cho phù hợp với khu phố đó. Nếu các khu phố, con đường trước đây không lùi thì nay khi cấp phép theo Quyết định 56 sẽ không lùi cho phù hợp. Còn nếu lùi sẽ lùi bằng với những căn trước đó đã xây.

"Chúng tôi rất mong Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM có văn bản hướng dẫn điều chỉnh sớm, hợp lý để người dân có nhu cầu xây dựng được thuận lợi bởi hiện nay lùi trước lùi sau quá nhiều và hệ số xây dựng quá thấp khiến người dân có đất cũng không dám xây nhà".


Anh Lê Đình An (người dân ở H.Nhà Bè, TP.HCM)

"Làm theo Quyết định 56 thì cắt đất của người dân nhiều quá nên có nhiều bất cập và bị người dân phản ứng. Trước đây cấp phép chiều cao xây dựng theo lộ giới, nhưng nay theo hệ số nên có những con đường cấp phép chiều cao trước đây 7 tầng thì nay còn 2 - 3 tầng. Quy định về hệ số, tầng cao, khoảng lùi để đảm bảo thông thoáng nhưng người xây dựng sau phản ứng vì thiệt thòi hơn so với quy định trước. Sắp tới TP.Thủ Đức sẽ cho rà soát lại các khu phân lô trước đây chưa có quy định quản lý kiến trúc về khoảng lùi, chiều cao, hệ số. Khi khảo sát rồi sẽ căn cứ vào pháp lý để phục vụ công tác cấp phép, từ đó sẽ phù hợp hơn", bà Nga nói.

Một lãnh đạo H.Nhà Bè cho biết khi Quyết định 56 ra đời, các địa phương đều phản ứng và mỗi nơi hiểu mỗi kiểu, từ đó cũng áp dụng khác nhau. Nhiều nơi không có đồ án quy hoạch 1/2.000 hoặc đồ án cũ chưa cập nhật hệ số sử dụng đất nên không biết hệ số tính như thế nào, hoặc hệ số thấp nên xây chỉ được 2 - 3 tầng. Đặc biệt, những nhà có đất ở mặt tiền đường lớn hiện được phép xây dựng thấp hơn nhiều so với trước nên người dân phản ứng. Các địa phương cũng muốn tháo gỡ cho người dân, nhưng sợ bị tuýt còi nên mọi việc vẫn đình đốn. 

"Theo tôi, tùy vào tình hình thực tế sẽ đưa ra khoảng lùi cho phù hợp vì nhiều lô đất còn ngắn quá. Cái gì có lợi cho người dân thì nên làm. Sở Quy hoạch - Kiến trúc và UBND TP.HCM cũng nên họp và đánh giá lại Quyết định 56, cái nào chưa phù hợp cần phải sửa để có lợi cho dân. Những khu dân cư mới có thể áp dụng được, nhưng các khu dân cư hiện hữu áp dụng rất khó, cần phải sửa lại", vị này cho hay. 

CHUYỂN ĐỘNG KINH TẾ ngày 7.6: Việt Nam vào nhóm giàu nhất châu Á | Apple ra mắt sản phẩm hoàn toàn mới

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.