Người dân Cà Mau ra, vào tỉnh cần lưu ý những gì?

05/10/2021 17:08 GMT+7

Cà Mau yêu cầu cán bộ và các tổ chức, cá nhân... đi công tác hoặc người dân có việc riêng phải ra khỏi tỉnh, trở về thì phải có đơn đề nghị của thủ trưởng đơn vị hoặc UBND cấp xã.

Trong những ngày qua, người dân từ các tỉnh, thành về địa phương rất lớn, tỉnh Cà Mau đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm kiểm soát người dân ra, vào tỉnh.

Cà Mau người dân gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy đi đường điện tử sử dụng mã nhận diện QRCode qua Zalo

gia bách

Hiện nay, tình hình dịch bệnh ở Cà Mau vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng cao, đã xuất hiện các ổ dịch mới tại cộng đồng. Do đó, tỉnh đang tập trung tối đa nhân lực, tận dụng toàn bộ cơ sở vật chất các khu cách ly tập trung, các trường học trên toàn địa bàn để sắp xếp, bố trí nơi tiếp nhận, phân loại, cách ly, chăm sóc y tế và cung cấp, đảm bảo các nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân.

Ngày 5.10: Cả nước 4.363 ca Covid-19, 25.573 ca khỏi | TP.HCM 1.491 ca

Chăm lo, bảo vệ an toàn nhất cho người dân trở về địa phương

Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh Cà Mau, cho biết: " Khi bà con về đến Cà Mau được đưa vào các trường học tại TP.Cà Mau để phân ra từng huyện; sau đó các huyện cử cảnh sát lên đón về. Khi về đến huyện tiếp tục đưa vào các trường học phân loại, ai tiêm vắc xin mũi 1, mũi 2 và loại vắc xin mũi 1 để sau đó tỉnh báo lượng vắc xin để tiêm đủ mũi cho bà con".

Ông Hải cũng cho biết, đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương bổ sung thêm các khu cách ly tập trung mới, đảm bảo các điều kiện cần thiết của khu cách ly tập trung để tiếp nhận người ngoài tỉnh trở về cách ly theo quy định; hỗ trợ kịp thời cho những người về được cho phép cách ly tại gia đình/cách ly hộ gia đình về y tế, an sinh xã hội, tuyệt đối không để người dân thiếu đói.

Trước khi đưa về, các địa phương cần phân loại nguy cơ đối với những người cách ly để bố trí phòng cách ly hợp lý, đúng quy định. Đối với người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin; người đã tiêm 1 liều vắc xin nhưng đến từ vùng không có dịch được xét nghiệm có kết quả âm tính bằng PCR và người đã cách ly y tế tập trung đủ 7 ngày được xét nghiệm 2 lần có kết quả âm tính bằng PCR thực hiện bàn giao về địa phương cách ly y tế tại nhà nếu đủ điều kiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định (trường hợp không đủ điều kiện về cơ sở vật chất thì thực hiện cách ly người đó tại hộ gia đình và cách ly y tế cả hộ).

Thủ tục đi ra đường (đối với đi lại trong tỉnh)

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc xin cấp, gia hạn “giấy đi đường” nhận diện bằng mã QRCode, tỉnh Cà Mau áp dụng 2 hình thức nộp hồ sơ trực tiếp và trực tuyến. Triển khai cấp giấy đi đường bằng nhận diện qua mã QRCode cho người đi ra đường, đối với các hồ sơ xin cấp mới hoặc gia hạn giấy đã cấp, kể từ ngày 1.9. Giấy đi đường đã cấp, còn thời hạn được tiếp tục sử dụng; doanh nghiệp, người dân chưa đủ điều kiện thực hiện thủ tục trực tuyến, tiếp tục thực hiện trực tiếp như trước đây.

Việc cấp giấy đi đường được thực hiện theo quy trình giải quyết thủ tục hành chính được niêm yết công khai tại Cổng dịch vụ công tỉnh Cà Mau theo hình thức trực tuyến (tại địa chỉ: http://dichvucong.camau.gov.vn) qua 3 cách cụ thể: Cách 1: Tổ chức, cá nhân đăng nhập vào Cổng Dịch vụ công tỉnh Cà Mau lựa chọn thủ tục “Cấp giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội”, điền thông tin vào mẫu đơn, mẫu tờ khai, đính kèm theo các giấy tờ có liên quan để thực hiện. Cách 2: Sử dụng ứng dụng Dịch vụ công Cà Mau trên CH Play hoặc App Store và làm theo hướng dẫn. Cách 3: Tổ chức, cá nhân tự viết mẫu đơn, chụp hình lại, sau đó vào ứng dụng Zalo kết nối với địa chỉ “Dịch vụ công trực tuyến Cà Mau” gửi toàn bộ hồ sơ và nhập tin nhắn “Đề nghị cấp giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội” chuyển đến Trung tâm giải quyết thủ tục hành chính tỉnh để hỗ trợ xử lý.

Thành phần hồ sơ gồm: Đơn đề nghị cấp theo mẫu; bản chụp chứng minh nhân dân (hoặc căn cước công dân); phiếu xét nghiệm âm tính với Covid-19 (đối với người thuộc đối tượng bắt buộc xét nghiệm). Khi được cấp mã QRCode, người đi đường phải mang theo giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 còn giá trị trong 3 ngày. Đối với người thuộc đối tượng cấp giấy có thời hạn (phải xét nghiệm định kỳ), khi đề nghị gia hạn, chỉ cần nộp phiếu xét nghiệm âm tính và giấy đi đường đã cấp trước đó. Thời gian giải quyết thủ tục trong 4 giờ làm việc, kể từ khi tiếp nhận đủ hồ sơ hợp lệ (kể cả thời gian xử lý liên thông từ tỉnh đến huyện, xã).

Kết quả được trả bằng giấy điện tử (mã QRCode) qua các thiết bị thông minh (điện thoại, máy tính bảng...) trên ứng dụng Zalo (trường hợp chưa có thiết bị thông minh người dân được cấp bằng giấy theo mẫu). Để kiểm tra giấy điện tử, lực lượng chức năng sử dụng điện thoại thông minh quét mã QRCode đã cấp cho người đi đường. Thủ trưởng các sở ngành, địa phương, đơn vị liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các chốt, trạm kiểm soát bổ sung biện pháp kiểm soát giấy đi đường qua sử dụng mã QR-Code theo nội dung văn bản này.

Người dân TP.HCM 'kẹt' ở các tỉnh cần làm gì để được trở về

Đối với trường hợp đi ra khỏi tỉnh

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau thống nhất việc di chuyển ra khỏi tỉnh đối với các trường hợp là người dân, người lao động, học sinh, sinh viên, các chuyên gia..., do giãn cách xã hội phải ở lại tỉnh nhưng nay có nhu cầu về lại nơi cư trú hoặc đến các tỉnh, thành phố khác để nhập học, lao động, công tác và không quay trở lại tỉnh Cà Mau. Các trường hợp trên khi có nhu cầu ra khỏi tỉnh Cà Mau, không phải làm thủ tục xin cấp giấy đi đường như quy định trước đây.

Nếu trường hợp địa phương nơi đến yêu cầu phải có văn bản cho phép của UBND tỉnh thì công dân liên hệ với Văn phòng UBND tỉnh qua số điện thoại 0946.245.248 để được hướng dẫn cụ thể. Tất cả các công dân di chuyển ra khỏi tỉnh phải cam kết di chuyển đúng lộ trình, địa điểm và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của các tỉnh, thành phố (nơi công dân đến) có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 bằng hình thức test nhanh hoặc xét nghiệm PCR.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh và các tổ chức, cá nhân... do nhu cầu đi công tác hoặc có việc riêng phải ra khỏi tỉnh nhưng sau đó quay trở về thì phải có đơn đề nghị UBND cấp xã hoặc thủ trưởng đơn vị xác nhận gửi UBND tỉnh và phải được Chủ tịch UBND tỉnh cho phép; đồng thời có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 và phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.

Những trường hợp từ vùng có dịch ở mức nguy cơ cao, nguy cơ rất cao về tỉnh: Thực hiện cách ly tập trung hoặc cách ly tại khách sạn (theo yêu cầu) 14 ngày đối với người về từ các địa phương có dịch ở mức nguy cơ cao, nguy cơ rất cao (vùng cam, vùng đỏ) và sau khi hoàn thành cách ly tập trung trở về phải cách ly tại nhà thêm 14 ngày. Các trường hợp còn lại thực hiện cách ly tại nhà 28 ngày (cách ly cả hộ gia đình hoặc chỉ cách ly người trở về - tùy vào điều kiện nơi ở, do Chủ tịch UBND cấp xã xem xét, quyết định) đối với tất cả người về từ các vùng còn lại.

Hoạt động vận chuyển hàng hóa ra/vào tỉnh: Xe vận chuyển hàng hóa phải có giấy nhận diện (logo) mã QR-Code do cơ quan có thẩm quyền cấp; lái xe, người đi cùng khi qua chốt kiểm soát để vào tỉnh Cà Mau phải được test nhanh Covid-19 và phải có các loại giấy tờ như: Hóa đơn (phiếu xuất kho); giấy vận chuyển do đơn vị tự lập (trong đó, phải có các nội dung như biển số xe, tên lái xe và người đi cùng, ngày giờ xuất phát tại điểm đi, dự kiến ngày giờ xuống hàng tại điểm đến, ngày rời khỏi tỉnh Cà Mau, hành trình vận chuyển hàng hóa, khối lượng,…); giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 còn thời hạn; bản cam kết và nhật ký hành trình; giấy kiểm soát phương tiện.

Ngoài ra, để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ người dân di chuyển ra khỏi tỉnh đúng theo quy định, tỉnh Cà Mau thay đổi số điện thoại của Tổng đài Hành chính công bằng số: 19009496. Giao Giám đốc Trung tâm giải quyết thủ tục hành chính tỉnh điều phối, vận hành Tổng đài Hành chính công bảo đảm thông suốt, hiệu quả.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.