Người dân cần được tiếp cận thuốc mới nhanh nhất, giá phù hợp nhất

17/12/2024 12:46 GMT+7

30% người bệnh đang phải chi tiền túi khi khám chữa bệnh. Cùng với đảm bảo nguồn cung, giá thuốc phải được kiểm soát chặt với nguyên tắc người dân tiếp cận thuốc mới nhanh nhất, giá phù hợp nhất.

Thuốc phải đảm bảo chất lượng, giá hợp lý

"Kinh doanh dược không được vống lên, không đi lòng vòng. Kinh doanh cần hài hòa lợi ích doanh nghiệp (tăng trưởng); nhà nước (nguồn thuế) và người dân (tiếp cận với giá hợp lý). Vòng vo nâng giá rất nguy hiểm. Nếu không làm đến nơi đến chốn dễ vướng lao lý", Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cảnh báo tại Hội nghị giao ban công tác dược, mỹ phẩm do Bộ Y tế tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh hôm nay 17.12.

Người dân cần được tiếp cận thuốc mới nhanh nhất, giá phù hợp nhất- Ảnh 1.

Cùng với đảm bảo nguồn cung, Cục Quản lý dược tăng cường kiểm soát chất lượng thuốc

ẢNH: TUẤN MINH

Cùng với đảm bảo nguồn cung, ông Tuyên nhấn mạnh việc kiểm soát giá thuốc với nguyên tắc người dân tiếp cận thuốc mới nhanh nhất, giá phù hợp nhất, trong bối cảnh 30% người bệnh đang phải chi tiền túi khi khám chữa bệnh.

Theo ông Tuyên, luật Dược có hiệu lực từ 2025 quy định doanh nghiệp công bố giá dự kiến. Cục Quản lý dược hậu kiểm, nếu không hợp lý sẽ kiến nghị điều chỉnh; nếu không điều chỉnh sẽ chuyển sang cơ quan chức năng.

Không có thuốc, làm sao đấu thầu?

Người dân cần được tiếp cận thuốc mới nhanh nhất, giá phù hợp nhất- Ảnh 2.

Bộ Y tế tiếp tục triển khai các giải pháp để người dân được tiếp cận thuốc mới nhanh nhất, giá hợp lý

ẢNH: TUẤN MINH

Liên quan đến cung ứng thuốc điều trị, ông Tuyên lưu ý: "Thuốc không được lưu hành thì lấy đâu để đấu thầu?". Theo ông, đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính cấp số đăng ký thuốc và gia hạn số đăng ký thuốc là trọng tâm trong công tác quản lý dược.

Ông Tuyên nhìn nhận, khoảng 80 - 90% nguyên liệu sản xuất thuốc phải nhập khẩu, cơ chế còn bất cập, trong đó một số quy định Cục Quản lý dược, Cục Quản lý y, dược cổ truyền ban hành còn chưa đạt so với yêu cầu, có thể còn "dư" quy định, có nguy cơ là giấy phép con.

"Thủ tục hành chính về công tác dược, cấp hồ sơ đăng ký thuốc đã tăng đột biến. Trước năm 2020, mỗi năm Bộ Y tế cấp hơn 100 số đăng ký lưu hành thuốc, năm 2022 có 2.721 hồ sơ và 2023 cấp 4.592 hồ sơ. Riêng trong năm nay có gần 14.000 hồ sơ, chưa kể gia hạn trên 13.000 hồ sơ", ông Tuyên nêu.

Ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, cho rằng đảm bảo thuốc cho khám chữa bệnh phụ thuộc nguồn cung và liên quan thực thi đấu thầu tại các cơ sở y tế.

Trong đó, Cục Quản lý dược đã khắc phục các thủ tục, đảm bảo đầu vào. Trong nước thường xuyên có hơn 23.000 số đăng ký thuốc, đảm bảo nguồn cung.

Riêng năm 2024 đột biến về cấp số đăng ký với việc chuyển đổi số toàn diện, từ nộp hồ sơ, đến thẩm định, họp hội đồng phê duyệt cấp phép. Cục Quản lý dược phấn đấu cấp đúng hạn thời gian với các hồ sơ nộp từ 1.1.2024, đồng thời giải quyết tồn đọng hồ sơ cũ. Trong 2023, có 75% hồ sơ cấp đúng hạn. Từ 1.7.2024, toàn bộ thuốc sẽ cấp số đăng ký online.

Từ tháng 7.2023, các thủ tục cấp, gia hạn, thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc đã được triển khai thực hiện tiếp nhận, thẩm định và xử lý trên hệ thống trực tuyến.

Riêng 11 tháng năm 2024, số lượng thuốc (13.164 thuốc) được cấp giấy đăng ký lưu hành bằng tổng của 5 năm trước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.