Theo ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc VN (VEC), chủ đầu tư dự án, những hộ dân phản ứng không thuộc diện nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng mà thuộc đối tượng chịu ảnh hưởng bởi rung chấn do thi công đoạn tuyến trên. Trong tổng số 27 hộ đồng ý đo rung chấn để đền bù thiệt hại, mới có 14 hộ dân nhận tiền đền bù, 13 hộ còn lại không nhận do không đồng ý với mức đền bù. Chủ đầu tư dự án cho rằng việc đền bù thực hiện theo quy định chế độ chính sách, việc người dân không nhận đền bù có hành vi cản trở giao thông là vi phạm pháp luật.
Ông Mai Tuấn Anh cho biết VEC đã báo cáo vụ việc lên Bộ GTVT, đề nghị Bộ Công an phối hợp giải quyết dứt điểm, đồng thời đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp xử lý.
Trước khi cao tốc Nội Bài - Lào Cai thông xe gói A1, tại Vĩnh Phúc thường xuyên có hơn 100 hộ dân tham gia cản trở thi công, đòi tiền đền bù nhà ở bị rung nứt do thi công dự án. Không chỉ tại Vĩnh Phúc, tại xã Tân Dân, Sóc Sơn, Hà Nội nhiều nhà dân cũng bị nứt do thi công dự án gây ra, Ban Quản lý dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã mời Công ty tư vấn kiểm toán và định giá VN khảo sát đánh giá thiệt hại để có căn cứ đền bù theo quy định, nhưng nhiều người dân phản ánh tình trạng chậm đền bù, mức giá đền bù không thỏa đáng. Cao tốc Nội Bài - Lào Cai cũng là một trong những điểm nóng về giải phóng mặt bằng. Cuối năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phải có công điện nhắc nhở các tỉnh nơi dự án đi qua phải đốc thúc giải quyết chính sách đền bù thỏa đáng cho người dân, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để đảm bảo tiến độ dự án.
Mai Hà
Bình luận (0)