Cuối tháng 2 vừa qua, Trung tâm Dữ liệu quốc gia (DLQG) về dân cư (thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an) đã cho cập nhật ứng dụng VNeID lên phiên bản 2.0.7, với nhiều điều chỉnh và tính năng mới.
Trong đó, tính năng "Thông tin cư trú" sẽ được bổ sung, hiển thị sẵn thông tin về cư trú hộ gia đình mà không cần gửi yêu cầu. Những tài khoản đã được định danh điện tử ở mức 2 sẽ được sử dụng tính năng này.
Người dân gặp khó khi bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú
Thực hiện luật Cư trú mới, từ 1.1, sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy đã không còn hiệu lực, thay vào đó là sử dụng 7 phương thức để thay thế, gồm: CCCD gắn chip điện tử; thiết bị đọc mã QR Code trên thẻ CCCD gắn chip; thiết bị đọc chip trên CCCD; tra cứu thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia qua cổng dịch vụ công; dùng ứng dụng VNeID; dùng giấy xác nhận thông tin về cư trú; dùng số định danh cá nhân.
Tuy nhiên, việc bỏ 2 loại giấy tờ này ban đầu đang gây ra một số khó khăn, phiền hà cho người dân khi phải đi xin giấy xác nhận cư trú để thực hiện các thủ tục hành chính. Nhiều trường hợp phải đi lại nhiều lần mới xin được loại giấy này. Lý do, một số bộ, ngành chưa khai thác các phương thức khác hoặc thông tin trên cơ sở dữ liệu bị sai, phải đi về nơi cư trú để thay đổi.
Lý giải nguyên nhân các bộ, ngành chỉ chấp nhận giấy xác nhận cư trú của công dân từ công an, cán bộ thuộc Trung tâm DLQG về dân cư cho biết, hiện cơ sở dữ liệu dân cư đã hoàn thành và sẵn sàng chia sẻ, kết nối với các bộ, ngành và địa phương có nhu cầu khai thác, nhưng phải đảm bảo an toàn.
Điều đó có nghĩa là, các cơ quan muốn khai thác phải xây dựng một hệ thống đảm bảo đúng tiêu chuẩn, đảm bảo tính bảo mật để không bị lộ, lọt thông tin, không bị nhiễm virus sang hệ thống dữ liệu dân cư.
Vị cán bộ cho hay, việc kết nối, khai thác dữ liệu dân cư của các bộ, ngành, địa phương vẫn đang bị vướng; nhiều đơn vị không muốn đầu tư kỹ thuật để đảm bảo an toàn kết nối vì tốn kém.
"Nhiều đơn vị đã kết nối rồi nhưng vẫn bắt dân đi xin giấy xác nhận cư trú vì cho rằng pháp luật chưa quy định có thể khai thác trực tiếp từ hệ thống thay cho giấy tờ. Về pháp lý thì họ đúng. Về mặt thông tin thì thông tin hiển thị trên tính năng "Thông tin cư trú" không khác gì thông tin trên giấy xác nhận cư trú đang cấp hiện hành, đều lấy thông tin từ một nguồn dữ liệu dân cư", cán bộ Trung tâm DLQG cho hay.
Hoàn thiện, tạo thuận lợi cho nhân dân
Cũng theo vị cán bộ Trung tâm DLQG về dân cư, hiện chưa có văn bản pháp lý nào của Nhà nước đề cập đến ứng dụng VNeID. Tuy nhiên, định hướng của trung tâm vẫn muốn biến nó thành một phiên bản điện tử thay thế tất cả các loại giấy tờ. Cơ quan này đang hoàn thiện pháp lý, xin ý kiến để cho phép "Thông tin cư trú" trên ứng dụng VNeID thay thế giấy xác nhận cư trú.
Ngoài ra, vị cán bộ cũng cho hay, hiện dữ liệu dân cư vẫn đang trong quá trình làm "sạch", bởi vẫn còn những sai sót trong việc thu thập và nhập lên hệ thống. Do đó, người dân cần chủ động hoàn thành việc đăng ký định danh điện tử ở mức cao nhất và lên ứng dụng VNeID hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia để đối chiếu. Nếu thấy sai sót thì đến công an nơi cư trú đề nghị điều chỉnh.
Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho hay việc người dân gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính, xin xác nhận cư trú dù đã có CCCD gắn chip là một vướng mắc.
Để khắc phục tình trạng này, ngoài tham mưu Chính phủ, Bộ Công an cũng sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý những trường hợp cố tình gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu cho người dân.
Ngoài ra, Bộ Công an cũng kiến nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đề nghị các địa phương chưa tiến hành kết nối, khẩn trương hoàn thành kết nối hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ người dân giải quyết thủ tục hành chính.
Quán triệt, thực hiện nghiêm việc không yêu cầu người dân xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến; tăng cường rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức vi phạm các quy định nêu trên theo thẩm quyền...
Bình luận (0)