Người dân cù lao tưởng nhớ Bác Hồ dịp lễ Quốc khánh

02/09/2018 14:01 GMT+7

Nhiều năm qua, đến ngày Quốc khánh 2.9, người dân Cù Lao Dung (Sóc Trăng) đều tổ chức lễ giỗ Bác Hồ tại đền thờ Bác ở xã và cả... tại nhà.

Theo ông Nguyễn Thanh Phú - Trưởng BQL Khu di tích đền thờ Bác Hồ (xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung), đền thờ nằm trên một khu đất bồi được san lấp bằng phẳng. 
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, xã An Thạnh Nhì (nay là xã An Thạnh Đông) là căn cứ địa của Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh Sóc Trăng. Còn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, người dân Cù Lao Dung đã từng nuôi chứa, đùm bọc nhiều cán bộ cách mạng ở những thời điểm khó khăn, ác liệt nhất. Xã An Thạnh Nhì cũng là vùng căn cứ của tỉnh ủy những năm đầu cách mạng và căn cứ của huyện ủy suốt 21 năm, cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.
Tấm lòng của ông Tư Rẫy với Bác Hồ
Sau ngày Bác mất, thể theo nguyện vọng của nhân dân, lãnh đạo chính quyền đồng ý cho người dân lập đền thờ Bác trên đất An Thạnh Nhì để tưởng nhớ và phụng thờ vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, giao cho xã ủy An Thạnh Nhì vận động quyên góp tiền bạc, phương tiện vật liệu và khởi công xây dựng đền thờ Bác. Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 3.2.1970 chính thức thi công xây dựng đền thờ Bác.
Người cựu chiến binh ở H.Cù Lao Dung với mâm xôi dâng Bác vào lễ Quốc khánh năm 2017
Trong những ngày xây dựng đền thờ Bác, người dân xã An Thạnh Nhì phải vượt qua nhiều khó khăn thử thách vì kẻ địch luôn nhòm ngó, tìm cách phá hoại. Dù vậy, mọi người vẫn làm việc với tinh thần nhiệt tình, khẩn trương. Đến ngày 19.5.1970, việc xây dựng hoàn tất trong niềm vui của người dân Cù Lao Dung.
Các loại bánh cũng được người dân Cù Lao Dung dâng lên Bác trong ngày giỗ
Đến năm 1990, đền thờ Bác Hồ được trùng tu theo dạng kiên cố, hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 100 ngày sinh của Bác. Ngày 28.12.2001, đền thờ Bác Hồ được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lưu niệm danh nhân cấp quốc gia, theo Quyết định số 53/2001/QĐ - BVHTT.
Các loại trái cây được lựa chọn kỹ càng
Ông Nguyễn Văn Rẫy (hay gọi là ông Tư Rẫy, 84 tuổi) cho biết từ ngày Bác mất đến nay, cứ đến ngày 2.9, người dân xã An Thạnh Đông lại cùng nhau tổ chức lễ giỗ Bác. Bà con chuẩn bị nếp dẻo, gạo thơm, nấu xôi, luộc gà, làm bánh mang đến dâng Bác. Hầu như gia đình nào cũng có mâm lễ vật của riêng mình là những sản vật quê nhà do chính mình vun trồng. Khi đến thăm nhà dân ở Cù Lao Dung đều dễ dàng bắt gặp bàn thờ Bác Hồ trang trọng, uy nghiêm và nghi ngút khói hương.
Mâm cỗ trong ngày giỗ Bác của người dân Cù Lao Dung
Trước ngày giỗ Bác, bà con lau dọn, trưng bày bàn thờ Bác thật đẹp. Ông bà nhắc nhở con cháu, bà con lối xóm động viên nhau... ai cũng cố gắng sống tốt, lao động, sản xuất, học tập thật giỏi, đoàn kết giúp đỡ nhau để xứng đáng với công lao của Bác.
Đốt nén hương thơm tưởng nhớ Bác
Theo ông Tư Rẫy, ngày giỗ Bác, bà con trổ tài làm các món ngon dâng Bác. Thường mâm cỗ gồm xôi, con gà luộc và có thêm các loại bánh do bà con tự làm, và được trình bày thật đẹp mắt.
Các mâm cỗ dâng Bác được tổ chức chấm chọn, trao giải. Sau khi kết thúc giỗ, bà con hạ mâm cỗ xuống rồi cùng nhau ăn uống, trò chuyện, nhắc nhở nhau làm theo lời dạy của Bác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.