Người dân đặt vấn đề giải quyết buôn bán tự phát quanh chợ đầu mối Hóc Môn

06/10/2024 14:36 GMT+7

Tình trạng hoạt động kinh doanh tự phát xung quanh chợ đầu mối Hóc Môn trong nhiều năm liền khiến người dân lo ngại về nguồn gốc thực phẩm, gây mất an ninh trật tự được cử tri đặt ra tại chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời, chủ đề An toàn thực phẩm - Sức khỏe cộng đồng do HĐND TP.HCM phối hợp Sở TT-TT và Đài truyền hình TP.HCM tổ chức sáng 6.10.

Tại chương trình, bà Nguyễn Hồng Hạnh, tiểu thương chợ đầu mối Hóc Môn, đặt vấn đề về việc giải quyết những tồn tại trong hoạt động kinh doanh mua bán tự phát xung quanh chợ đầu mối Hóc Môn trong nhiều năm liền gây mất trật tự an toàn giao thông, an ninh trật tự, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.

Trả lời vấn đề quản lý hoạt động buôn bán tự phát quanh chợ đầu mối Hóc Môn, bà Huỳnh Thị Xuân Mai, Phó chủ tịch UBND H.Hóc Môn, cho biết huyện có thành lập tổ công tác lập chốt trực 24/24 tại khu vực chợ. Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân cũng như tổ chức thực hiện các đợt ra quân xử lý cao điểm, lắp đặt các hệ thống loa thông báo, hệ thống camera giám sát và phối hợp Đội 4 của Sở An toàn thực phẩm TP.HCM tiến hành kiểm tra các hộ buôn bán xung quanh khu vực chợ.

"Từ đầu năm đến nay, tổ công tác đã thường xuyên kiểm tra, xử lý và xử phạt 1.160 trường hợp vi phạm về trật tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm; phạt nguội 1.020 trường hợp vi phạm đậu xe không đúng nơi quy định. Do vị trí chợ đầu mối Hóc Môn nằm đan xen trong khu dân cư và khu vực này có nhiều hộ dân sinh sống kết hợp kinh doanh và lực lượng tổ công tác còn mỏng nên vẫn chưa giải quyết dứt điểm', bà Mai thông tin.

Thời gian tới, UBND H.Hóc Môn sẽ phối hợp TP.HCM tiến hành điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và xúc tiến đầu tư, di dời chợ đầu mối Hóc Môn sang vị trí khác thuộc xã Tân Hiệp, nằm biệt lập với khu dân cư nhằm giải quyết triệt để vấn đề phát sinh tại khu vực chợ hiện nay.

Người dân đặt vấn đề giải quyết buôn bán tự phát quanh chợ đầu mối Hóc Môn- Ảnh 1.

Bà Huỳnh Thị Xuân Mai, Phó chủ tịch UBND H.Hóc Môn trả lời tại chương trình

CHỤP MÀN HÌNH

Báo ngay cơ quan chức năng nếu phát hiện thực phẩm bẩn

Bên cạnh đó, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng được nhiều cử tri quan tâm. Ông Trần Quang Tuấn, Trưởng khu phố 6 (P.Bến Nghé, Q.1) đặt câu hỏi, khi phát hiện thực phẩm bẩn thì công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thực hiện như thế nào?

Về vấn đề này, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết: "Ngay khi phát hiện thực phẩm bẩn, việc đầu tiên và quan trọng nhất mà người dân phải làm là báo cho cơ quan chức năng gần nhất như UBND phường, cảnh sát khu vực… Đồng thời, người dân có thể gọi cho đường dây nóng 18006838 hoặc phản ánh ngay trên ứng dụng là VNeID. Việc phản ánh kịp thời không chỉ bảo vệ quyền lợi cho cá nhân và gia đình của mình mà còn giúp cho các cơ quan chức năng kịp thời xử lý, ngăn chặn các sản phẩm bẩn lưu hành trên thị trường, ảnh hưởng đến người dân khác".

Song song đó, theo ông Tú, người dân có thể trực tiếp yêu cầu doanh nghiệp sản xuất, người kinh doanh phải có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật.

"Một cách thức khác, người dân có thể yêu cầu tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thay mặt mình đứng ra bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và lợi ích hợp pháp của mình; có thể khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật. Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, những cá nhân, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật", ông Tú cho biết.

Người dân đặt vấn đề giải quyết buôn bán tự phát quanh chợ đầu mối Hóc Môn- Ảnh 2.

Toàn cảnh chương trình

CHỤP MÀN HÌNH

Tại chương trình, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, để bảo đảm an toàn thực phẩm, cần "ngăn chặn thực phẩm bẩn và xây thực phẩm sạch". Bà Lan cũng công khai số điện thoại 02839301714 để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về an toàn thực phẩm.

"Chúng tôi có hệ thống các đội quản lý an toàn thực phẩm liên quận, huyện và chợ đầu mối để phối hợp cùng các đội liên ngành của 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Hằng năm, chúng tôi đều tăng cường lấy mẫu để kiểm tra, giám sát và yêu cầu chợ đầu mối, chợ truyền thống, các siêu thị tự lấy mẫu để kiểm tra. Có thể nói, công tác đánh giá an toàn thực phẩm đã đạt một số hiệu quả nhưng nguy cơ cũng còn cao và vẫn phải tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra để có thể ngăn ngừa thực phẩm bẩn và bảo vệ cho quyền lợi của người tiêu dùng", bà Lan nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.