Không có ca mắc cúm nặng
Ngày 12.2, ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, có rất đông người dân đến tiêm vắc xin cúm mùa. Chủ yếu là người lớn tuổi và trẻ em.

Người dân đổ xô đi tiêm vắc xin ngừa cúm mùa vì lo sợ "hết vắc xin"
ẢNH: DU YÊN
Ông Nguyễn Văn Hoàng (68 tuổi, ở Q.8) cho biết xem thời sự thấy năm nay tình hình dịch cúm diễn biến phức tạp nên ông đi đến bệnh viện tiêm vắc xin ngay.
"Thấy mọi người đổ xô đi tiêm vắc xin nên tôi cũng tranh thủ đi vì sợ hết. Tôi cũng sẽ nhắc con cháu tranh thủ đi tiêm vắc xin để phòng ngừa bệnh", ông Hoàng chia sẻ.
Bác sĩ Võ Xuân Huy, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho biết số lượng người dân đến tiêm vắc xin phòng ngừa cúm mùa trong tháng qua trung bình 50 - 100 ca/ngày. Gấp nhiều lần so với cùng kỳ các năm trước (100 - 150 ca/tháng).

Bác sĩ Võ Xuân Huy, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM
ẢNH: DU YÊN
Cũng theo bác sĩ Huy, bệnh viện hiện tiếp nhận một số ca mắc cúm mùa nhập viện, nhưng không nhiều. Các ca này nhập viện chủ yếu để theo dõi vì lo ngại tình trạng có thể trở nặng.
Những ca này hầu hết là những người có nguy cơ như trẻ em dưới 5 tuổi, người già, phụ nữ mang thai, hoặc người suy giảm miễn dịch, có bệnh nền…
Về nguồn cung vắc xin, bác sĩ Huy cho biết số lượng vắc xin cúm tại bệnh viện vẫn đang được đảm bảo. Đồng thời, các nhân viên y tế đang hoạt động hết công suất để phục vụ người dân.
Đổ xô tiêm vắc xin cúm: Số lượng tăng gấp 10 lần ngày thường
Cúm mùa khác gì so với bệnh cảm?
Để phân biệt cúm mùa và bệnh cảm thông thường, bác sĩ Võ Xuân Huy cho biết với cúm mùa, người bệnh có các triệu chứng như: sốt cao trên 38,5 độ, đau đầu dai dẳng, đau nhức cơ thể nhiều, đau rát cổ họng, sổ mũi, ho khan kéo dài, khó thở, buồn nôn tiêu chảy (hay gặp ở trẻ em)... Triệu chứng cúm thường thì sẽ sốt nhẹ dưới 38 độ và các triệu chứng khác nhẹ hơn cúm mùa.

Người dân chờ đợi tiêm phòng cúm
ẢNH: DU YÊN
Bên cạnh đó, với những trường hợp cúm thường sẽ tự hết sau vài ngày. Tuy nhiên, với cúm mùa, bệnh có thể kéo dài từ 1 - 2 tuần. Đặc biệt, đối với những người có yếu tố nguy cơ, dễ có các biến chứng như viêm phổi, nhiễm trùng huyết và suy đa cơ quan.
Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM khuyến cáo mọi người khi đến nơi đông người, nên mang khẩu trang. Nếu bản thân có bệnh, nên cách ly để tránh lây nhiễm cho người khác. Đồng thời, cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước, và dùng thuốc điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Cũng theo bác sĩ, cách phòng ngừa cúm mùa tốt nhất là tiêm vắc xin. Ngoài ra, nên giữ ấm khi thời tiết lạnh, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, ăn uống đảm bảo vệ sinh…
Các nhóm ưu tiên tiêm vắc xin gồm trẻ em dưới 5 tuổi, người lớn trên 65 tuổi, phụ nữ mang thai, người suy giảm miễn dịch hoặc có bệnh nền. Các đối tượng khác cũng có thể tiêm vắc xin để phòng ngừa cúm.

Dịch cúm diễn biến phức tạp, Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo người dân mang khẩu trang khi đến các cơ sở khám, chữa bệnh
ẢNH: DU YÊN
Về hiện tượng nhiều người đổ xô mua thuốc Tamiflu dự trữ và sử dụng, bác sĩ Huy khuyến cáo rằng không riêng gì bệnh cúm mùa mà các bệnh khác, người dân không nên tự ý mua, dự trữ và sử dụng thuốc.
"Khi có triệu chứng cúm, người dân nên đến cơ sở y tế để bác sĩ chẩn đoán và chỉ định thuốc phù hợp. Thuốc điều trị cúm mùa chỉ có tác dụng khi bệnh được xác định là cúm, còn nếu chỉ bị cảm cúm nhẹ mà tự ý dùng thuốc, có thể không hiệu quả và gây tác dụng phụ, thậm chí gây hại cho sức khỏe", bác sĩ Võ Xuân Huy nói.
Theo dữ liệu công bố của Viện Truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản, từ ngày 2.9.2024 đến ngày 26.1.2025 tại Nhật Bản ghi nhận khoảng 9,5 triệu trường hợp mắc cúm mùa. Trong đó, tuần cuối cùng của năm 2024 (từ 23 - 29.12.2024) đã ghi nhận hơn 317.000 trường hợp.
Tại TP.HCM, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận có khoảng 2.900 ca được chẩn đoán cúm trên lâm sàng trong năm 2024. Trong đó có 11 ca bệnh nặng và không có trường hợp tử vong, hiện có 20 trường hợp cúm đang điều trị nội trú tại các bệnh viện.
Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo người dân mang khẩu trang khi đến các cơ sở khám chữa bệnh để phòng chống cúm mùa và các bệnh truyền nhiễm khác.
Đồng thời, Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM tiếp tục khuyến cáo người dân đến khám, điều trị, liên hệ công tác tại các cơ sở y tế phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang trong khuôn viên cơ sở y tế; thực hiện nghiêm quy trình báo cáo các tình huống dịch bệnh khẩn cấp tại các cơ sở y tế; tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người.
Bình luận (0)