Chiều 15.2, trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến đợt khan hiếm xăng dầu vừa qua và việc Bộ Công thương “bỏ qua” một kỳ điều hành khiến nguồn cung căng thẳng, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho biết Bộ đã “muốn điều hành sớm”.
Người dân đổ xô mua xăng trước giờ xăng tăng giá, tại TP.HCM trưa 11.2 |
Chí Nhân |
Theo đó, ngày 28.1, Bộ Công thương đã có văn bản gửi Thủ tướng phân tích rõ tình hình thế giới, trong nước và trong đó có kiến nghị quan trọng là cho phép được lựa chọn thời điểm điều hành phù hợp.
Lý do là bởi bộ này cho rằng điều hành sớm sẽ giảm áp lực cho doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu khi đó đang chịu lỗ vì giá thế giới tăng từng ngày, qua đó DN sẽ tạo nguồn (nhập khẩu) tốt hơn. “Tuy nhiên chúng ta cũng phải cân đối nhiều mục tiêu khác là giữ ổn định giá các mặt hàng cho 100 triệu dân cả trong và sau tết. Chỉ số CPI tháng 1 tăng 1,94%, trong khi yếu tố giá xăng dầu lúc đó cấu thành (trong rổ tính CPI) cao nên phải cân nhắc, để hài hòa lợi ích, đảm bảo các mục tiêu. Điều hành sớm mà giảm giá thì không sao, chứ tăng sẽ gặp phản ứng ngay, dù nghị định mới đã cho phép điều này”, ông Đông nói.
Ông Đông cũng cho rằng nếu theo chu kỳ tính giá 10 ngày gần nhất trước thời điểm ngày 11.2 thì giá trung bình các mặt hàng xăng dầu trên thị trường thế giới sẽ còn cao hơn, song cơ quan điều hành đã chọn cách tính giá trung bình của 20 ngày (cả 2 chu kỳ) nên áp lực giá cơ sở đã giảm được phần nào, đồng nghĩa với giảm áp lực việc tăng giá bán lẻ. Ông Đông thừa nhận “giá điều hành chưa hoàn toàn có lợi cho DN”, nhưng kêu gọi các DN cũng phải chia sẻ với các mục tiêu vĩ mô của nhà nước và lợi ích của người dân.
Người chạy xe ôm canh cánh nỗi lo khi xăng lại tăng giá |
Đại diện Bộ Công thương thông tin thêm sau thời điểm tăng giá chiều 11.2, “tình hình có tốt hơn nhưng chưa hoàn toàn khắc phục được việc thiếu hụt cục bộ xăng dầu”, bởi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (cung cấp tới 35% xăng dầu trong nước) trục trặc, giảm công suất và mới đang chạy ở mức công suất 55%. “Nhưng 1 - 2 tuần nữa hàng về nhiều hơn, áp lực cho DN sẽ đỡ hơn”, ông Đông trấn an và khẳng định Bộ Công thương đảm bảo đủ nguồn cung xăng dầu cho phát triển kinh tế, và đã dự trù kịch bản xấu nhất cả khi Nhà máy Nghi Sơn vẫn tiếp tục trục trặc.
Bình luận (0)