Trong tháng 11.2024, các cá nhân đã gửi thêm vào hệ thống các tổ chức tín dụng 22.000 tỉ đồng, nâng lượng tiền gửi lên hơn 7 triệu tỉ đồng. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay, tăng 7,16% so với cuối năm 2023.
Các ngân hàng đã huy động hơn 468.000 tỉ đồng từ khách hàng cá nhân trong 11 tháng đầu năm 2024. Con số tăng trưởng này cao hơn lượng tiền gửi của khối khách hàng tổ chức kinh tế, tăng 428.000 tỉ đồng, lên 7,269 triệu tỉ đồng. Các tổ chức kinh tế gửi tiền vào hệ thống ngân hàng tăng đều những tháng cuối năm 2024 thay vì sụt giảm như những tháng đầu năm, ghi nhận mức tăng trong năm thêm 6,26%. Tuy nhiên, tổng phương tiện thanh toán của các tổ chức tín dụng tiếp tục tăng thêm 8,14% so với cuối năm 2023, lên 17,301 triệu tỉ đồng.

Lượng tiền gửi cá nhân vào ngân hàng lên trên 7 triệu tỉ đồng
ẢNH: NGỌC THẮNG
Lượng tiền gửi của tổ chức, cá nhân vào ngân hàng thấp hơn dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng lên đến 907.000 tỉ đồng. Tính đến cuối tháng 11.2024, dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng đạt 15,176 triệu tỉ đồng, tăng 11,85% so với cuối năm 2023. Tốc độ tăng trưởng tín dụng đối với hoạt động thương mại, vận tải, viễn thông, công nghiệp và xây dựng tăng nhanh.
Để thu hút nguồn vốn, hàng loạt ngân hàng đã tăng mạnh lãi suất tiết kiệm trong tháng 11 thêm từ 0,1 - 0,5%/năm so với mức cũ. Một số ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dưới 6 tháng lên gần mức kịch trần 4,75%/năm. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng dao động từ 3,3 - 4,7%/năm. Lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng vẫn ghi nhận mức tăng trong những tháng đầu năm khi nhu cầu vốn cho vay gia tăng.
Bình luận (0)