Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho rằng quy định các cơ quan không được yêu cầu người dân cung cấp hồ sơ, giấy tờ nếu đã có dữ liệu hoặc được cơ quan khác chia sẻ, sẽ là “cú hích” cho việc thực hiện trực tuyến các dịch vụ công quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ ngày 3.4 ban hành Nghị định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước. Trao đổi với Thanh Niên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho đây là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng để giúp dịch vụ công trực tuyến, thủ tục hành chính thân thiện hơn với người dân, để người dân “yên tâm ngồi nhà nhấp chuột”, nhất là trong bối cảnh thực hiện cách ly xã hội để phòng chống dịch Covid-19.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết đến hết ngày 3.4 đã có 226 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia (CDVCQG). Đã chuẩn hóa, công khai gần 7.000 thủ tục hành chính; 63/63 địa phương đã đồng bộ trạng thái hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính. Hệ thống thanh toán trực tuyến trên CVDCQG đã được vận hành, phục vụ thanh toán thuế phí, thu phạt vi phạm hành chính, thực hiện dịch vụ công... Đến nay, tổng số hồ sơ trực tuyến thực hiện từ CDVCQG là hơn 23.300; hơn 104.000 tài khoản đăng ký; 4,3 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái và 27,7 triệu lượt truy cập…
Mở rộng phạm vi nộp phạt giao thông qua mạng
Thưa ông, cụ thể thủ tục nào được thực hiện nhiều, vì có thông tin cho rằng các dịch vụ thiết yếu, rất được chờ đợi như nộp phạt vi phạm giao thông, phí, lệ phí đăng ký xe... lại rất ít?
Kêu gọi người dân dùng dịch vụ công trực tuyếnNgày 4.4, Văn phòng Chính phủ thông báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Mai Tiến Dũng có thư ngỏ về việc sử dụng CDVCQG phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và DN trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trân trọng đề nghị các cá nhân, tổ chức và cộng đồng DN có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính, sử dụng dịch vụ công trực tuyến hãy truy cập vào CDVCQG để đăng ký tài khoản và thực hiện theo hướng dẫn tại địa chỉ: https://dichvucong.gov.vn. Việc hưởng ứng của cá nhân, tổ chức và DN sẽ giúp phát huy tối đa lợi thế từ các hệ thống thông tin chính phủ điện tử; đáp ứng yêu cầu thiết yếu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và DN, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm do dịch Covid-19 gây ra.
|
Mới đây, Thủ tướng đã yêu cầu trong tháng 6 tới, các bộ: Công an, Tài chính, GTVT sẽ phải hoàn thiện để mở rộng ra toàn quốc; các bộ, ngành, địa phương sẽ phải hoàn thành việc kết nối, tích hợp với hệ thống thanh toán trực tuyến của CDVCQG để thực hiện thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế, thu phạt xử lý vi phạm hành chính, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế và các nghĩa vụ tài chính khác trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công.
Liệu có việc các công đoạn, thủ tục chưa tối giản nên người dân chưa lựa chọn?
Thủ tướng đã yêu cầu chúng tôi cùng các bộ, ngành, địa phương tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, hoàn thiện hoặc xây dựng đưa lên triển khai trên cổng, ngoài 65 dịch vụ công trực tuyến đã được ưu tiên tích hợp. Đối với các dịch vụ công đã triển khai, trên cơ sở đánh giá kết quả thực tế cũng như ý kiến góp ý của người dân, DN, chúng tôi cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cải cách, hoàn thiện nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ.
Loại bỏ “cát cứ dữ liệu"
Chuyện “cát cứ dữ liệu” - một trong những lực cản mà ông từng cho là lớn nhất - liệu có được hóa giải, để người dân yên tâm ở nhà mà nhấp chuột?
“Cát cứ dữ liệu” là một vấn đề rất lớn thời gian qua, ảnh hưởng đến quá trình ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính phủ điện tử trong nội bộ cơ quan hành chính và cả việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, DN.
Tại đề án CDVCQG, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải kết nối, chia sẻ dữ liệu theo một kiến trúc thống nhất, thông qua trục liên thông văn bản quốc gia. Hiện CDVCQG đã kết nối với 14/22 bộ, cơ quan và 63/63 địa phương để người dân, DN thực hiện trực tuyến cũng như hỗ trợ cán bộ công chức theo dõi việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trên hệ thống.
Theo Nghị định quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước mà Thủ tướng vừa ký ban hành, trong đó quy định các cơ quan không được yêu cầu người dân, DN cung cấp hồ sơ, giấy tờ nếu cơ quan nhà nước đã có dữ liệu hoặc được cơ quan nhà nước khác chia sẻ dữ liệu về những hồ sơ, giấy tờ này... Đây là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng để giảm thiểu phiền hà.
Tôi tin tưởng rằng, với hành lang pháp lý khá đầy đủ đó và thực tế các hệ thống thông tin chính phủ điện tử do Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan, địa phương triển khai kết nối, liên thông thời gian qua, lực cản “cát cứ dữ liệu” sẽ được hóa giải để người dân yên tâm “ở nhà nhấp chuột”.
Bình luận (0)