Người dân kéo lên công an TP.HCM tố chủ đầu tư lừa đảo

01/10/2020 20:50 GMT+7

Một miếng đất Công ty Đại Hải đem bán cho hai người. Chính vì vậy, người dân đã kéo lên cơ quan chức năng tố công ty này lừa đảo.

Sáng ngày 1.10, người dân dự án khu dân cư Sông Đà (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM) đã kéo lên trụ sở Công an TP.HCM, Thành ủy TP.HCM căng khẩu hiệu tố cáo Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Xây dựng KN (sau này đổi tên thành Công ty Đại Hải) lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Một miếng đất bán cho hai người

Tại hai nơi này, người dân đã giăng băng rôn với khẩu hiệu "Công ty Đại Hải lừa đảo, chiếm đoạt đất của bà con, lấy đất của bà con ra sổ đỏ cho nhóm xã hội đen cầm cố ngân hàng"; "Chủ đầu tư lấy 1 nền đất bán cho nhiều người", "Yêu cầu Công ty Đại Hải trả lại đất đã chiếm đoạt cho bà con".
Cụ thể, theo bà Bùi Thị Hồng Bình, một người dân tại đây, ngày 17.8.2005 bà có góp vốn mua nền đất số D25 Lô D, diện tích 85 m2, khu dân cư Sông Đà của Công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển Sông Đà (nay là Công ty cổ phần Ani). Ngay sau đó, bà thanh toán toàn bộ giá trị hợp đồng với số tiền 425 triệu đồng và được bàn giao nền đất.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2016 bà phát hiện Công ty Đại Hải chuyển nhượng cho ông Nguyễn Văn Minh vào ngày 11.7.2016 tại phòng công chứng số 3. Ngày 12.2.2018, ông Nguyễn Văn Minh được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp sổ hồng cho lô đất số CI 809617. Sau đó ông Minh thế chấp vay vốn tại Ngân hàng Agribank - chi nhánh Bình Thạnh ngày 12.3.2018.
“Nền đất số 25, lô D do tôi nhận chuyển nhượng qua hình thức góp vốn và sử dụng hợp pháp từ năm 2005. Đến năm 2016, Công ty Đại Hải lại lén lút, lừa dối khách hàng để bán tiếp cho ông Nguyễn Văn Minh một cách bất hợp pháp, sau đó ông Nguyễn Văn Minh được cấp sổ hồng và thế chấp tại ngân hàng. Hiện tôi đã làm đơn tố cáo Công ty Đại Hải hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”, bà Bình cho hay.
Không chỉ bà Bình, ông Lê Kim Biên cũng cho biết, ngày 17.8.2005, vợ chồng ông có góp vốn mua nền đất số D26 Lô D, diện tích 85 m2 với Công ty cổ phần Ani. Ông đã thanh toán toàn bộ giá trị hợp đồng với số tiền 425 triệu đồng và được giao nền đất. Tuy nhiên, ông phát hiện nền đất số 26, Lô D của mình đã bị Công ty Đại Hải chuyển nhượng cho ông Nguyễn Văn Minh cũng tại phòng công chứng số 3 ngày 26.1.2018, sau đó ông Nguyễn Văn Minh được cấp sổ hồng số CK 052791 ngày 12.2.2018 và đem đi thế chấp tại Ngân hàng Agribank - chi nhánh Xuyên Á ngày 2.1.2019. “Hiện nay tôi và các hộ dân trong khu dự án đang tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Công ty Đại Hải và Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đang thụ lý giải quyết”, ông Biên nói.
Theo hồ sơ từ Văn phòng đăng ký đất đai TP và Công ty cổ phần Ani, hiện có khoảng 20 người đã có văn bản xác nhận về việc đất của họ bị đem bán cho 1 người khác. Còn lại các trường hợp tương tự rất nhiều, khoảng hơn 200 hộ nhưng chưa được xác nhận.

Bán cho các đối tượng xã hội

Liên hệ với ông Đặng Tất Thành, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ani, ông cho biết vào năm 2004 dự án triển khai, khi đó Công ty cổ phần Ani hợp tác với Công ty Đại Hải để phân chia sản phẩm. Đến năm 2008 dự án hoàn thành, những lô đất của Sông Đà được chia đã bán hết cho khách hàng.
Tuy nhiên, do pháp lý dự án là Công ty cổ phần Đại Hải đứng tên nên khi ra sổ hồng các lô đất của dự án thì vẫn ra tên Công ty Đại Hải. Điều đáng nói, khi cơ quan chức năng ra sổ hồng cho các lô đất, thay vì sang tên cho khách hàng, Công ty Đại Hải lại đem cầm cố dự án tại ngân hàng. Không những thế, những lô đất đã bán cho khách hàng Công ty Đại Hải lại đem bán chồng chéo cho các khách hàng khác.
“Mới đây nhất, không hiểu lý do vì sao Công ty Đại Hải kết hợp với các ngân hàng giải chấp các sổ hồng đang cầm cố vay tiền để đem bán, cầm cố cho các đối tượng xã hội. Rất nhiều sổ đỏ trong số này đã được sang tên cho các khách hàng khác dù người mua từ đầu đã xây nhà và ở ổn định. Xã hội đen đã đến quậy, đe dọa hành hung cư dân tại đây. Hiện Công ty Ani cũng là nạn nhân và đang kiện Công ty Đại Hải ra tòa”, ông Thành cho hay.

Thêm một giám đốc công ty bị tố lừa đảo, bán “dự án ma”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.