Người dân khốn đốn vì vỡ đê
09/10/2018 07:26 GMT+7
Triều cường dâng cao bất thường đã khiến nhiều đoạn đê bao ven sông Tiền, sông Hậu bị vỡ; nhiều tuyến đường không mưa vẫn ngập nặng, gây khổ sở cho người dân.
Tự động phát
Sáng sớm 8.10, triều cường trên sông Hậu đo tại trạm Cần Thơ dâng lên mức 2,17 m. Theo Đài khí tượng thủy văn TP.Cần Thơ, đây là mực triều dâng cao lịch sử (cao hơn mức kỷ lục cũ 0,02 m), vượt báo động 3 tới 0,27 cm. Nước dâng vào thời điểm sáng sớm đã khiến 2 đoạn đê bao ngăn lũ sông Hậu (một đoạn 1,5 m và một đoạn 5 m), thuộc KV.3, P.Cái Khế, Q.Ninh Kiều, Cần Thơ bị vỡ. Nước tràn vào các vườn cây ăn trái, rau màu, ao thủy sản... ảnh hưởng tới hàng chục hộ dân. Nhiều nơi nước ngập hơn 1 m khiến cuộc sống của người dân đảo lộn, nhiều gia đình không kịp trở tay di dời đồ đạc.
Khốn khổ nhất là những hộ chăn nuôi heo như ông Bùi Văn Dây. Dù đã chủ động “nhường” nơi cao nhất cho gia cầm, đôn cao chuồng heo nhưng nước triều kỷ lục rạng sáng nay vẫn gây thiệt hại lớn cho gia đình ông.
Đàn heo 17 con lớn nhỏ đang bơi trong nước sông biết có sống nổi qua đợt triều này không, số gia cầm chết cũng lên đến vài chục con, cá cũng đi sạch rồi”, ông Dây mếu máo. Cách nhà ông Dây vài trăm mét, nhà ông Bùi Văn Hên cũng thấp thỏm lo vườn xoài hơn 100 gốc và hàng chục gốc nhãn “không qua khỏi”.
|
Theo UBND Q.Ninh Kiều, cách đây 2 tháng, quận đã cho lực lượng xuống gia cố đê nhưng có những đoạn vẫn không thể chịu nổi áp lực nước quá lớn. Khu vực bị vỡ đê vốn trước đây là bờ của hai ao nuôi cá, đào rất sâu, lực lượng không thể lặn đào móc đất đắp được. “Dự kiến trong hôm nay Q.Ninh Kiều sẽ cho máy múc vào gia cố xong và tính phương án bơm chống úng để cứu các vườn cây, giảm nhẹ thiệt hại cho các hộ dân. Tuy nhiên, nếu mực nước tiếp tục dâng cao quá, tràn qua đê thì không thể ngăn được”, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó chủ tịch UBND Q.Ninh Kiều, cho biết.
Trước đó, sáng 7.10, hai cống đập ở xã cù lao An Bình, H.Long Hồ (Vĩnh Long) bị vỡ. Nước từ sông Cổ Chiên (nhánh chính của sông Tiền) tràn vào dữ dội khiến hàng chục héc ta vườn cây, ao cá sắp thu hoạch của người dân bị ngập trắng. Đêm 6.10, đê bao thuộc ấp Phú Thạnh 4, xã cù lao Đồng Phú (Long Hồ) cũng bị vỡ. Nước sông Tiền tràn vào nhấn chìm hơn 30 ha cây ăn trái đặc sản, hoa màu và 40 nhà dân. Tổng cộng, 2 ngày qua, H.Long Hồ đã có hơn 100 ha đất trồng cây ăn trái, rau màu bị ngập sâu; trên 10 tấn cá nuôi thất thoát.
Tại các đô thị như TP.Long Xuyên (An Giang), TP.Vĩnh Long, TX.Bình Minh (Vĩnh Long) cũng ngập sâu. Ở nội ô Q.Ninh Kiều (TP.Cần Thơ), nhiều tuyến đường chính bị ngập nặng như Nguyễn Văn Cừ, Mậu Thân, Trần Văn Hoài, Huỳnh Cương, Hoàng Văn Thụ... Đặc biệt, tuyến QL1 huyết mạch đi qua H.Tam Bình, Vĩnh Long cũng bị ngập rất nặng, gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông...
Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn tại Cần Thơ, đợt triều cường cuối tháng 8 âm lịch sẽ kéo dài ít nhất trong 3 ngày tới, uy hiếp các đê bao trên địa bàn các địa phương hạ nguồn như Vĩnh Long, Cần Thơ. Tại Cần Thơ, đỉnh triều trên sông Hậu sẽ vào ngày 10 - 11.10, với mực nước dự báo lên tới 2,20 - 2,25 m (cao hơn báo động 3 tới 0,30 - 0,35 m). Mức độ rủi ro thiên tai do triều cường có thể đạt cấp độ 3. “Chúng tôi đã yêu cầu các quận, huyện rà soát toàn bộ đê bao; trực 24/24 ở các tuyến đê bao trọng điểm để chủ động ứng phó. Bên cạnh đó, huy động lực lượng giúp dân thu hoạch khoảng hơn 20.000 ha lúa còn lại”, ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN-PTNT Cần Thơ, nói.
Túc trực bảo vệ quýt hồng Lai Vung
Ông Mai Quốc Hậu, Trưởng phòng NN-PTNT H.Lai Vung (Đồng Tháp), cho biết hiện toàn huyện có khoảng 6.700 ha vườn cây ăn trái, trong đó có nhiều diện tích quýt hồng đặc sản có giá trị kinh tế cao. Dự báo năm 2018 lũ lớn nên huyện chủ động công tác phòng chống, bảo vệ vườn. Sau khi kiểm tra toàn bộ diện tích
vườn, huyện đã tiến hành thuê cơ giới thi công hơn 45.000 gàu đất để gia cố đê bao bảo vệ vườn cây. Về cơ bản, đến nay toàn bộ diện tích quýt hồng trong quy hoạch của huyện được bảo vệ tốt. An Lạc
|
Bình luận (0)