Đó là khẳng định của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên về những đột phá cải cách hành chính mà TP đang tập trung thực hiện.
Thưa ông, để người dân không phải vác hồ sơ chạy lòng vòng thì chủ trương của TP về thực hiện liên thông “một cửa điện tử” sẽ được triển khai như thế nào?
Qua nghiên cứu bước đầu, Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính TP thấy rằng việc xây dựng trung tâm hành chính công phải dựa trên cơ sở điều kiện đặc thù của TP.HCM. Có những vấn đề mà mình phải xem xét kỹ. Thứ nhất là tỷ lệ giải quyết hồ sơ hành chính của TP so với các địa phương khác chênh lệch nhau rất lớn, chỉ riêng Cục Thuế TP bình quân 1.000 hồ sơ/ngày, Sở KH-ĐT khoảng 1.500 hồ sơ/ngày, Sở Tư pháp cũng khoảng trên 1.500 hồ sơ/ngày... Nếu tập trung hết hồ sơ của các sở ngành về một chỗ thì đòi hỏi phải có một trung tâm rất lớn để đáp ứng nhu cầu.
|
Vậy phương án thay thế cụ thể sẽ như thế nào, thưa ông?
Phương án thay thế việc xây dựng trung tâm hành chính công cũng đã được tính đến. Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP, có thể sẽ xây dựng một trung tâm hoặc hình thành một tổ chức để làm nhiệm vụ cấp phép đầu tư cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài. Tổ chức này có nhiệm vụ làm thế nào để công khai, minh bạch, nhanh chóng các thủ tục đầu tư. Hiện nay Sở KH-ĐT là đơn vị tiếp nhận, nhưng đến các công đoạn tiếp theo thì nhà đầu tư than phiền rất nhiều. Với một đầu mối như thế này thì nên làm vì giải quyết được vấn đề rất nóng mà mọi người rất quan tâm, bởi đó là môi trường đầu tư của TP nên phải ngăn ngừa được những biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu đối với nhà đầu tư.
Với việc giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân theo cơ chế liên thông “một cửa điện tử”, TP đã thống nhất chỉ đạo rồi. Mỗi một sở ngành là đầu mối tiếp nhận dịch vụ công nào thì phải chủ động liên thông với các sở ngành, đơn vị khác có liên quan để giải quyết, đồng thời trả kết quả cuối cùng luôn, không để người dân phải lo vác hồ sơ chạy lòng vòng nữa. Làm việc này phải nói là bà con sẽ rất hoan nghênh vì giảm thiểu được chi phí, thời gian đi lại...
Chúng tôi đã có chỉ đạo làm thí điểm tại Sở Xây dựng và trong tháng 11.2016 sẽ phê duyệt quy trình cấp phép xây dựng. Theo đó, những trường hợp xin phép xây dựng quy mô ở cấp TP thì Sở Xây dựng sẽ làm đầu mối liên thông, người dân không phải đến các sở ngành khác để liên hệ về chỉ tiêu quy hoạch, phòng cháy chữa cháy, môi trường... Bước đầu có thể liên thông bằng văn bản, nhưng kể từ tháng 1.2017 thì tất cả sẽ liên thông giữa các sở ngành với nhau thông qua mạng điện tử và áp dụng chữ ký số để đảm bảo cơ sở pháp lý xác định rõ trách nhiệm chậm trễ của từng cá nhân, đơn vị.
Trên cơ sở đó, những vấn đề bức xúc, nhạy cảm liên quan đến hoạt động hành chính công còn phiền hà hiện nay thì mình làm trước. Các sở ngành đều có liên thông “một cửa điện tử”, nhưng tập trung ở các Sở KH-ĐT, Sở Xây dựng, Sở Tư pháp, Cục Thuế TP... Song song đó, TP có dịch vụ công trực tuyến. Bà con có thể đăng ký trực tiếp tại sở ngành nhưng cũng có thể đăng ký trực tuyến qua mạng. Đăng ký trực tuyến vừa nhanh vừa minh bạch, công khai, ngăn chặn được những vấn đề chạy chọt, tiêu cực.
TP.HCM quyết liệt thực hiện việc gửi thư xin lỗi dân khi chậm trễ giải quyết thủ tục hành chính, nhưng trên thực tế, số lượng hồ sơ chậm trễ tại nhiều cơ quan, đơn vị vẫn không giảm. TP xử lý vấn đề này ra sao?
Thất hứa với dân mà không xin lỗi là không được. Năm 2016 TP khuyến khích các đơn vị trung thực, cầu thị, tức là mình sai thì mình phải xin lỗi dân, hết sức trách nhiệm với dân. Nhưng đến 2017 thì phải chấm dứt tình trạng xin lỗi tăng lên. Nếu còn tăng thì phải xem lại trách nhiệm cán bộ, trước hết là cán bộ trực tiếp làm, sau đó là trách nhiệm của cán bộ quản lý, phụ trách. Nếu ai không làm được thì phải bị điều chuyển đi chỗ khác. Bây giờ TP siết liền thì có thể xảy ra tình trạng sai mà không chịu sửa, đối phó.
Năm 2020, TP sẽ có 100% dịch vụ công trực tuyến
“Trong nội bộ cơ quan hành chính nhà nước với nhau, liên thông “một cửa điện tử” sẽ rút ngắn được rất nhiều thời gian, bởi có những văn bản hiện nay đi từ sở này qua sở khác mất đến 7 ngày, thậm chí cả chục ngày. Nếu liên thông điện tử, quy định rõ trách nhiệm, tôi nghĩ rằng thời gian trung chuyển giảm ít nhất 90%. TP đã có báo cáo với Chính phủ là đến năm 2020, TP sẽ có 100% dịch vụ công trực tuyến để người dân có thêm điều kiện chọn lựa”, ông Tuyến cho biết.
Hiện nay TP gửi văn bản, thư mời họp hầu hết qua e-mail, điện thoại. Cơ bản chấm dứt gửi bằng đường văn thư, đã tiết kiệm được rất lớn, bởi chỉ tính riêng Văn phòng UBND TP thì mỗi năm tiết kiệm được hơn 1 tỉ đồng.
|
Bình luận (0)