Mờ sáng, hơi sương lạnh còn len lỏi theo những đợt gió lùa, những người dân làng chài Nam Ô đã bắt đầu một ngày đi hái mứt biển trên các ghềnh đá ven biển. Nghề hái "lộc biển" cũng lắm gian nan…
Mứt biển là một loại rong biển có tên khoa học là Porphyra crispata. Mứt biển có màu nâu sậm, thân sụn mềm, tạo thành chùm ở phần ngọn. Đây là loại rau có giá trị dinh dưỡng cao nên được ưa chuộng.
Khoác trên người chiếc áo mưa tiện lợi, bà Trương Thị Lượng (72 tuổi, trú tại P.Hòa Hiệp Nam) cùng những người khác trong làng bám trên những ghềnh đá, tỉ mẩn hái từng cọng mứt biển.
Bên dưới lớp áo mưa mỏng manh, làn da bà Lượng tái nhợt vì ngấm nước mưa, nước biển và cả vì gió lạnh. "Tôi đi hái mứt biển từ năm 12 tuổi đến giờ. Lúc trước còn khỏe, tôi thường đi thúng ra những ghềnh đá ngoài xa, nhưng giờ già yếu nên chỉ loanh quanh gần bờ", bà Lượng nói.
Theo bà, thời điểm hái loại mứt này thường là mùa đông, từ tháng 9 năm nay đến tháng 1 âm lịch năm sau. Do thời điểm hái mứt thường vào mùa biển động nên người dân khá vất vả, nhất là khi đối mặt với những ghềnh đá trơn trượt, những cơn sóng dữ của ngày biển động.
Lom khom hái mứt biển, bà Bùi Thị Phải (74 tuổi, trú tại P.Hòa Hiệp Nam) chia sẻ: "Nghề nguy hiểm nhưng người theo nghề chủ yếu là phụ nữ. Đàn ông ít người đi lắm, bởi thu nhập không cao. Hái mứt biển vào mùa biển động nên phải chú ý, phải "canh" sóng. Nếu không, những con sóng lớn kéo đến, không xử lý kịp sẽ rất nguy hiểm…".
Có chứng kiến cảnh những người dân làng chài Nam Ô bám ghềnh đá mưu sinh mới thấy hết sự vất vả của nghề. Những người theo nghề thường truyền tai câu "rau mứt ngon canh, té gành (ghềnh) lọt hố" để nhắc nhở nhau sự nguy hiểm. Hái "lộc biển" ngoài kỹ thuật còn đòi hỏi người dân phải thật kiên nhẫn và luôn cẩn thận khi hành nghề.
Bình luận (0)