Người dân lại phập phồng hy vọng
Khi biết thông tin nói trên, những người dân mua nền đất tại dự án Tân An Huy (H.Nhà Bè, TP.HCM) do Công ty Tân An Huy làm chủ đầu tư vừa vui vừa lo. Vui vì hy vọng dự án sẽ được khởi động trở lại nhưng lại lo vì suốt gần 20 năm qua, họ đã nhiều lần kiến nghị, họp hành, chờ đợi rồi mọi thứ vẫn giậm chân tại chỗ.
Ông Phạm Hùng, một khách hàng mua nền đất tại đây, nói với PV Thanh Niên rằng ông và nhiều khách hàng khác đã ký hợp đồng góp vốn với chủ đầu tư mua nền đất từ năm 2004. Đến nay, ông đã đóng đủ tiền và được chủ đầu tư bàn giao nền. Tuy nhiên do chủ đầu tư nợ ngân sách nhà nước (thuế và tiền chậm nộp) hơn 154 tỉ đồng nên chưa thể ra sổ đỏ để khách hàng xây nhà. Dự án càng bế tắc hơn khi vào năm 2017, ông Lê Anh Tuấn, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty Tân An Huy, qua đời nên những cổ đông mới vào thay và tình hình vẫn đình trệ vì bất đồng trong hướng xử lý. Đơn cử như việc lãnh đạo mới của Công ty Tân An Huy thông báo với các khách hàng nếu muốn tiếp tục triển khai dự án thì phải ký phụ lục hợp đồng đóng thêm từ 1,2 - 4 tỉ đồng/nền đất, chưa gồm thuế VAT. Số tiền này chủ đầu tư cho biết dùng để nộp thuế gốc và tiền phạt chậm nộp, thực hiện nghĩa vụ tài chính, tiếp tục giải phóng mặt bằng, xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng, trả nợ cho đối tác, chi phí hợp lý phát sinh khác (nếu có). Tổng cộng các chi phí trên được chia đều cho diện tích khách hàng đã mua. Chờ đợi quá lâu, đa số khách hàng cũng đồng ý dù bức xúc khi phải đóng thêm tiền. Thế nhưng mọi việc vẫn chưa tiến triển. "Chúng tôi không biết dự án Tân An Huy có nằm trong số các dự án được tổ công tác tháo gỡ vướng mắc, khó khăn lần này hay không. Tuy nhiên, những năm qua, khách hàng đã liên tục gửi đơn cầu cứu khắp nơi, thậm chí có tâm thư gửi tới Chủ tịch UBND TP.HCM vì người dân quá mệt mỏi, khổ sở khi mua đất 20 năm nhưng vẫn chưa xây được nhà. Trong khi đó, số tiền mua đất rất lớn, hàng tỉ đồng đã bị chôn nhiều năm nên kỳ vọng lần này dự án sẽ được lãnh đạo TP quan tâm xử lý dứt điểm", ông Hùng bức xúc nói.
Cách dự án Tân An Huy không xa, tại con hẻm 1078 Lê Văn Lương (H.Nhà Bè) dự án rộng khoảng 60 ha của Công ty Sadeco cũng "trùm mền" hàng chục năm qua, để cho cỏ cây, lau sậy mọc um tùm. Đi sâu vào phía trong dự án này là khu tái định cư Lập Phúc đã hình thành từ lâu và nhiều người cũng đã về đây xây nhà, an cư, lập nghiệp, rất sầm uất. Ông Thiện, một người dân tại đây, cho biết để vào được khu tái định cư Lập Phúc, người dân phải băng qua "cánh đồng hoang" là dự án của Công ty Sadeco khiến họ rất lo lắng, nhất là mỗi khi phải đi vào ban đêm vì con đường gần như rất ít người qua lại, trong khi lau sậy mọc cao ngút đầu người. "Đi qua đi lại thấy dự án treo lưu cữu hàng chục năm trời mà không thấy tín hiệu gì cho thấy có thể được triển khai, nhất là kể từ sau khi hàng loạt lãnh đạo công ty này bị khởi tố vì những sai phạm tại doanh nghiệp khiến chúng tôi, dù không liên quan cũng cảm thấy rất lãng phí. Mỗi năm tiền thuê người bảo vệ, cắt cỏ, dọn dẹp cũng đã rất tốn kém. Mong lần này TP sớm tháo gỡ khó khăn cho các dự án, trong đó có dự án Sadeco góp phần làm đẹp bộ mặt đô thị, giải phóng nguồn lực về đất đai và tạo thêm nguồn cung bất động sản cho thị trường", ông Thiện nói.
Tương tự, từ năm 2016 đến nay, khách hàng mua nhà tại dự án Park Vista liên tục cầu cứu khắp nơi nhưng nhà vẫn không được giao, dự án vẫn bị tạm dừng và chưa biết đến ngày khởi công trở lại. Nguyên nhân do chủ đầu tư là Công ty Đông Mê Kông dính hàng loạt sai phạm và còn nợ hơn 200 tỉ đồng tiền sử dụng đất. Nhìn dự án nằm "trơ gan cùng tuế nguyệt" dù đã xây đến tầng 18, nhiều khách hàng mua nhà tại đây đều mong muốn lãnh đạo TP sớm có phương án tháo gỡ để chủ đầu tư xây dựng trở lại, giao nhà cho khách hàng.
Mong tổ công tác làm việc hiệu quả
Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đến giữa năm 2023 trên địa bàn TP.HCM có 148 dự án vướng mắc pháp lý không thể triển khai thực hiện hoặc không thể thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng. Những dự án gặp vướng mắc về pháp lý liên tục được các doanh nghiệp kêu gọi TP.HCM, các bộ ngành và Chính phủ hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, nhằm giúp cho doanh nghiệp, cho thị trường sớm hồi phục sau một thời gian dài "đóng băng". Dù vậy kết quả đạt được vẫn khá khiêm tốn.
Ngoài những dự án nằm trong danh sách nói trên, còn không ít dự án mà người dân đã mua, đã trả tiền nhưng treo hàng thập niên. Bản thân họ cũng không biết dự án của mình có nằm trong danh sách được tháo gỡ hay không nhưng tất cả đều mong muốn tổ công tác làm việc thực chất chứ không chỉ mang tính "phong trào" rồi sau một thời gian lại thôi. "Việc TP.HCM lập tổ công tác để tháo gỡ khó khăn cho các dự án bị đình trệ là động thái rất tích cực và cần thiết trong bối cảnh nhiều dự án quan trọng đang gặp vướng mắc pháp lý, tài chính hoặc thủ tục hành chính. Do vậy, người dân, doanh nghiệp kỳ vọng tổ công tác sẽ làm việc hiệu quả, thực chất để khơi thông nguồn lực về đất đai vốn bị chôn vùi nhiều năm qua, từ đó tăng nguồn cung bất động sản, hạ giá nhà đất đang "neo" ở mức quá cao. Bởi thời gian qua, từ T.Ư đến địa phương đều thành lập nhiều đoàn, nhiều tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cho các dự án nhưng kết quả mang lại rất khiêm tốn. Điển hình là đến nay TP.HCM mới có 8 trên tổng số 148 dự án được gỡ vướng", lãnh đạo một doanh nghiệp nói thẳng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết thời gian tới đây Quốc hội sẽ có nghị quyết thí điểm tháo gỡ nguồn cung cho thị trường và nghị quyết chuyên đề giải quyết cho các dự án vướng mắc về đất đai, dự án đang bị thanh tra, kiểm toán, di dời nhà xưởng ô nhiễm, sắp xếp nhà đất công… Trên cả nước có khoảng 500 dự án bị vướng mắc, riêng TP.HCM có khoảng 58 dự án. Tổ công tác mới lập ra sẽ tháo gỡ cho các dự án này. "Đến nay sau nhiều nỗ lực của TP đã và đang giải quyết vướng mắc được cho 30 dự án trong những tháng đầu năm 2024. Trong đó, 8 dự án được giải quyết dứt điểm, 22 dự án đang được các sở, ngành, TP.Thủ Đức tiếp tục tham mưu xử lý theo quy định. 30 dự án sẽ được xem xét giải quyết trong thời gian tới", ông Châu thông tin và cho rằng đối với các vướng mắc do pháp luật thì đến nay các luật mới đã có hiệu lực và quy định rõ, nên TP cần tập trung giải quyết ngay. Còn vướng do cán bộ không làm, đùn đẩy, sợ trách nhiệm thì cần phải xử lý quyết liệt. Những dự án do lỗi của doanh nghiệp, điển hình như dự án doanh nghiệp đem thế chấp ngân hàng thì phải giải quyết quyền lợi cho người dân. Còn việc của doanh nghiệp và ngân hàng tự giải quyết với nhau, nếu không được thì đưa nhau ra tòa, không thể kéo khách hàng là người ngay tình vào tranh chấp này. Những dự án quy hoạch trước đây chưa hợp lý thì cần phải điều chỉnh lại theo đúng thực tế cho hợp lý hơn.
Chỉ đạo, thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ
Tổ công tác do ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM làm Tổ trưởng. Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH-ĐT làm Tổ phó thường trực và ông Đặng Quốc Toàn, Chánh văn phòng UBND TP.HCM làm Tổ phó. Tổ công tác có nhiệm vụ chỉ đạo, triển khai thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ về tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng nhằm chống lãng phí, thất thoát. Cùng với đó, theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá quá trình triển khai thực hiện, kịp thời chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc theo đúng quy định.
Bình luận (0)