Ngày 31.1, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thiên Hào, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM), cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, mạch và huyết áp bằng 0, bệnh nhân được chẩn đoán ban đầu là ngưng tim, ngưng thở ngoại viện. Ê kíp trực đã tiến hành các bước cấp cứu trong điều trị ngưng tim, đặt nội khí quản, xoa bóp tim, dùng hơn 10 ống thuốc trợ tim adrenaline - còn gọi "thuốc hồi dương".
Sau khoảng 30 phút, bệnh nhân có mạch huyết áp trở lại tuy nhiên vẫn còn hôn mê. Tuy nhiên, vài phút sau, bệnh nhân lại rơi vào tình trạng ngưng tim lần hai. Ê kíp xử trí xoa bóp tim, tiêm thêm 20 ống adrenaline, phối hợp cùng nhiều biện pháp khác như sốc điện, bơm tiêm điện, dùng thuốc vận mạch... giúp bệnh nhân có nhịp tim và nhịp thở trở lại.
Qua hội chẩn, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp, can thiệp tái thông mạch máu. Sau can thiệp, bệnh nhân thở máy, dùng thuốc tim mạch, an thần, vận mạch... Sau 12 ngày điều trị tích cực, hiện bệnh nhân vừa được xuất viện về nhà, sức khỏe ổn định, không để lại di chứng.
Theo bác sĩ Hào, thời điểm giao mùa chuyển lạnh, số ca nhồi máu cơ tim nhập viện gần đây tăng. Có đêm phải cấp cứu liên tiếp 3 trường hợp nhồi máu cơ tim nặng.
Nhồi máu cơ tim cấp là tình trạng một hay nhiều nhánh động mạch vành bị tắc nghẽn, gây thiếu máu cơ tim đột ngột và hoại tử vùng cơ tim bị thiếu máu.
Do đó, để giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim đặc biệt trong thời điểm thời tiết trở lạnh từ đây đến Tết Nguyên đán, bác sĩ Hào khuyến cáo người dân điều chỉnh chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường rau củ quả, tăng cường vận động, thể dục thể thao. Khi có dấu hiệu bất thường như đau thắt ngực, khó thở, không nên chủ quan mà nên đến các cơ sở y tế thăm khám sớm.
Ngoài ra, cần kiểm soát các yếu tố nguy cơ như các bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, gout, rối loạn lipid máu... Nếu có các yếu tố nguy cơ, người bệnh cần chú ý tầm soát định kỳ và có lối sống lành mạnh để phòng ngừa bệnh.
Bình luận (0)