Khởi hành từ mùng 6 tết ở Cần Thơ, mục tiêu của anh Dương là đến đỉnh Phan Xi Păng trong 1 năm. Suốt hành trình, anh cập nhật lên mạng xã hội và nhận được nhiều lời chúc bình an từ cư dân mạng.
"Khi mình nỗ lực, mình sẽ đứng ở điểm cao nhất"
Đang làm cho một bệnh viện nhà nước, anh Dương rời khỏi đơn vị và khiến cả nhà "sốc" hơn khi anh thông báo sẽ đi bộ từ nhà đến đỉnh núi cao nhất Việt Nam với vài bộ quần áo, chiếc võng và 1 máy đo huyết áp. "Tôi chọn đỉnh Phan Xi Păng làm đích đến vì muốn truyền tải thông điệp: khi mình nỗ lực, mình sẽ đứng ở điểm cao nhất", anh nói.
Để hành trình thêm ý nghĩa, anh kết hợp bán bút gây quỹ giúp những điểm trường khó khăn mà anh đi qua. Cách bán bút của người đàn ông 36 tuổi cũng thật lạ: không chào mời và giá bút tùy thuộc vào số ngày anh đã đi bộ. Lý giải điều này, anh cho hay: "Ngày đầu xuất phát tôi bán 10.000 đồng/cây, đến khi được 50 ngày đi bộ thì tôi bán 50.000 đồng/cây. Số ngày càng dài, tức là tôi đã càng gần tới đích. Tôi phải tăng giá bút lên để giúp được nhiều trường hơn nữa".
Anh Dương là bố đơn thân, khi quyết định đi bộ xuyên Việt phải gửi con trai 4 tuổi nhờ mẹ chăm sóc. Gần 100 ngày với cung đường từ Cần Thơ lên các tỉnh Tây nguyên rồi đến Trung Trung bộ, người đàn ông 36 tuổi hiện dừng chân ở Quảng Trị, quê gốc của mẹ anh. Tại đây, anh dành thời gian nghỉ ngơi, hồi sức và có thêm nhiều khách hàng là bạn bè mua bút với giá từ 500.000 - 1.000.000 đồng/cây. "Không chỉ là trải nghiệm văn hóa, con người ở từng nơi tôi đi qua, mà từ tiền bán bút, tôi ghé vào các trường, tặng 500.000 đồng cho học sinh khó khăn", ông bố đơn thân bộc bạch.
Tiết kiệm tối đa để giúp trẻ khó khăn
Không chào mời mà trên ba lô của anh Dương có dòng chữ: "Gây quỹ vì trẻ em nghèo hiếu học. Bán bút 50k/cây. Đi bộ xuyên Việt Cần Thơ - Sa Pa" nên việc gây quỹ cũng chưa được như kỳ vọng. Nhưng với quyết tâm của mình, anh đã ghé được 12 điểm trường, mỗi điểm nhờ thầy cô giới thiệu 1 em học sinh khó khăn để tặng 500.000 đồng, rồi lại tiếp tục hành trình. Dọc đường đi, anh thường ngủ nhờ ở cây xăng, quán cà phê võng. Gặp nơi quá hẻo lánh không tìm ra 2 địa chỉ trên thì anh xin ngủ nhờ ở hiên nhà dân… Anh tâm sự: "Tôi chọn ngủ ở những nơi như vậy để tiết kiệm chi phí, trường hợp không bán được bút thì tôi đắp vào để ghé các điểm trường".
Quá trình thử thách bản thân, mỗi ngày anh đều liên lạc về gia đình qua mạng xã hội. "Càng đi tôi càng nhớ con nhưng vẫn quyết không bỏ cuộc. Có người tưởng tôi điên, tôi chỉ cười đáp lại. Vì tôi biết tôi đang đi bộ để trải nghiệm, để học những bài học từ cuộc sống", anh nói.
Nói về hành trình của con trai, bà Lê Thị Bé (63 tuổi, mẹ anh Dương) cho biết từng cản vì sợ con gặp nguy hiểm trên đường đi, nhưng rồi chính bà lại là người động viên: "Tôi cũng là người mua cây bút đầu tiên của con rồi động viên con cố gắng đi trong 1 năm thôi. Mỗi ngày, tôi mở kênh YouTube của con để xem con đi đến đâu, rồi gọi video cập nhật tiếp. Bạn bè tôi cũng theo dõi và động viên khi biết ý nghĩa chuyến đi của Dương".
Cô Dương Thị Hiệp, giáo viên Trường mầm non Phú Tân (H.Định Quán, Đồng Nai), xác nhận anh Dương đã ghé qua trường trao 500.000 đồng cho 1 bé mồ côi cha mẹ, ở cùng ông ngoại bị ung thư. "Tôi rất bất ngờ vì điểm trường của tôi nằm ở vùng sâu, bất ngờ hơn nữa khi ảnh đi bộ vào trường và giải thích hành trình rồi tặng quà giúp học sinh", cô Hiệp bày tỏ.
Bình luận (0)