Người đàn ông đi xe 'cùi', hành động còn sang hơn chiếc SH

06/09/2018 12:09 GMT+7

Một câu chuyện nghe qua rất đỗi bình thường nhưng hóa ra lại thật khác thường giữa những tất bật mưu sinh. Cuộc đời rất đẹp nhờ những mảnh ghép như 2 chiếc xe máy “cùi” mà giá trị… hơn cả siêu xe này.

Chiều cuối tuần, chúng tôi có việc phải đi Bà Rịa. Xe rẽ vào Quốc lộ 51 từ hướng Nhơn Trạch (Đồng Nai) vừa lúc trời sập tối, trời nhiều mây như thể sắp mưa tới nơi. Nhân lúc đường thông thoáng tôi quyết định tăng tốc. Bỗng. Cộp! Cạch. Cạnh. Lạch cạch. Lạch cạch cạch… rồi chậm dần. Tấp xe vào lề kiểm tra nhưng cũng chẳng biết tại sao đành dẫn bộ.
1.
Vừa đi được chừng năm bảy bước, một chiếc xe máy trờ tới. “Xe hết xăng hả?”, người đàn ông đi xe máy giảm tốc độ bên cạnh chúng tôi hỏi. “Không. Chết máy không biết vì sao”, tôi miễn cưỡng trả lời. Chiếc xe máy vượt qua, rồi dừng lại. Đó đúng nghĩa là một chiếc xe gắn máy vì gần như chỉ còn mỗi khung sắt, động cơ và yên xe. Nó đang cõng một gia đình 3 người. “Anh lên xe đi. Tôi đẩy giúp một đoạn”, người đàn ông chừng hơn 30 tuổi ốm, đen mặc bộ đồ đầy bụi bẩn đề nghị giúp đỡ.
Phía sau anh là một người vợ nhỏ thó. Phía trước là đứa con gái khoảng 2 tuổi. Cả 3 con người trông rất lam lũ, đầy vẻ mệt mỏi sau một ngày lao động vất vả. “Không biết chiếc xe cùng người đàn ông ốm yếu này sẽ đẩy xe mình đi được bao xa?”, tôi ngập ngừng một chút trước khi nhận lời. Quả thật, 5 người trên 2 chiếc xe máy với một động cơ “thời Bảo Đại” di chuyển còn chậm hơn xe đạp. Cũng may đi được một đoạn ngắn thì gặp tiệm sửa xe, nói đúng ra là tiệm vá xe bên đường.
Tôi đẩy xe vào tiệm. Anh định bỏ đi. “Anh ơi chờ giùm em một chút”, tôi kịp ngăn lại. Một là để phòng tiệm đóng cửa. Hai là để cảm ơn anh.
Dự đoán một của tôi chính xác, bà chủ nhà bảo thợ nghỉ đi chơi rồi. Cũng vừa lúc đó một người đàn ông đi xe máy tấp vào. “Xe bị sao vậy”, anh hỏi. “Dạ. Đang chạy tự dưng chết máy”, tôi đáp.
Bà chủ tiệm vá xe có vẻ quen với người đàn ông vừa tới, cất giọng hỏi: “Sao biết mà ghé vô?”. “Tôi đi phía sau thấy họ đẩy xe cho nhau nên ghé vô coi thử”, anh đáp. Anh hỏi kĩ hơn về sự cố rồi đoán bệnh: “Chắc đứt dây curoa rồi. Chỉ cần thay dây mới, nhanh thôi”.
May quá! Tôi nghĩ thầm rồi chạy ra phía trước cảm ơn gia đình đã đẩy xe giúp mình. “Em cảm ơn anh chị rất nhiều! Cho em gởi ít tiền mua bánh cho bé”, tôi thành thật cảm ơn. Anh từ chối. Tôi nói khéo mấy lần anh mới thay đổi ý định. “Chú cho tiền ăn bánh kìa. Con cầm rồi cảm ơn chú đi”, anh bảo đứa con gái ngồi phía trước, mặc cái áo khoác màu hồng đã bạc. Đứa bé ngoan ngoãn khoanh tay cảm ơn rồi cầm tiền. Chúng tôi chào tạm biệt nhau, rồi họ lao đi.
Có những người dù chạy xe "cùi" nhưng tấm lòng đầy ắp tình người Ảnh minh họa: Ngọc Dương
2.
Quay vào trong. Bà chủ tiệm mang hộp đồ nghề ra cho mượn. Người đàn ông “chẩn bệnh” lại một lần nữa rồi mở máy để thay dây curoa. Nhưng xe bị bệnh nặng hơn nhiều. Nguyên nhân là do hết nhớt (tôi đã định đi rửa xe thay nhớt mấy lần rồi nhưng cứ chần chừ). “Phải làm máy lại. Mai mới có thể xong”, anh phán.
“Tôi thật sự rối. Biết làm sao với đống sắt vun bung bét này? Rồi đi Bà Rịa bằng cách nào???”, một mớ câu hỏi nhảy múa trong đầu tôi. “Anh về tới đâu lận”, người đàn ông hỏi. “Bà Rịa”, tôi đáp. “Đi chơi hay về nhà”, anh tiếp. “Dạ về nhà”, tôi đáp lại.
Tất cả cùng im lặng một lúc…

“Anh chạy chiếc xe này được không. Anh lấy xe tôi về. Để xe này lại tôi sửa, khoảng tới trưa mai là xong. Khi nào về lại Sài Gòn anh ghé lấy”, anh thợ vừa nói vừa chỉ về phía chiếc xe đậu phía ngoài. Tôi nhìn chiếc xe. Im lặng. Chiếc xe dựng bên ngoài của anh chỉ khá hơn chiếc xe của đôi vợ chồng kia một chút.
“Nó có chở mình tới nơi?”, tôi lo lắng chưa biết tính sao. Tôi lại quan sát người đàn ông. Anh khoảng ngoài 40 mươi, đen, tay chân còn đầy dầu nhớt có vẻ là thợ sửa xe thật hay làm nghề gì đó tương tự. Cũng chẳng còn cách nào khác tôi đành miễn cưỡng lên tiếng: “Dạ được. Cảm ơn anh!”
Người chủ tiệm khều nhẹ vào tay tôi. Tôi không quay lại vì đang tập trung quan sát người đàn ông. Bà lại khều tiếp cùng lúc nói nhỏ để tôi vừa đủ nghe “thằng này nó không biết gì đâu. Đừng giao xe cho nó. Không được đâu”. Thấy tôi không quan tâm. Bà đổi thái độ, lớn giọng cho tất cả chúng tôi nghe: “Cái này là hai thằng mày tự giải quyết với nhau, tao không biết, không có trách nhiệm gì đâu nghe. Hay em gọi xe tải đến chở về sửa đi”. Không ai đáp lời. Bà lại tiếp: “Tụi mày tự thoả thuận giá cả. Lấy số để liên hệ với nhau nhé. Mai có chuyện gì thì tự xử với nhau”.
“Anh lấy số của tôi đi”, người đàn ông nói. Tôi lấy số. Bấm gọi vào máy anh. “Anh lấy thêm số của vợ tôi luôn đi cho chắc, nếu anh không tin tôi”, anh gợi ý. “Dạ không cần đâu. Số của anh vậy là đủ rồi”, tôi đáp. Vì có lấy thêm số của vợ anh, nếu mai không gọi được cho anh thì có gọi cho vợ anh cũng vậy thôi, lấy làm gì, tôi nghĩ. “Nhà tôi còn chiếc xe tốt hơn, để tôi gọi thử xem con tôi có lấy đi chơi đâu không”, anh vừa nói vừa bốc máy gọi. Nhưng rủi thay xe không có ở nhà. “Dạ em đi xe này cũng được mà”, tôi đáp trong sự thất vọng. Anh lại gọi về nhà kêu người đi mượn xe lên đón, đẩy xe tôi về. Anh cũng không quên hướng dẫn tôi cách sử dụng chiếc “siêu xe” của mình, nhắc phải đổ xăng vì xe sắp hết.

Được thể, bà chủ tiệm lại lên tiếng: “Đi đổ xăng chi, ở đây tôi có bán xăng nè. Mua ủng hộ, mở hàng giùm tôi một lít đi. Mà một lít có đủ đi tới Bà Rịa? Hay mua 2 lít luôn đi cho chắc. Chỉ mắc hơn bình thường một chút thôi, không nhiều đâu”… Tôi chiều ý bà, ít ra bà cũng cho mượn địa điểm và đồ nghề.
Tôi đưa anh tờ 500.000 đồng tạm ứng tiền sửa xe nhưng anh không nhận. Hành động của anh củng cố lòng tin trong tôi. Chúng tôi lên xe đi khi trời đã tối. Anh ở đó lắp lại đống sắt vụn trong lúc chờ người nhà.
3.
Tới nơi. Vệ sinh cá nhân, cơm nước xong tôi hơi bất ngờ nhận được điện thoại của anh: “Anh về tới nơi chưa?”. “Cảm ơn anh, tới rồi ạ”, tôi đáp. “Mai khi nào sửa xong tôi sẽ điện báo anh nha. Vậy thôi hé”, anh cúp máy.
Trưa hôm sau tôi chủ động gọi lại cho anh. “Sắp xong rồi. Giờ anh chạy từ từ lên là vừa”, anh báo. Tôi hẹn anh cuối giờ chiều. Y hẹn, chúng tôi gặp nhau. Anh giải thích: “Tối qua tôi gọi anh vì lo không biết xe có bị gì giữa đường?”. Ngoài tiền công, tôi gởi anh thêm ít tiền và quà chuẩn bị sẵn để cảm ơn. Anh ngần ngại cầm rồi sực nhớ: Sáng tôi lấy xăng trong xe anh để rửa máy. Giờ anh phải đổ xăng thêm mới về tới Sài Gòn được. Qua kế bên đổ xăng đi, tôi trả tiền cho. Tôi cảm ơn và từ chối. Anh dặn thêm: Anh chạy chậm chậm thôi. Xe mới làm máy lại nên phải chạy roda.
Chúng tôi chia tay nhau trong những lời cảm ơn. Khi về tới nhà, mở điện thoại ra. Tôi lại thấy cuộc gọi nhỡ của anh. Tôi gọi lại. Anh giải thích: “Chỉ là muốn hỏi thăm anh về nhà an toàn chưa”.
Cảm ơn anh và cả gia đình nọ, không hẳn do những điều họ làm mà vì “đời rất đẹp!”
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.