Khai thác bệnh sử, người nhà cho biết ông D. đi ngủ lúc 11 giờ 30 phút, sau đó khoảng 17 giờ 30 phút, ông D. thức dậy phát hiện liệt nửa người bên trái. Nghi ngờ dấu hiệu của đột quỵ nên người nhà nhanh chóng đưa ông đi cấp cứu.
Tại khoa Cấp cứu, ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ Đơn vị Đột quỵ Bệnh viện đa khoa Xuyên Á (TP.HCM) đánh giá đây là trường hợp đột quỵ và lập tức thực hiện các chỉ định cận lâm sàng phù hợp. Qua kết quả chụp MRI não cho thấy dấu hiệu nhồi máu não cấp.
Ngày 3.7, bác sĩ chuyên khoa 2 Diệp Trọng Khải - Trưởng Đơn vị Đột quỵ, hệ thống Bệnh viện đa khoa Xuyên Á cho biết, bệnh nhân nhập viện trong thời gian vàng nên được chỉ định sử dụng thuốc tiêu sợi huyết, khắc phục tình trạng tắc nghẽn động mạch (nguyên nhân gây ra đột quỵ). Kết quả chụp CT mạch máu não (CTA) ghi nhận hẹp nặng động mạch não giữa phải.
Sau 24 giờ sử dụng thuốc tiêu sợi huyết, bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn, có thể tự đi lại, sinh hoạt bình thường.
Bệnh sử cũng ghi nhận, trước đó bệnh nhân có tiền căn tăng huyết áp nhưng không điều trị thường xuyên.
Bác sĩ Khải cho biết, người đang mắc bệnh lý tăng huyết áp cần điều trị, kiểm soát tốt huyết áp để giảm thiểu nguy cơ đột quỵ. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cũng chỉ ra rằng các yếu tố nguy cơ hàng đầu đối với bệnh tim mạch và đột quỵ là tăng huyết áp, cholesterol cao, tiểu đường, hút thuốc lá, béo phì, chế độ ăn uống không lành mạnh và ít vận động. Trong đó, tăng huyết áp, tiểu đường và rối loạn lipid máu (tăng mỡ máu) là 3 nguy cơ quan trọng dẫn đến đột quỵ.
"Nếu có những dấu hiệu của đột quỵ thì đến ngay bệnh viện gần nhất có thuốc tiêu sợi huyết, có phương tiện cấp cứu để được điều trị kịp thời, tăng khả năng trở lại với cuộc sống bình thường sau đột quỵ. Việc phát hiện và nhập viện sớm trong thời gian vàng giúp tăng tỷ lệ cứu sống bệnh nhân đột quỵ", bác sĩ Khải khuyến cáo.
Bình luận (0)