"Việc rất cấp bách cần mọi người chung tay”
Anh Nguyễn Xuân Phúc, Giám đốc khách sạn Hanvet (đóng tại thôn Thành Long, xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), cho biết: “Việc dành toàn bộ khách sạn với 40 phòng nghỉ cho địa phương làm nơi cách ly tập trung cho người dân trở về từ vùng dịch Covid-19 được tôi quyết định ngay tức khắc khi được ngỏ lời mà không do dự gì. Bởi tôi biết, đây là việc rất cấp bách cần mọi người chung tay”.
Sáng 27.2, ông chủ khách sạn 38 tuổi trên được lãnh đạo UBND huyện Nghi Xuân gọi điện nhờ hỗ trợ vì gặp khó khăn trong việc tìm địa điểm cách ly cho 11 người dân địa phương trở về từ vùng dịch Hàn Quốc. Những ngày trước đó, địa phương đã chọn một vị trí ở xã Xuân Yên (huyện Nghi Xuân) làm địa điểm cách ly nhưng bị người dân nơi này phản đối.
“Những người ở địa phương từ nước ngoài trở về mục đích là để tránh dịch bệnh. Dù chưa biết họ có mang mầm bệnh hay không nhưng cần được cách ly để đảm bảo an toàn. Nếu để họ về ở tại nhà thì nguy cơ dịch bùng phát rất cao. Trong tình huống địa phương chưa tìm ra vị trí để cách ly và đi đâu cũng bị người dân phản đối nên tôi đã tự nguyện nhường lại toàn bộ khách sạn cho địa phương”, anh Phúc kể.
11 người dân trở về từ Hàn Quốc trước ngày 24.2 ngay lập tức được các ngành chức năng huyện Nghi Xuân đưa đến khách sạn Hanvet cách ly để giám sát và theo dõi tình trạng sức khỏe. Ngoài ra, 5 người thân tiếp xúc với những người này cũng được đến đây để cách ly.
Một đội ngũ y tế, lực lượng công an, biên phòng cũng được điều động đến để thực hiện việc kiểm tra thân nhiệt hàng ngày cho những người cách ly và đảm bảo an ninh trật tự.
|
“Tối hôm 27.2, một số người dân địa phương đã tụ tập trước khách sạn của tôi để phản đối. Ngoài dùng những lời lẽ miệt thị tôi và lực lượng chức năng thì có người còn ném cả đá vào bên trong khách sạn.
Nhưng hiểu được sự lo lắng của người dân và hơn hết là phải có trách nhiệm giúp đỡ những người từ vùng dịch trở về nên tôi chấp nhận bị người dân kỳ thị như vậy”, anh Phúc tâm sự và cho biết sau khi được ngành chức năng giải thích, những người dân phản đối sau đó cũng tự động trở về nhà.
Tất cả 16 người cách ly được bố trí ăn ở tại 12 phòng trong khách sạn Hanvet để thực hiện việc cách ly trong vòng 14 ngày. Và trong suốt những ngày ấy, anh Phúc dù không tiếp xúc trực tiếp với những người được cách ly nhưng anh và 5 nhân viên của khách sạn đã tự nguyện ở lại để phục vụ các công việc cần thiết cho tổ giám sát y tế tại đây khi được yêu cầu.
Thở phào vì người cách ly an toàn với dịch
Những ngày khách sạn cho người cách ly đến ở, mặc dù bản thân đã có việc làm rất nhân văn nhưng anh Phúc vẫn tự vấn bản thân rất nhiều. Anh nghĩ nếu không may trong số người cách ly mắc Covid-19 thì chắc chắn anh sẽ càng bị người dân xung quanh kỳ thị nhiều hơn, đó là chưa kể việc kinh doanh của anh sau này sẽ bị ảnh hưởng.
Ngày 12.3 vừa qua là hết thời hạn cách ly. Rất may, cả 16 người dân được cách ly trong khách sạn Hanvet sức khỏe đều bình thường, nên được cho về nhà. Lúc này, anh Phúc mới thở phào nhẹ nhõm vì tất cả họ đều an toàn với dịch.
|
“Tôi làm việc này là vì tình thương với người dân quê hương mình. Bởi chẳng ai mong muốn đưa dịch bệnh về nhà mình cả. Tôi cũng không đòi hỏi địa phương hỗ trợ gì sau thời gian nhượng lại khách sạn cho người cách ly”, anh Phúc nói.
Anh Phúc nở nụ cười rất tươi vì bây giờ những người dân phản đối anh đã hiểu được việc làm ý nghĩa và có sự “liều lĩnh” của mình. Chưa biết việc kinh doanh có bị ảnh hưởng hay không, nhưng anh Phúc tin rằng việc làm của mình sẽ được cộng đồng chia sẻ.
Ông Phan Tấn Linh, Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân (Hà Tĩnh), cho hay mặc dù khách sạn Hanvet đang chuẩn bị đón khách trong mùa du lịch biển sắp tới nhưng anh Phúc vẫn tự nguyện nhường lại toàn bộ cơ sở vật chất cho người dân địa phương trở về từ vùng dịch có nơi ăn, chốn ở để cách ly. Anh Phúc có việc làm rất ý nghĩa vì đã giúp chính quyền địa phương trong việc thực thi nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.
|
Bình luận (0)