Được biết, anh đã làm hơn trăm ngôi nhà xưa và nhiều dãy phố cổ, trong đó có tác phẩm được trưng bày tại bảo tàng tỉnh Nam Định.
Tái hiện nhà cổ là niềm vui
Từng sống trong một ngôi nhà cổ, ký ức tuổi thơ đã nuôi dưỡng nơi anh Dũng một tình yêu lớn với phong cách kiến trúc Đông Dương. Theo anh, "những căn nhà này luôn có điều gì rất đặc sắc vì là sự hòa trộn giữa các phong cách. Từ màu sơn vàng đặc trưng có khả năng chống rêu mốc đến thiết kế mái vòm uyển chuyển, tất cả tôi đều khiến tôi ấn tượng và ghi nhớ rõ".
Tuy nhiên, cơ duyên chỉ thật sự đến vào năm 2019, anh Dũng bắt đầu mày mò làm mô hình trong thời gian giãn cách dịch Covid-19. Nhờ học hỏi thêm từ việc tham gia câu lạc bộ sa bàn cùng với năng khiếu sẵn có, anh đã tận dụng tất cả vật liệu sẵn có ở nhà như nhựa, dây điện, tấm nhựa formex để luyện tay nghề.
Nhớ lại những sản phẩm đầu tiên, anh Dũng chia sẻ: "Khi ấy tôi làm chỉ để thỏa mãn đam mê. Mô hình thủ công còn nhiều điểm chưa hoàn thiện nên vẫn tự ti. Cho đến khi một người anh trong Nam mua ủng hộ, động viên tôi đây là một công việc ý nghĩa, không chỉ đem lại giá trị tinh thần mà nếu bán cũng tạo thêm thu nhập, từ đó đã giúp tôi vững bước hơn trên con đường này".
Hiện tại, anh Dũng vừa theo đuổi nghề này tại nhà vừa làm việc ở một công ty kiến trúc. Tùy vào độ phức tạp của nguyên mẫu, anh dành khoảng 2-3 tuần để hoàn thiện một ngôi nhà bình thường hoặc vài tháng đối với những công trình lớn hơn. Quy trình làm cũng phải trải qua nhiều bước, từ nghiên cứu tài liệu, khảo sát thực tế, tính toán tỉ lệ, thiết kế mô hình 3D, bản vẽ 2D đến cắt ghép chi tiết, sơn hiệu ứng mô hình để hoàn thiện.
"Từng ngôi nhà đều có đặc trưng riêng nên sẽ không có "công thức" nhất định. Mỗi lần bắt tay vào làm đều là một trải nghiệm mới, tuy nhiên quan trọng nhất là phải đảm bảo sát nguyên mẫu nhất có thể. Một số ngôi nhà tôi từng làm có hoa văn lạ, làm mãi nhưng vẫn hỏng, không đúng ý, tôi cứ để đấy đi chơi cho đầu óc thoải mái rồi quay lại tìm hiểu tiếp, chưa từng có ý định từ bỏ vì nó là niềm vui mỗi ngày", anh chia sẻ.
Từ mỗi ngôi nhà được làm ra, anh Dũng cũng có cơ hội biết thêm những câu chuyện thú vị trong quá trình tìm kiếm thông tin, trao đổi với chủ nhà để xin phép chụp hình, đo đạc. Bên cạnh đó, một số người còn đặt hàng anh tái hiện lại nhà ở của mình. Thậm chí một vị khách từng nhờ anh làm mô hình ngôi nhà cổ ở phố Hàng Tiện để tặng thầy giáo vì đó là nhà của thầy, khiến thầy rất hạnh phúc, khiến anh Dũng cũng vui lây.
Nghề "hoài niệm"
Anh Dũng tự gọi mình là người bán "hoài niệm" từ việc làm "sống lại" những giá trị xa xưa giờ chỉ còn nằm lại trong ký ức nhiều người. Theo lời anh kể, Nam Định - quê hương của anh có phố cổ Thành Nam. Tuy nhiên hiện tại đã không còn nhiều phố như xưa, một số căn nhà cổ cũng dần bị phá bỏ hay hư hại qua thời gian.
Do đó, mong muốn lớn nhất của "người con Nam Định" này là có thể tái hiện, phục dựng được thật nhiều công trình cổ đã đi qua bao năm tháng lịch sử cùng dân tộc.
Đối với anh Dũng, khâu phủ "màu thời gian" cho mô hình đặc biệt quan trọng vì nó quyết định cảm nhận của người xem. "Việc tạo màu sắc gần 100 năm trên một mô hình vừa làm mới toanh là rất thử thách. Do đó, tôi phải cố gắng để người xem khi nhìn thấy liền nhận ra ngay đó là công trình nào, nếu không thì nó vô giá trị. Gợi được cảm giác cổ xưa cũng là gợi về ký ức tuổi thơ một thời của họ, khiến họ xúc động và hoài niệm về những gì đất nước đã trải qua", anh nói.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi anh Dũng làm mô hình của ngôi nhà tại ngã 3 phố Nguyễn Văn Tố giao với phố Nguyễn Quang Bích (Hà Nội). Chỉ với bức ảnh chụp do không thể đi xem thực tế trong thời gian dịch Covid-19, anh đã mày mò 3 tháng để tái hiện công trình gần sát nguyên mẫu và đăng lên mạng xã hội. Theo anh kể, "tôi may mắn nhận được bình luận của nhà văn Chu Lai xác nhận rằng ông sinh ra tại đây, còn cung cấp tài liệu là giấy chứng sinh tại nhà hộ sinh đó. Đây là niềm hạnh phúc vô bờ sau khi hoàn thành sản phẩm, tôi được biết thêm nhiều câu chuyện mà trong quá trình tìm kiếm thông tin không thể nào tìm ra".
Trên hành trình ý nghĩa này, anh Dũng cũng nhận được sự ủng hộ rất lớn từ gia đình. Chia sẻ với PV Thanh Niên, vợ anh Dũng - chị Nguyễn Thị Minh Ngà (40 tuổi) tâm sự: "Lúc đó dịch hạn chế ra ngoài đường, ở nhà không có việc gì làm nên tôi rất vui khi thấy anh ngày ngày mày mò cắt vẽ. Sau này các tác phẩm được biết đến nhiều hơn nhưng anh vẫn còn e ngại chuyện quảng bá. Do đó, tôi thường phụ anh đăng bài, chia sẻ lên các hội nhóm rồi dần dần trở thành công việc chính luôn".
Chị Ngà cho biết hai con của anh chị cũng được truyền tình yêu với nhà xưa, phố cổ từ bố. Anh hướng dẫn cho các con làm, kể cho các con nghe về văn hóa, lịch sử dân tộc thông qua kiến trúc. "Hai cháu đi ngoài đường phố cũng để ý những ngôi nhà cổ, thấy công trình nào cũng phấn khích bảo nhà này giống nhà bố làm", chị chia sẻ.
Bình luận (0)