“Khai tử” hồ làm nhà ở
Phản ánh đến Thanh Niên, gần 100 hộ dân ở tổ 11 và 12 thuộc P.Ngọc Thuỵ , Q.Long Biên, TP.Hà Nội bày tỏ sự phản đối trước chủ trương san lấp 2 hồ là Xuân Quế và Sơn Thuỷ trong ngõ 264 đường Ngọc Thuỵ có diện tích rộng hơn 1,2 ha để chuyển đổi làm đất ở.
Nhiều người dân ở tổ 11 và 12 phản đối chủ trương lấp hồ Xuân Quế và Sơn Thuỷ để làm đất ở |
lê quân |
Theo người dân, 2 hồ Xuân Quế và Sơn Thuỷ nằm trong quy hoạch ven tuyến đường lớn, nếu lấp hồ làm đất ở thì giá bán sẽ rất cao nhưng cộng đồng xung quanh mất đi "lá phổi xanh" |
lê quân |
Bà Trần Thị Kim Dung và nhiều người dân không đồng tình với chủ trương lấp hồ kể trên làm đất ở cho biết, khu vực tổ 11 và 12 là vùng trũng của P.Ngọc Thuỵ nên 2 hồ Xuân Quế và Sơn Thuỷ có chức năng trữ nước mỗi khi mưa, hạn chế ngập úng. “Đây là vùng trũng. 2 hồ Xuân Quế và Sơn Thuỷ đã tồn tại hàng chục năm qua, nếu lấp hết hồ đi thì mỗi khi trời mưa, nhà của gần 100 hộ dân chúng tôi sẽ khó tránh khỏi cảnh ngập lụt, cuộc sống sẽ gặp nhiều khó khăn”, bà Dung nói.
Cũng theo bà Dung, ban đầu hồ được giao cho một số hộ gia đình nuôi thuỷ sản. Sau đó, các hộ này cải tạo lại để mở dịch vụ ăn uống ven hồ, câu cá, hàng năm vẫn đóng thuế đầy đủ theo quy định.
“Nhiều năm qua, ngoài chứa nước, tránh ngập lụt cho khu vực thì 2 hồ Xuân Quế và Sơn Thuỷ còn là cảnh quan thiên nhiên, "lá phổi xanh" của cả khu dân cư hàng nghìn người. Nay lấp đi để chuyển đổi thành đất ở, xây dựng nhà cửa lên, dân số gia tăng, thêm áp lực hạ tầng xã hội cho cả khu vực. Lá phổi xanh của cả nghìn người thành khối bê tông thì người dân chúng tôi không thể đồng ý”, bà Nguyễn Thị Mai, ở tổ 11 nêu ý kiến.
Nhà người dân ở tổ 11 và 12 P.Ngọc Thuỵ bị ngập lụt trong trận mưa lớn hồi năm 2008. Người dân lo lắng, do khu vực này là vùng trũng nên nếu lấp hồ thì rất dễ bị ngập mỗi khi trời mưa |
người dân cung cấp |
Ông Nguyễn Văn Tuân, ở tổ 12, P.Ngọc Thuỵ cho biết, nội thành Hà Nội đất chật người đông, hiện không còn nhiều hồ, ao do đã bị san lấp, chuyển đổi thành đất ở nhiều. Không gian sống, hành lang xanh bị thu hẹp, thiếu thốn nên mùa hè rất bức bí, ngột ngạt.
“Công tác quy hoạch cần thấy rõ như vậy để rút kinh nghiệm chứ không nên vì đất tăng giá mà vẽ quy hoạch rồi đè theo đó mà triển khai dù không hợp lòng dân, cộng đồng dân cư bản địa phản đối. Tại sao khi làm quy hoạch, không tham khảo ý kiến người dân chúng tôi?”, ông Tuân bức xúc.
Cũng theo ông Tuân, Q.Long Biên và TP.Hà Nội cần xem xét lại việc lấp hồ trên địa bàn do số lượng những "lá phổi xanh" có chức năng điều hoà môi trường sống của cộng đồng dân cư không còn nhiều. Nếu không dừng lại, thì rất có thể, thời gian tới, khu vực Long Biên cũng sẽ ngột ngạt như khu trung tâm Hà Nội.
Người dân sẽ gửi đơn lên cấp cao hơn TP.Hà Nội để cứu 2 hồ
Nhiều người dân ở tổ 11 và 12 P.Ngọc Thuỵ cho biết, đã làm đơn gửi chính quyền địa phương, UBND Q.Long Biên và TP.Hà Nội bày tỏ phản đối chủ trương lấp hồ làm đất ở nhưng đã nhiều tháng qua vẫn chưa được giải quyết, nên đang tiếp tục gửi đơn kêu cứu lên các cấp cao hơn. Những hộ dân đang kinh doanh hồ câu, nhà hàng ở 2 hồ Xuân Quế và Sơn Thuỷ cũng đồng lòng dừng dịch vụ, nhưng mong muốn giữ nguyên được hồ tự nhiên, bảo tồn được không gian sống của cộng đồng dân cư.
Theo một số hộ dân, vài ngày gần đây có diễn biến mới là dù người dân tiếp tục phản đối việc san lấp hồ nhưng Q.Long Biên đang lắp máy bơm nước chuẩn tát cạn nước hồ để san lấp.
Lấp hồ Xuân Quế và Sơn Thuỷ không chỉ làm mất nơi chứa nước mà còn mất đi không gian thoáng đãng, "lá phổi xanh" của hàng trăm hộ dân |
lê quân |
Đáng chú ý, nhiều người dân ở P.Ngọc Thuỵ cũng cho hay, liền kề với 2 hồ sắp bị “khai tử” là một số khu đất khá rộng, được quây tôn từ vài năm qua. Trước đó là đất ruộng “xen kẹt”, đã có chủ. Nếu hai chiếc hồ này bị lấp, sẽ được nối liền với khu đất nói trên và trở thành “đất vàng”.
Đại diện UBND Q.Long Biên cho biết, diện tích bị thu hồi ở 2 hồ Xuân Quế và Sơn Thuỷ là khoảng 8.000 m2 do UBND P.Ngọc Thuỵ quản lý, cho các hộ dân thuê để nuôi trồng thủy sản từ lâu.
Đại diện UBND Q.Long Biên thừa nhận, việc thu hồi 2 hồ tự nhiên nói trên nhằm phục vụ các dự án nhà ở. Theo đó, từ năm 2016, UBND Q.Long Biên phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tại các ô quy hoạch có ký hiệu A4/NO4; A8/NO1; A8/NO2; A4/HH2; A4/HH3 và các tuyến đường phụ cận theo quy hoạch phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất tại địa bàn P.Ngọc Thụy. Dự án có diện tích 4,26 ha với tổng mức đầu tư hơn 117 tỉ đồng từ nguồn ngân sách. Dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Q.Long Biên làm chủ đầu tư, đang tuân thủ đúng pháp luật.
Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn đang nằm trên giấy. Tuyến đường 40m đi qua dự án mới thi công được 1 phần. Hai bên đường, các hạng mục vỉa hè, đường điện… vẫn còn ngổn ngang; các tuyến đường đấu nối, đường nhánh đang ở công đoạn làm cống thoát nước… Dự án chậm tiến độ là do công tác thu hồi đất, kéo theo dự án bị chậm. UBND Q.Long Biên đã có quyết định gia hạn triển khai dự án đến năm 2023. Việc triển khai tiếp theo quy hoạch hay có điều chỉnh đều phụ thuộc vào TP.Hà Nội.
Bình luận (0)