Người dân sẽ được chọn đơn vị bán điện ?

15/09/2020 06:29 GMT+7

Bộ Công thương vừa phê duyệt đề án thiết kế thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, với nhiều nội dung rất nhiều người quan tâm, như mô hình bán lẻ cạnh tranh, cơ chế giá bán lẻ...

“Được lựa chọn đơn vị bán lẻ có giá phù hợp”

Cụ thể, việc xây dựng và phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh được thực hiện theo các giai đoạn sau: Giai đoạn 1 (2020 - 2021) là giai đoạn chuẩn bị về hệ thống văn bản pháp lý, cơ sở hạ tầng, nhân lực (cho giai đoạn 2), song song đó sẽ triển khai các nghiên cứu, đánh giá để hoàn thiện cơ chế cụ thể cho giai đoạn sau. Đến giai đoạn 2 (2022 - 2024) là giai đoạn các khách hàng sử dụng điện lớn tham gia mua điện từ thị trường giao ngay. Ở giai đoạn này, các khách hàng lớn (tùy theo sản lượng điện tiêu thụ) sẽ được quyền lựa chọn tham gia thị trường điện bán buôn, trong khi các khách hàng còn lại tiếp tục mua điện từ các tổng công ty điện lực.
Tiếp đó, đến giai đoạn 3 (sau 2024) sẽ mở rộng đối tượng khách hàng sử dụng điện lớn quyền lựa chọn tham gia thị trường bán buôn điện. Đặc biệt, ở giai đoạn này, sẽ mở rộng thị trường bán lẻ điện trên toàn quốc, cho phép một số khách hàng đáp ứng đủ điều kiện về sản lượng, công suất tiêu thụ và cấp điện áp đấu nối tại một số khu vực được quyền lựa chọn, thay đổi đơn vị bán lẻ điện. Các khách hàng sử dụng điện còn lại vẫn phải tiếp tục mua điện từ các tổng công ty điện lực.

Nhiều chuyên gia đề xuất giá điện 3 bậc

Về mô hình, cơ quan quản lý cho hay sẽ thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thông qua việc trao quyền cho khách hàng sử dụng điện được lựa chọn, thay đổi đơn vị cung cấp điện theo 3 mô hình: Một là khách hàng lớn tham gia mua điện trên thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Hai là khách hàng sử dụng điện được lựa chọn, thay đổi đơn vị bán lẻ điện. Ba là kết hợp giữa 2 mô hình trên.
Trong số này, đáng chú ý là với mô hình 2 (khách hàng sử dụng điện được lựa chọn, thay đổi đơn vị bán lẻ điện), các đơn vị bán lẻ điện sẽ mua điện từ thị trường bán buôn cạnh tranh. Các đơn vị bán lẻ ở đây ngoài 5 tổng công ty điện lực (miền Bắc, miền Trung, miền Nam, Hà Nội, TP.HCM thuộc EVN) thì còn các đơn vị bán lẻ điện tư nhân (và các đơn vị bán lẻ điện mới).
Theo đề án này, cơ chế giao dịch mua bán như sau: Khách hàng tham gia thị trường bán lẻ điện được quyền lựa chọn đơn vị bán lẻ có giá phù hợp để ký hợp đồng. Mức giá trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất giữa hai bên mà không có sự can thiệp của nhà nước. Đơn vị bán lẻ có thể cung cấp các gói với hình thức gồm mức giá cố định hoặc theo giờ cao điểm - thấp điểm hoặc theo ngày thường - ngày nghỉ. Các khách hàng không tham gia thị trường bán lẻ sẽ ký hợp đồng mua điện với các đơn vị bán lẻ mặc định trong khu vực địa lý của khách hàng với mức giá được điều tiết do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

Có thể vẫn cần khung giá trong thời kỳ đầu

Dù vậy, đề án cho hay trong giai đoạn đầu khi vận hành thị trường cạnh tranh bán lẻ điện, cơ quan có thẩm quyền có thể quy định về khung giá áp dụng cho các mức giá do đơn vị bán lẻ chào với khách hàng. Khi thị trường đã phát triển ổn định, đảm bảo tính cạnh tranh, sẽ xem xét bỏ quy định khung giá.
Trong báo cáo mới đây để giải trình trước Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Công thương khẳng định thị trường điện cạnh tranh (3 cấp độ: phát điện cạnh tranh; bán buôn điện cạnh tranh; và bán lẻ điện cạnh tranh) đang “đi đúng lộ trình”.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, việc hoàn thiện một thị trường bán lẻ điện là cả một chặng đường dài ở hầu hết các nước. Đơn cử tại Úc, thị trường bán lẻ điện cạnh tranh ở bang New South Wales cần 12 năm (từ 2002 - 2014) mới hoàn chỉnh. Tại bang South Australia, thời gian cần thiết là 10 năm. Còn bang Tasmania được triển khai từ 2014 và đến nay vẫn còn sự can thiệp của chính quyền thông qua giá trần. Trong khu vực Đông Nam Á, hiện chỉ có Singapore đạt đến cấp độ cạnh tranh bán lẻ hoàn chỉnh từ tháng 5.2019, sau 18 năm thúc đẩy, triển khai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.