Chưa khi nào gia đình bà Phan Thị Tuyết (47 tuổi, ngụ thôn 4, xã Sơn Diệm) và nhiều hộ dân trong thôn sinh sống bên bờ sông Ngàn Phố lại cảm thấy lo lắng, bất an như thời gian này, dù họ đã ở đây suốt hàng chục năm qua. Dẫn chúng tôi ra phía sau nhà, bà Tuyết chỉ cho chúng tôi thấy mép sông đã áp sát nhà, cho biết tình trạng sạt lở bờ sông xảy ra nhiều năm nay và ngày càng nghiêm trọng hơn.
“Trước đây mép sông cách phía sau nhà tôi khoảng 4m thì nay đã sát tận chân móng của công trình phụ. Sợ nhà bị sập, mấy hôm nay tôi phải bỏ hàng chục triệu đồng thuê xe tải chở đất về san bồi để đẩy nước sông ra xa bên ngoài. Nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời, nếu chính quyền địa phương không sớm cho xây dựng bờ kè kiên cố thì đất đai, nhà cửa của gia đình tôi sẽ có nguy cơ bị đổ sập xuống sông”, bà Tuyết lo lắng.
Các hộ dân ở cạnh nhà bà Tuyết như chị Nguyễn Thị Hiền (40 tuổi) và ông Trần Đức Thành (60 tuổi) cũng trong tình cảnh tương tự. Suốt nhiều năm nay, sông cuốn trôi đất phía sau nhà khiến họ không khỏi hoang mang.
“Trước tình trạng bờ sông bị sạt lở như thế này thì dù ngôi nhà 2 tầng của gia đình tôi được xây dựng với nền móng kiên cố cũng không trụ được lâu. Cứ mỗi ngày trôi qua chúng tôi lại thêm lo lắng”, chị Hiền nói.
Còn ông Thành thì cho biết dù cho gia đình ông đã trồng một số loại cây phía sau nhà để giữ đất nhưng cũng không ngăn được tình trạng sạt lở. Đất đai, cây cối cứ nối nhau trôi xuống sông.
Không những đe dọa đến khu dân cư, tình trạng sạt lở bờ sông Ngàn Phố còn khiến tuyến QL8A, đoạn qua địa phận xã Sơn Diệm, bị uy hiếp theo, một số đoạn hiện cách mép sông rất gần.
Trao đổi với PV, ông Lê Khắc Ái, Chủ tịch UBND xã Sơn Diệm, cho hay tình trạng sạt lở bờ sông Ngàn Phố xảy ra lâu nay, cứ sau mùa mưa bão là sông lại “ăn” sâu vào đất liền. Toàn xã hiện có khoảng 40 hộ dân ở các thôn 2, 4 và 5 sinh sống bên bờ sông nằm trong vùng sạt lở. Lâu nay, khi mưa bão, lãnh đạo xã phải xuống vận động các hộ dân sống dọc bờ sông di dời người và tài sản để đảm bảo an toàn.
“Cách đây khoảng 10 năm, xã từng có phương án di dời các hộ dân nằm trong vùng bị sạt lở và cấp đất cho họ ở nơi khác để sinh sống nhưng người dân không đồng ý. Chúng tôi cũng đã đề xuất xin cấp trên cấp kinh phí làm bờ kè, vừa bảo vệ đất đai cho dân vừa đảm bảo an toàn QL8A. Tuy nhiên, do chưa xin được dự án nên việc kè lại bờ sông mới chỉ dừng lại ở việc đề xuất”, ông Ái nói.
Bình luận (0)