'Người dân thắc mắc gói hỗ trợ, phường mời Cảnh sát khu vực đối thoại trực tiếp'

03/11/2021 20:26 GMT+7

Tại buổi kiểm tra các chính sách hỗ trợ Covid-19 tại UBND Q.5 (TP.HCM), Chủ tịch UBND P.1 cho biết, khi người dân kiến nghị, thắc mắc gói hỗ trợ, địa phương sẽ mời cảnh sát khu vực, tổ dân phố đối thoại trực tiếp.

Sáng 3.11, đoàn công tác do Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM Lê Minh Tấn làm trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra tại UBND Q.5 về tình hình thực hiện các gói hỗ trợ Covid-19 cho người dân khó khăn vì Covid-19.

Đây là ngày thứ 2 TP.HCM bước vào đợt tổng kiểm tra việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Chủ tịch UBND P.1, Q.5 chia sẻ về cách triển khai gói hỗ trợ Covid-19 tại buổi kiểm tra

phạm thu ngân

Theo báo cáo của UBND Q.5, gói hỗ trợ đợt 1, địa phương đã hỗ trợ cho 10.793/10.874 lao động tự do với tổng số tiền hơn 16,1 tỉ đồng. Đợt 2, hỗ trợ cho 14.518/18.800 lượt người lao động tự do; hỗ trợ cho 148/309 hộ nghèo, cận nghèo và 9.882/10.178 hộ lao động khó khăn. Đợt 3, hỗ trợ cho 79.309/80.656 (đạt tỷ lệ 98,3%) với tổng số tiền hỗ trợ hơn 79,3 tỉ đồng.

Số người chênh lệch còn lại không nhận hỗ trợ là vì họ đã qua đời, không đúng đối tượng, đã nhận hỗ trợ nơi khác, sai thông tin, trùng... Địa phương sẽ thực hiện thu hồi hoàn kinh phí về ngân sách.

Q/5 (TP.HCM) có 14 phường, 99 khu phố và 827 tổ dân phố với 38.454 hộ gia đình, trong đó, dân tộc Hoa chiếm 35% dân số.

Tại buổi kiểm tra, đoàn công tác đã làm việc với những đơn vị, phòng ban chuyên môn của Q.5, đồng thời có những chất vấn, đề nghị cụ thể liên quan đến việc thực hiện các gói hỗ trợ Covid-19.

Bà Phan Thanh Bích Ngọc (Ủy ban MTTQ VN TP.HCM) đánh giá cao công tác triển khai, tuyên truyền, giám sát các chính sách hỗ trợ tại Q.5 (có 50/12.894 lượt phản ánh của người dân về gói hỗ trợ); đồng thời, thực hiện nhiều mô hình hay như mua vé số hỗ trợ người dân, vận động các nhà thu gom ve chai đem bán để tặng cho người nghèo.

Bà Nguyễn Thị Nga, Ủy viên chuyên trách Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM yêu cầu UBND Q.5 phân tích thêm cách thức triển khai gói đợt 3 từ quận đến phường, khu phố, tổ dân phố; việc hỗ trợ cho người lao động có giao kết hợp đồng làm việc tại các doanh nghiệp.

Bản tin Covid-19 ngày 3.11- Số ca mới nhiễm lại vượt mốc 6.000 - Nhiều nơi dịch bệnh đang nóng bỏng

Nhiều trường hợp người lao động thuộc diện thụ hưởng, nhưng doanh nghiệp không lập hồ sơ

"Việc người lao động nhận được hỗ trợ hay không, phụ thuộc rất nhiều vào sự chủ động của doanh nghiệp. Có nhiều trường hợp, người lao động thuộc diện thụ hưởng, nhưng doanh nghiệp không lập hồ sơ. Hoặc, có người lao động tự do làm việc trong các cơ sở kinh doanh như phụ quán, bán hàng... nhưng vì đợt giãn cách kéo dài, một số chủ quán chưa quan tâm lập danh sách hỗ trợ. Vì vậy, UBND Q.5 cần phân tích, báo cáo thêm việc triển khai, giải quyết những trường hợp này", bà Nga nêu vấn đề.

Đại diện HĐND TP.HCM chất vấn, kiến nghị tại buổi kiểm tra

phạm thu ngân

Bà Trương Lê Mỹ Ngọc, Phó trưởng ban Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM đánh giá công tác thực hiện gói hỗ trợ tại UBND Q.5 khá toàn diện, tuy nhiên bà Ngọc cũng đề nghị Q.5 lưu ý nhiều nội dung. Cụ thể, đánh giá ý nghĩa, tác động của các chính sách an sinh xã hội của TP.HCM với người dân; có bao nhiêu người dân tự nguyện không nhận hỗ trợ; nguồn nhân lực tham gia thực hiện chính sách ra sao, có kịp thời không; ghi nhận thế nào về sự đồng thuận, góp ý của người dân trong công tác công khai minh bạch các thông tin.

"Báo cáo của UBND Q.5 cần phải nói sâu hơn về việc tuyên truyền làm sao để người dân biết mình có thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách hay không. Tôi muốn nghe chia sẻ của đại diện các phường về cách thức triển khai để dân hiểu", bà Ngọc nói.

Trả lời trước đoàn kiểm tra, ông Hồ Xuân Bắc, Chủ tịch UBND P.1 cho biết, khi có chỉ đạo, công văn hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách, địa phương đã soạn thông báo cho các khu phố, tổ dân phố để họ thông báo cho người dân các nội dung như đối tượng thụ hưởng, thời gian, địa điểm. Tổ công tác (trong đó có tổ dân phố và Cảnh sát khu vực) sẽ rà soát, bình nghị danh sách. Sau đó, phường tổng hợp, gửi danh sách để lọc trường hợp và tiến tới xét duyệt. "Chúng tôi cũng công bố những người nào không được hưởng và chia ra 6 tổ công tác để chi hỗ trợ cho người dân", ông Bắc nói.

Ghi nhận có những trường hợp sau khi phát xong, dân vẫn thắc mắc về gói hỗ trợ, muốn nhận cả 3 đợt, ông Bắc cho hay: "Chúng tôi sẽ giải thích cho người dân. Thậm chí, khi trả lời một người nào đó, chúng tôi gọi trực tiếp Cảnh sát khu vực qua tận nơi. Khi tiếp dân, người dân kéo lên trụ sở UBND thắc mắc, kiến nghị, chúng tôi cũng mời trực tiếp Cảnh sát khu vực, tổ dân phố lên để trả lời, xác định luôn tại đó là người dân phản ánh như thế là đúng đối tượng không".

Phát biểu tại buổi kiểm tra, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho hay: "Khi người dân thắc mắc gói hỗ trợ, việc địa phương mời khu phố, Cảnh sát khu vực lên đối thoại trực tiếp, trả lời cho người dân là giải pháp hay".

Ông Tấn cũng lưu ý UBND Q.5 cần giải thích dân hiểu đây là chính sách đặc thù của TP.HCM để hỗ trợ giúp đỡ cho người "có hoàn cảnh thật sự khó khăn" trong thời gian TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội chứ không phải là chế độ trợ cấp thường xuyên, hằng năm.

Doanh nghiệp ở TP.HCM không phải dừng hoạt động khi phát hiện ca nhiễm Covid-19

"Ai cũng khó khăn, nhưng hoàn cảnh khác nhau"

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cũng lưu ý với địa phương cụm từ "người dân có hoàn cảnh thật sự khó khăn".

Theo ông Tấn, "ai cũng khó khăn, nhưng hoàn cảnh khác nhau. Người đi xe 4 chỗ khác người đi xe đạp. Hoàn cảnh của người khó khăn ở nhà trọ, khu lưu trú, xóm nghèo, khu lao động nghèo khác với người khó khăn ở chung cư cao cấp", ông Tấn nói và nhấn mạnh: "Nếu chi sót thì phải bổ sung, nếu chi không đúng thì phải thu hồi".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.