Nâng trần để đảm bảo giá vé máy bay cạnh tranh?
Hãng hàng không Vietravel Airlines vừa phát đi thông cáo nêu ý kiến về đề xuất tăng khung giá trần một số chặng bay mà Bộ GTVT đang lấy ý kiến sửa đổi một số điều của Thông tư số 17/2019 về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
Theo đề xuất của Bộ GTVT, nhóm đường bay có khoảng cách dưới 500 km vẫn giữ nguyên mức giá trần 1,6 triệu đồng/vé một chiều với đường bay phát triển kinh tế - xã hội và 1,7 triệu đồng/vé một chiều với nhóm đường bay khác dưới 500 km như hiện nay.
Nhóm đường bay từ 500 km đến dưới 850 km, mức giá trần tăng 50.000 đồng/vé một chiều từ 2,2 triệu lên 2,25 triệu đồng, tương ứng tăng 2,27%. Nhóm đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km, mức giá trần tăng từ 2,79 triệu đồng lên 2,89 triệu đồng/vé một chiều (tương đương tăng 3,58%).
Ở khoảng cách đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km, Bộ GTVT đề xuất mức giá tối đa là 3,4 triệu đồng/vé một chiều, cao hơn 200.000 đồng so với quy định hiện hành (tăng 6,25%) Nhóm cuối cùng - khoảng cách đường bay từ 1.280 km trở lên được đề xuất mức giá 4 triệu đồng/vé một chiều, cao hơn 250.000 đồng so với quy định hiện hành là 3,75 triệu đồng. Đây cũng là nhóm được đề xuất tăng giá mạnh nhất, tới 6,67%.
Lãnh đạo Vietravel Airlines đánh giá, đây là một trong những đề xuất theo sát tình hình thực tế của ngành khi các chi phí đầu vào có nhiều sự biến động so với khung giá trần đã được ban hành tại thời điểm cách đây 8 năm. Dựa trên kết quả hoạt động của Vietravel Airlines trong những năm vừa qua cho thấy, trung bình giá vé của các chặng bay do hãng khai thác luôn dưới khung giá vé trần theo thông tư 17 được ban hành từ năm 2015.
"Việc tăng khung giá trần sẽ cho phép các hãng có biên độ điều hành giá vé rộng hơn, giúp hãng chủ động hơn trong việc linh hoạt cân bằng giữa việc đảm bảo giá vé cạnh tranh nhưng vẫn đáp ứng các chi phí đầu vào biến động như thời gian qua" - lãnh đạo hãng hàng không "trẻ" nhất Việt Nam nhận định.
Giá vé máy bay tăng hay giảm?
Đáng chú ý, phía Vietravel Airlines dẫn số liệu: Giai đoạn đầu của cao điểm hè 2023, Vietravel Airlines ghi nhận giá vé máy bay kết nối từ TP.HCM và Hà Nội đến các thành phố du lịch lớn như Phú Quốc/Quy Nhơn/Đà Nẵng giảm hơn 18% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, khẳng định thông tin giá vé máy bay hè đang cao được đưa ra từ một số đơn vị là chưa sát với tình hình thực tế của thị trường và không phải bức tranh chung của toàn bộ mạng đường bay.
Trong khi trước đó, nhiều gia đình lên kế hoạch đưa con đi chơi hè đã phải than trời vì giá vé máy bay quá cao. Đơn cử, mua vé đi Phú Quốc từ giữa tháng 5, chị Ngọc Thúy (ngụ Hà Nội) phải trả hơn 6,5 triệu đồng/vé khứ hồi của hãng Vietnam Airlines, tổng gia đình 4 người hết gần 28 triệu tiền vé máy bay.
Thời điểm đó, những gia đình chọn bay từ Hà Nội đi Nha Trang cũng phải chịu mức giá vé cao ngất ngưởng. Chặng đi 16.6, về 20.6, vé rẻ nhất của Vietjet đã tăng đến hơn 3,7 triệu đồng/vé khứ hồi; Pacific Airlines tiếp tục ngang hàng, giá khoảng 4,5 triệu đồng cho 2 chặng đi và về. Các chuyến bay của Vietnam Airlines lên khoảng 5,5 triệu đồng.
Chặng Hà Nội - Quy Nhơn giai đoạn giữa tháng 7 rất ít chuyến bay. Vé của Bamboo Airways từ 4,6 - 5,3 triệu đồng/khứ hồi; Vietnam Airlines từ 5,5 - 5,8 triệu đồng. Hà Nội đi Côn Đảo giai đoạn từ nay đến hết tháng 8, mỗi ngày chỉ có các chuyến bay của Bamboo Airways giá dao động từ 4,5 - 5,6 triệu đồng/khứ hồi.
Thực tế, ghi nhận từ các công ty du lịch cũng cho thấy tình trạng nhiều gia đình hủy bỏ kế hoạch chơi lễ, chơi hè hoặc chuyển hướng sang du lịch nước ngoài thay vì đi trong nước do vé máy bay quá cao đang ngày càng phổ biến. Nếu được ban hành, quy định trần giá vé mới sẽ tác động rất mạnh tới thị trường hàng không và du lịch. Các đường du lịch "hot" nhất như Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội - Phú Quốc... đều thuộc nhóm đường bay có mức tăng mạnh nhất, đồng nghĩa với chi phí cho chuyến đi của du khách sẽ tăng.
Bình luận (0)